| Hotline: 0983.970.780

Trên 438ha đất lâm nghiệp giao cho doanh nghiệp bị lấn chiếm

Thứ Năm 27/04/2023 , 14:45 (GMT+7)

Cơ quan chức năng xác định, 9 doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án kinh tế, du lịch sinh thái nhưng để người dân lấn chiếm với tổng diện tích 438ha.

UBND huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) vừa có báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, huyện này kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét thu hồi các dự án vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Theo đó, trên địa bàn huyện Đam Rông hiện có 15 dự án thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích gần 2.900ha. Trong đó có 9 dự án trồng rừng kinh tế hoặc trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc với  trên 1,8 nghìn ha; 2 dự án được phép cải tạo trồng cao su, trồng rừng kinh tế với tổng diện tích 553ha và một dự án du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng 100ha; 3 dự án nuôi cá nước lạnh với 323ha.

UBND huyện Đam Rông xác định trên 438ha đất lâm nghiệp giao cho doanh nghiệp làm dự án đã bị người dân lấn chiếm. Ảnh: Minh Hậu.

UBND huyện Đam Rông xác định trên 438ha đất lâm nghiệp giao cho doanh nghiệp làm dự án đã bị người dân lấn chiếm. Ảnh: Minh Hậu.

Theo UBND huyện Đam Rông, thời gian qua, một số dự án được phép cải tạo trồng rừng kinh tế nhưng khi doanh nghiệp khai hoang xong đã không trồng rừng hoặc trồng rừng nhưng không chăm sóc, không bố trí người quản lý thường xuyên nên đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp.

Qua kiểm tra, UBND huyện Đam Rông xác định tổng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là trên 438 ha. Diện tích này xảy ra ở 9 doanh nghiệp bao gồm Công ty CP Ngân Lâm với trên 131ha, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai trên 130ha, Công ty Đại Nguyên hơn 70 ha, Công ty Việt Thổ hơn 10 ha, DNTN khách sạn Thiên Lý hơn 3ha, Công ty Tín Dũng hơn 46 ha, Công ty Thiên Đức hơn 15ha, Công ty CP Dó Bầu Hương Quảng Nam hơn 20ha, Công ty Quý Thanh Lộc Phát hơn 12ha.

Ngoài ra, UBND huyện Đam Rông cũng xác định 3 dự án gồm Công ty Tín Dũng, Công ty Quý Thanh Lộc Phát và Công ty Toản Thắng triển khai chậm tiến độ và đã vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư. UBND huyện Đam Rông cũng xác định Công ty Tín Dũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, Công ty Toản Thắng chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, Công ty Quý Thanh Lộc Phát chưa khắc phục xong những tồn tại. Đối với 3 dự án này, UBND huyện Đam Rông kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi dự án.

UBND huyện Đam Rông kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét thu hồi 3 dự án vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Ảnh: Minh Hậu.

UBND huyện Đam Rông kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét thu hồi 3 dự án vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Ảnh: Minh Hậu.

UBND huyện Đam Rông kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét thu hồi một phần diện tích của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ Hợp Phát do doanh nghiệp triển khai đầu tư chậm tiến độ 120 tháng. Đồng thời đề nghị Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đôn đốc Công ty Đại Nguyên nộp đủ số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng theo quy định.

UBND huyện Đam Rông cũng đề nghị Sở NN-PTNT Lâm Đồng không lập thủ tục thuê rừng đối với Công ty TNHH Việt Thổ và yêu cầu doanh nghiệp tự quản lý bảo vệ diện tích rừng còn lại, hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để mất rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.