| Hotline: 0983.970.780

'Trẻ hóa' cà phê chè Quảng Trị

Thứ Ba 15/11/2022 , 07:08 (GMT+7)

Khoảng 50% trong tổng số hơn 5.000ha cà phê chè của Quảng Trị hiện nay đã già cỗi, năng suất thấp. Chiến lược "trẻ hóa" cho cây cà phê đang được Quảng Trị triển khai.

Gắn tái canh với sản xuất theo hướng hữu cơ

Tổng diện tích cây cà phê của tỉnh Quảng Trị tính đến cuối năm 2020 khoảng 5.000ha. Năng suất cà phê nhân giảm thấp, chỉ còn đạt 11,5 tạ/ha, nguyên nhân giảm là do diện tích cà phê già cỗi tăng nhanh, chiếm khoảng 50% diện tích (đây là diện tích trồng trước năm 2000). Vì vậy, việc tái canh cà phê được xem là một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Quảng Trị.

Xuất phát từ thực trạng, nhu cầu sản xuất cũng như góp phần thực hiện đề án tái canh cây cà phê của tỉnh, với nguồn vốn từ Dự án Khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã xây dựng mô hình tái canh cây cà phê chè trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Empty

Giống cà phê đảm bảo chất lượng, sạch sâu bệnh, có truy xuất nguồn gốc được Quảng Trị chú trọng đầu tư phục vụ tái canh. Ảnh: Việt Toàn.

Trong 03 năm triển khai từ 2020 - 2022, Trung tâm xây dựng 3 mô hình tái canh cà phê chè với tổng quy mô 30ha. Cụ thể năm 2020 thực hiện tái canh với diện tích 6ha tại vùng biên giới đặc biệt khó khăn ở xã Hướng Phùng; năm 2021 với 12ha tại xã Hướng Tân và Tân Hợp và năm 2022 là 12ha tại xã Tân Liên và Thị trấn Khe Sanh.

Giống đưa vào mô hình là giống cà phê Catimor và THA1. Nguồn giống cà phê chè Catimor được lấy từ 2 vườn cây đầu dòng được Sở NN-PTNT Quảng Trị công nhận trên địa bàn huyện Hướng Hóa, có chất lượng tốt, hạt giống THA1 được mua từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, được gieo ươm và chọn lọc lại đảm bảo độ đồng đều để làm giống. Cây giống trước khi đem trồng được các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp kiểm tra, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và xuất vườn, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô giống.

Năm 2020, Dự án đã khảo sát địa điểm, chọn hộ và tiến hành triển khai tập huấn tại xã biên giới Hướng Phùng về kỹ thuật trồng mới cà phê; kỹ thuật chăm sóc cây cà phê và phòng trừ các loại sâu bệnh hại chính trên cây cà phê. Đồng thời, hỗ trợ 100% giống và vật tư phân bón, thuốc BVTV cho công tác trồng mới 5ha giống Catimor và 1ha giống mới THA1 tại xã Hướng Phùng.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã áp dụng phương pháp "cầm tay chỉ việc", tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích các hộ nông dân ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê sau khi chế biến và rác thải nông nghiệp. Với cách làm này, sẽ mang lại "hiệu quả kép" cho các hộ nông dân, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra được nguồn phân hữu cơ tại chỗ giúp giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, vừa nâng cao chất lượng cà phê.

Empty

Hiện nay, một số diện tích cà phê tái canh đã cho thu hoạch bói, thường xuyên được nông dân quan tâm tham quan để học hỏi làm theo. Ảnh: Việt Toàn.

Thực hiện tái canh trồng mới, năm 2021, 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tiếp tục trồng 24ha (22ha giống Catimor và 2ha giống mới THA1) tại xã Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên và Thị trấn Khe Sanh. Dự án hỗ trợ 70% giống và vật tư, bao gồm giống và các loại vật tư phân bón thiết yếu để thực hiện mô hình. Tuy nhiên do năm 2022 giá vật tư tăng cao, người dân đã đối ứng bù thêm để đảm bảo định mức kinh tế kỹ thuật và quy trình tái canh.

Trong suốt quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát cơ sở kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn các hộ tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động của mô hình, ghi chép các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, các tình huống xảy ra để xử lý và giải quyết, đảm bảo Dự án triển khai có hiệu quả.

Đối với cây che bóng trong vườn cà phê, cây bơ Booth được ưu tiên lựa chọn làm cây che bóng, vừa đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho cà phê sinh trưởng và phát triển, vừa đem lại hiệu quả kinh tế từ nguồn thu từ quả bơ về lâu dài.

