| Hotline: 0983.970.780

Dự án của Sài Gòn - Đại Ninh để mất 257ha rừng, ai chịu trách nhiệm?

Thứ Sáu 07/04/2023 , 19:36 (GMT+7)

257ha rừng bị phá trong dự án Sài Gòn – Đại Ninh nhưng doanh nghiệp chỉ giải tỏa được 7,5 ha, trồng được 13,4 ha. Còn lại đất trồng và đã bị trồng cà phê.

Rừng vẫn mất sau kết luận thanh tra

Liên quan vụ mất rừng xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh (gọi tắt là Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh) của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh mà Báo Nông nghiệp Việt Nam có bài phản ánh, Sở NN-PTNT đã có thông tin chính thức về các vấn đề liên quan.

Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (gọi tắt là Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng theo Quyết định số 953/QĐ - UBND ngày 22/4/2011 với tổng diện tích đất cho thuê là 1.432,49 ha, trong đó, diện tích đất có rừng là 1.050,514 ha.

DSC_1307

Theo kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tính đến tháng 6/2019, dự án của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh để mất 257,05 ha rừng. Ảnh: Minh Hậu.

Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN-PTNT Lâm Đồng nêu rõ, đối với dự án này, kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì diện tích rừng bị mất tại dự án đầu tư của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh từ thời điểm được thuê đến tháng 6/2019 là 257,05 ha.

Sau Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND này, trên diện tích do Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý tiếp tục xảy ra 30 vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, trong đó có có 28 vụ phá rừng, 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật. Diện tích rừng thiệt hại 16.502 m2 với tổng khối lượng lâm sản thiệt hại là 57,556 m3. Ngoài ra, còn có 45,560 m3 cây rừng bị ken (cây bị chặt, khoan lỗ đổ thuốc độc) hiện chưa bị chết.

anh 2 sai gon dai ninh

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh có tổng mức đầu tư khoảng trên 25 nghìn tỷ đồng và kế hoạch triển khai từ năm 2010 đến năm 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án mới chỉ thi công một số hạng mục nhà ở chuyên gia, văn phòng và khoảng 20km đường nội bộ. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với diện tích rừng giao cho Công ty Sài Gòn – Đại Ninh bị mất theo Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND, doanh nghiệp này buộc phải bồi thường giá trị tài nguyên rừng với tổng số tiền trên 18,7 tỷ đồng. Con số này Công ty Sài Gòn – Đại Ninh đã nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, đối với diện tích rừng bị mất và bị lấn chiếm, chủ đầu tư chỉ mới tổ chức giải tỏa được hơn 7,5 ha, trồng lại rừng 13,4 ha. Còn lại là diện tích đất trống 2,2 ha và diện tích có hiện trạng là cây cà phê gần 234 ha.

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh có tổng diện tích 3.595 ha và được thuê 1.050,514 ha rừng. Diện tích dự án nằm trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và xã Ninh Loan của huyện Đức Trọng. Các hạng mục dự án nằm trải rộng, bao quát vùng đồi núi rộng lớn quanh hồ Đại Ninh. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng trên 25 nghìn tỷ đồng và kế hoạch triển khai từ năm 2010 đến năm 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án mới chỉ thi công một số hạng mục nhà ở chuyên gia, văn phòng và khoảng 20km đường nội bộ.

Ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, đối với các vụ vi phạm xảy ra sau Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã ban hành quyết định xử lý 9 vụ, trong đó có 7 vụ phá rừng và 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật với tổng số tiền là 52 triệu đồng. Trong đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng quyết định xử phạt Công ty Sài Gòn - Đại Ninh 2 vụ do doanh nghiệp này không thực hiện đầy đủ các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng trên diện tích được thuê với tổng số tiền 45 triệu đồng.

Trong khi đó, 21 vụ phá rừng còn lại xảy ra tại dự án, doanh nghiệp này chưa bị xử lý do cây bị ken, chưa có dấu hiệu chết.

Để mất rừng, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 22/4/2011, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất để triển khai dự án. Đồng thời doanh nghiệp này phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển đối với diện tích rừng được thuê.

Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng xác định việc để mất rừng ở dự án của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh thì trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp.

Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho rằng, công ty này đã không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng đầy đủ, không thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng nên dẫn đến tình trạng rừng bị phá, lấn chiếm.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi phạm pháp hoặc chậm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm canh tác trái phép ở dự án diễn ra trong thời gian dài đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm theo quy định.

anh 12 sai gon dai ninh

Đối với 257ha rừng bị mất và bị lấn chiếm ở Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh, chủ đầu tư chỉ mới tổ chức giải tỏa được hơn 7,5 ha, trồng lại rừng 13,4 ha. Còn lại là diện tích đất trống 2,2 ha và diện tích có hiện trạng là cây cà phê gần 234 ha. Ảnh: Minh Hậu.

Ngoài chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính trong việc để mất 257ha rừng, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng xác định chính quyền địa phương cấp xã cũng phải chịu trách nhiệm. Theo đó, lực lượng kiểm lâm được giao phụ trách địa bàn, chính quyền các xã, kiểm lâm địa bàn đã thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý bảo vệ rừng của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh. Những cá nhân, đơn vị này chưa thường xuyên tổ chức lực lượng để phối hợp với Công ty Sài Gòn - Đại Ninh trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng nên để xảy ra phá rừng trong thời gian dài với diện tích lớn.

Ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng thông tin, hiện nay, để ngăn chặn tình trạng mất rừng tại dự án của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Sài Gòn – Đại Ninh phải xây dựng, thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đủ mạnh và phải tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên. Nếu doanh nghiệp này không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo quy chế, vẫn để xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng trên diện tích được thuê sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời yêu cầu Công ty Sài Gòn – Đại Ninh phải phối hợp cùng các đơn vị để quản lý chặt diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm. Buộc doanh nghiệp này phải quyết liệt trong việc giải tỏa cây trồng, kiến trúc ở khu vực bị lấn chiếm để trồng lại rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng theo đúng quy định.

Đầu năm 2023, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn - Đại Ninh là ông Nguyễn Cao Trí đã ký văn bản gửi lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở TN-MT Lâm Đồng về các vấn đề đầu tư tại dự án. Theo đó, chủ đầu tư dự kiến tiến độ thực hiện dự án với phân kì 1 là xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài trong 5 năm từ 2022-2026. Cụ thể, trong giai đoạn này sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo thông báo của UBND tỉnh Lâm Đồng và xây dựng hạ tầng các khu A, B, C, D, E, G. Phân kì 2 sẽ kéo dài từ 10-15 năm trong giai đoạn 2023-2037 và doanh nghiệp này dự kiến bắt đầu kinh doanh phần đất ở.

Theo UBND huyện Đức Trọng, ngày 20/2/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 1171/UBND-TH2, giao các Sở ngành thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng trong việc xây dựng giá đất cụ thể tính tiền sử dụng đất gửi Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trước ngày 30/4/2023. Dự kiến sau khi UBND tỉnh phê duyệt, sẽ tiến hành thu tiền sử dụng đất Dự án khu đô thị Đại Ninh của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh vào quý II/2023.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.