Từ nhiều tháng nay, công luận và báo chí đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi bà con nông dân phải hết sức cảnh giác việc thương lái Trung Quốc săn lùng mua sản phẩm nông sản "độc" như lá mãng cầu, cam non, hoa thanh long còn búp, đặc biệt là cau non. Vì việc bán những mặt hàng này có thể ảnh hưởng đến cây trồng.
Đến nay, việc thu mua lá mãng cầu, cam non, hoa thanh long… hình như lắng dịu, riêng phong trào thu gom cau non vẫn âm thầm tiếp diễn, trong lúc chính quyền địa phương không khuyến cáo dừng và cũng không khuyến khích người dân bán.
Anh Phạm Hữu Phước, quê ở Vàm Xáng, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, nhiều tháng nay, đặc biệt là từ tháng 5/2015 hầu như ngày nào anh cũng “ăn cơm dưới đất làm việc trên cây”.
Cứ sáng sớm là anh xách xe chạy đến các khu vườn trồng cau để hợp đồng giá cả với chủ vườn rồi lần lượt trèo hết cây này đến cây khác. Thường mỗi ngày anh chỉ trèo một buổi, một buổi nghỉ dưỡng sức, nhưng gặp những ngày hút hàng anh làm việc cả hai buổi, bình quân mỗi ngày trèo khoảng 70 cây cau, xái cả cẳng.
Việc thu gom cau non ngày nào cũng diễn ra thật sôi động
Anh cho biết công việc vô cùng vất vả. Trèo đã mệt, cắt được buồng cau mang xuống đất càng mệt gấp đôi, nhưng đây là một công việc có thu nhập khá cao và ổn định nên anh em không thể từ bỏ. Bình quân một người trèo giỏi anh có thể kiếm từ 300– 500.000đ/ngày, cao gấp 2 lần làm thợ hồ hoăc bốc vác.
Anh Nguyễn Văn Bé ở ấp Nhơn Lộc I, thị trấn Phong Điền cũng là một người tự trèo và thu gom cau bán lại cho các vựa ở Phong Điền. Anh cho biết, cách đây hơn 2 tháng giá cau rất đắt, thời điểm cao nhất là 72.000đ/kg. Sau đó giảm xuống còn 60.000, 40.000, 20.000 và nay chỉ còn 10.000đ/kg.
Sở dĩ rẻ vì hiện nay là mùa cau đang rộ. Theo anh, dù giá cau lên hay xuống, thu nhập của người trèo cau vẫn ổn định, tiền công không thay đổi. Người hái càng nhiều buồng cau thu nhập càng cao. Tùy theo cây, mỗi buồng có thể cho từ 2 – 10kg trái.
Hiện nay, mặc dù phong trào lùng sục cau non đã tạm lắng lại nhưng có lúc vẫn sôi động, nhất là tại đầu mối tập kết thu mua tại huyện Phong Điền, mỗi ngày có hàng chục thanh niên trèo cau, thu gom cau, vận chuyển cau trên các nẻo đường liên tỉnh, liên xã.
Những vườn cau còn lại tại tỉnh Hậu Giang
Được biết, cau ở vùng ĐBSCL còn rất ít. Riêng huyện Phong Điền còn khoảng 12.000 cây. Nơi còn khá nhiều là tỉnh Hậu Giang. Đa số cây còn lại dùng để làm cảnh, một số ít lấy trái bán cho người ăn trầu và xuất ra miền Bắc. Chính vì hiệu quả kinh tế không đáng kể nên việc gìn giữ cây cau phần lớn bà con nông dân không quan tâm.
Cũng chính vì vậy mà khi có phong trào mua cau non của các thương lái Trung Quốc từ đầu năm 2015 đến nay (tuy còn nhiều bí ẩn), song đây là một cơ hội mang lại lợi ích trước mắt cho nông dân nên bà con sẵn sàng bán, không cần nghĩ đến lợi hại lâu dài. Không ít người còn nói thà bán non, còn hơn là bỏ không.