Bà Lê Thị Thanh, thôn Bản Cheng, xã Hướng Phùng (huyện hướng Hóa) cho biết, gia đình trồng 2ha cà phê nhưng do đã trồng lâu năm, già cỗi nên trái không to, năng suất thấp, tốn công chăm sóc. "Đến hôm nay, tôi thấy mô hình 2.000 cây cà phê tái canh của gia đình đã cho quả bói và trái to, cành sức, sâu bệnh ít, cây không bị mắc bệnh rệp sáp, rệp lộ nghẹ, khô cành. Bà con quan đây ưa lắm, mỗi ngày cũng có vài ba hộ ghé xem hỏi thăm tìm hiểu”, bà Thanh khấn khởi.

"Trẻ hóa" để khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh

Song song với việc thực hiện mô hình, các hoạt động khác của Dự án cũng được triển khai như hoạt động tập huấn ngoài mô hình gồm 2 lớp với 60 học viên tham gia. Đây là những khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông, nông dân ngoài dự án của các xã khác thuộc huyện Hướng Hóa.

Thông qua các lớp tập huấn, giảng viên đã trao đổi và truyền đạt cho các học viên về quy trình kỹ thuật tái canh cây cà phê chè trên địa bàn huyện. Qua đây, giúp học viên nắm được những kiến thức, kỹ năng để có thể áp dụng sản xuất tái canh cây cà phê, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm kiến thức cho người khác sau khi tham gia học tập.

Empty

Quảng Trị gắn việc tái canh cà phê với quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững. Ảnh: Việt Toàn.

Có thể thấy sau 3 năm thực hiện tái canh cây cà phê, đến nay, mô hình đã đạt được những kết quả khả quan. Đối với mô hình tái canh trồng năm 2022, cây cà phê sinh trưởng, phát triển ổn định, cây con ra lộc non mạnh; tỷ lệ sống đạt 99%, đã có từ 8 - 9 cặp lá, chiều cao cây trung bình 28 - 30cm, đường kính gốc trung bình đạt 3,8 – 4mm. Mô hình chăm sóc năm thứ 2 (trồng năm 2021), cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao cây trung bình 75 - 85cm, có từ 12 - 14 cặp cành cấp 1, sâu bệnh gây hại không có biểu hiện đáng kể.

Đối với mô hình chăm sóc năm thứ 3 (trồng năm 2020), chiều cao cây trung bình từ 125 - 135cm, có 25 - 28 cặp cành C1, chiều dài cành C1 trung bình 70 - 75cm, số cành cho quả trung bình 9 – 10 cặp; không có sâu bệnh đáng kể. Hiện nay, diện tích cà phê tái canh này đang cho thu bói năm đầu tiên, trung bình đạt 1,5kg quả tươi/cây, đặc biệt giống THA1 có cây cho thu hoạch 3kg quả tươi/cây, giá bán dao động từ 10.000 - 14.000đ/kg quả tươi.

Với năng suất trung bình từ 5 - 6 tấn quả tươi/ha, tuy giá cả vật tư phân bón tăng cao và còn nhiều khó khăn nhưng với giá cà phê tăng cao trở lại, là tín hiệu tốt để các địa phương phát triển, tái canh chăm sóc cây cà phê.

Ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, Hướng Hóa cho biết, trên địa bàn xã Hướng Phùng, cây chủ lực là cây cà phê với diện tích trên 1.600ha, diện tích trồng cà phê đã trên 20 năm chiến trên 50%, cà phê già cỗi chiếm phần lớn. Qua thành công mô hình tái canh cà phê do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, xã Hướng Phùng mong muốn đề xuất thêm các cơ quan chức năng cần nhân rộng mô hình để nhân dân chuyển đổi, duy trì diện tích sản xuất và tìm hướng đi mới cho cây cà phê.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, ông Trần Cẩn cho biết: Thực hiện Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đến năm 2025, diện tích cà phê già cỗi cơ bản được tái canh bằng bộ giống cà phê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Việc triển khai dự án xây dựng mô hình tái canh cây cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa, sử dụng các giống cà phê chè mới năng suất chất lượng cao thay thế diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa năng suất thấp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đề án tái canh cà phê của tỉnh.

Ông Trần Cẩn cho biết thêm, để có cơ sở nhân rộng tái canh cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề xuất trung ương và tỉnh tiếp tục bố trí nguồn vốn để xây dựng các mô hình trình diễn ở các địa phương khác.

Từ các mô hình này, sẽ khuyến cáo cho người dân đưa vào sản xuất để thay thế các vườn cà phê già cỗi dần thái hóa, giảm năng suất và bị nhiễm sâu bệnh. Thông qua đó, giúp nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê Quảng Trị, xây dựng và khôi phục thương hiệu cà phê Khe Sanh, thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất