| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng

Vi phạm lâm luật đang gia tăng

Thứ Hai 10/04/2023 , 09:22 (GMT+7)

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời yêu cầu rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ, buông lỏng quản lý để mất rừng.

Gia tăng số vụ vi phạm lâm luật

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong quý I/2023, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó 35 vụ đã xác định đối tượng vi phạm và 12 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm.

Ở các vụ vi phạm này, tổng diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 6,56ha với khối lượng lâm sản bị thiệt hại trên 155m3. Cũng trong Quý I năm nay, địa phương này ghi nhận 4 vụ cháy thảm thực bì với diện tích 11,348ha. Đối với các vụ cháy này, các đơn vị nghiệp vụ đã kịp thời dập tắt, không gây ảnh hưởng đến diện tích rừng.

phá rừng lâm đồng

Quý I năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 47 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 6,56 ha với khối lượng lâm sản bị thiệt hại trên 155 m3. Ảnh: Minh Hậu.

Về vấn đề lấn chiếm và tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, từ đầu năm đến nay ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 78 vụ với diện tích gần 23ha. Con số này tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức giải tỏa gần 17ha trong tổng số gần 23ha bị lấn chiếm.

Đối với tình trạng xây dựng nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp, đến đầu tháng 3, các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tháo dỡ được gần 98/106ha. Trong đó có 4 địa phương hoàn thành kế hoạch giải tỏa là thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Di Linh và Đam Rông.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, lĩnh vực lâm nghiệp của địa phương thời gian qua còn hạn chế trong công tác tuyên truyền. Đặc biệt công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương, đơn vị chủ rừng chưa chặt chẽ và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở một số đơn vị còn yếu. Công tác kiểm tra, phát hiện, báo cáo chưa kịp thời dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý kém hiệu quả.

Thu hồi dự án chậm tiến độ làm để mất rừng

Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025 mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã có kết luận, chỉ đạo trong vấn đề phát triển lâm nghiệp.

phá rừng lâm đồng 2

Lực lượng chức năng tổ chức kiểm đếm số lượng lâm sản bị khoan lỗ đổ thuốc độc tại khu vực rừng do Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh quản lý. Ảnh: Minh Hậu.

Theo đó, ông Võ Ngọc Hiệp yêu cầu ban này và các thành viên của ban, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm… phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Ông Võ Ngọc Hiệp cũng yêu cầu các đơn vị phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, khai thác rừng cũng như lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Đồng thời đề ra mục tiêu của năm 2023 là giảm 20% diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2022 và giảm số vụ vi phạm phức tạp nổi cộm. Tỉnh này cũng đặt ra mục tiêu giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích đất bị lấn chiếm mới trong năm, trong đó trồng 485 ha rừng tập trung, trồng 12,4 triệu cây xanh trên toàn tỉnh, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng hiện có.

anh 12 sai gon dai ninh

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu sở này phải cương quyết đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ, buông lỏng quản lý dẫn đến để mất rừng. Ảnh: Minh Hậu.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng lập kế hoạch kiểm tra, truy quét và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Trong đó, tập trung tại các địa bàn giáp ranh và trọng điểm về phá rừng. Xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ vi phạm và kiên quyết không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn quản lý.

Trong vấn đề quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan, tổ chức kiểm tra và rà soát tiến độ thực hiện của các dự án liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp để tháo gỡ khó khăn hoặc xử lý những vi phạm. Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu sở này phải cương quyết đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ, buông lỏng quản lý dẫn đến để mất rừng.

Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp cũng nêu kết luận, yêu cầu các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư sớm hoàn thiện các hạng mục dự án đã được phê duyệt. Đặc biệt phải giải toả diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tổ chức trồng lại rừng. Các đơn vị này cũng phải thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và bố trí lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh, phối hợp với lực lượng chức năng để quản lý, bảo vệ rừng. 

Trong quý/2023, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ gây thiệt hại lớn về diện tích rừng và khối lượng lâm sản. So sánh với cùng kỳ năm 2022, diện tích rừng bị phá tăng 3,77ha (tăng 135%), số vụ vi phạm phức tạp, nổi cộm tăng 5 vụ (tăng 83,3%), số vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm còn chiếm tỷ lệ cao với 25,5%. Tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, công tác quản lý ngành, quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra còn nhiều hạn chế. Từ đó tạo ra lỗ hổng, khe hở dễ để xảy ra nguy cơ mất rừng.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.