| Hotline: 0983.970.780

Tri thức hóa nông dân: [Bài 8] Trang trại trải nghiệm cho người đi xe lăn

Thứ Tư 27/07/2022 , 06:49 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Trong nhà kính văng vẳng tiếng hát, tôi hỏi mấy người làm công vì sao, họ bảo anh chủ vui tính nên cũng vui lây, vừa làm vừa hát cho cây phát triển tốt hơn.

Tâm thế làm nông đã thay đổi

Đó là quang cảnh tại HTX Thủy canh Việt của Nguyễn Đức Huy ở phường 10, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi đang chuẩn bị tiến hành trải nghiệm nông nghiệp không chỉ dành cho người khỏe mạnh mà còn cả người đi xe lăn. Đây là mô hình tiên phong ở Việt Nam. Thạc sỹ sinh lý thực vật này vốn là nhân viên của Phòng Kinh tế Đà Lạt, nhưng năm 2015 đã ra ngoài làm nông với mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Hệ thống thủy canh đã được anh nghiên cứu từ năm thứ 3 đại học tới khi đó.  

Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Thủy canh Việt đang mô tả lối đi cho người đi xe lăn tại trang trại mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX Thủy canh Việt đang mô tả lối đi cho người đi xe lăn tại trang trại mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Anh tâm sự, trước đây người ta thường coi làm nông là nghề bần cùng nhất của xã hội, của những người thất bại, kém cỏi. Ngay tại TP Đà Lạt này, những người bạn mình là con nông dân, khi về TP.HCM học hay có tâm lý ly nông, muốn làm văn phòng ngồi trong máy lạnh và sau này đa số là vậy. Thế nhưng về tích lũy tài sản, không phải người làm văn phòng nào cũng được như nông dân thời nay.

Quay lại chuyện tại sao con em nông dân không muốn làm nông dân là bởi làm theo kiểu cũ, như những người anh họ mình những năm 90, 4 - 5h sáng, một thằng nhóc 8 - 9 tuổi phải ra bỏ máy bơm, tưới hết cây cho cả khu vườn lớn. Quãng thời gian ấy lạnh lắm, nó hằn sâu vào ký ức của người ta là làm nông dân rất khổ, bằng mọi giá phải ly nông.

Tuy nhiên, nông dân hiện nay nhiều nơi đi chân không chạm đất vì đất lót bạt hết rồi. Tâm thế của nông dân nay cũng hoàn toàn khác. Giờ có tri thức mới làm nông dân được, không chỉ học ở trường mà học từ những nguồn khác. Riêng ở Đà Lạt giờ muốn làm nông phải có vốn, có đất. Đất ở đây đang tính bằng m2, quá đắt nên không dễ làm nông dân.

“Tôi có được may mắn hơn nhiều người khi khởi nghiệp nông nghiệp là có quãng thời gian 10 năm làm trong nhà nước nên học được nhiều, có cơ hội tiếp xúc nhiều doanh nghiệp lớn, cả trong phòng làm việc lẫn trên bàn nhậu. Nếu chỉ là người bình thường sẽ không thể nào ngồi chung mâm nhậu với họ chứ đừng nói là nghe họ tâm sự rút ruột mình ra. Lúc đó mới biết được họ đang vấp cái gì, vướng về cơ chế, vướng về thị trường, những khó khăn nội tại thế nào.

Anh Nguyễn Đức Huy đang trò chuyện cùng cán bộ khuyến nông tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Đức Huy đang trò chuyện cùng cán bộ khuyến nông tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Cái mà lớp trẻ ngày nay khởi nghiệp đang thiếu chính là những chỉ dẫn của những bậc đàn anh như thế, như anh Khẩn ở HTX Tân Tiến hay chú Đường ở Langbiang Farm chẳng hạn. Đọc trên báo, thấy thành công không chứ đâu thấy những thất bại của họ, chỉ thấy mặt trước của tấm huy chương chứ không thấy được mặt sau của nó. Bởi thế nhiều bạn trẻ khởi nghiệp “chết” bởi không lường trước được những tình huống xấu nhất.

Tôi đã từng vấp nhiều, mới đầu sản xuất cà chua cho một doanh nghiệp nước ngoài chuyên về bán hamburger. Họ đưa ra quy cách rõ ràng mỗi quả phải 120 - 140gram, đường kính 8 - 11cm thôi vì phải cắt lát để đặt vừa vào miếng hamburger. Tôi không có kinh nghiệm, cứ trồng ra, nhỏ hơn hay to hơn đều bị loại.

Khi tỷ lệ loại nhiều hơn tỷ lệ đạt là thua rồi, vì cà chua loại ra phải bán ở chợ, to quá người ta bảo là cà chua Trung Quốc không mua, mà nhỏ hơn thì chỉ bán được theo giá hàng chợ, nhưng màu sắc khác nên cũng khó bán. Khi sản xuất không đạt như kỳ vọng ban đầu, anh em góp vốn cho mình sứt mẻ, tham vọng phát triển của mình cũng bị ảnh hưởng”, anh Huy tâm sự.

Anh Nguyễn Đức Huy giới thiệu về dưa lưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Đức Huy giới thiệu về dưa lưới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Từ diện tích ban đầu 2.000m2, giờ HTX Thủy canh Việt có 3ha mà của riêng anh 1ha, tất cả đều trồng trong nhà màng. Theo anh Huy, lý do chọn thủy canh vì là nông dân thế hệ mới, không có thời gian để tích lũy đất nên phải nghĩ ra cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào để tạo ra sản lượng lớn trên một diện tích nhỏ. Ở đây, mô phỏng tự nhiên bằng cách tính toán sao cho một cái cây phát triển cần lượng phân thế nào, lượng oxy hòa tan ra sao, làm sao để không ngộ độc, đặc biệt là không để lại dư lượng.

Lúc đầu, hệ thống tưới tự động được thiết kế tưới theo ánh sáng, độ ẩm nhưng 2 năm gần đây, anh ngộ ra nhiều điều, liền thay đổi thuật toán, tưới theo mức bốc hơi của lá, mức hấp thụ dinh dưỡng của rễ. Tất cả đều có máy đo, có thuật toán, dựa vào đó máy tính sẽ tính được mức độ cụ thể cho cây.

Phần mềm do Huy và người em của anh phối hợp viết ra, dựa trên nền vạn vật kết nối, hệ thống sẽ thu thập các dữ liệu về môi trường, về sinh học của cây để tự đưa ra quyết định về lượng phân bón, chế độ tưới sao cho thích hợp nhất ngay cả khi chủ đang ngủ. Ngoài ra, hệ thống này có thể dự đoán được tỷ lệ xuất hiện của bệnh, phát cảnh báo để có biện pháp phòng trừ.

Không bỏ quên đối tượng khách yếm thế

Theo anh Huy, dư địa của du lịch nông nghiệp còn rất lớn, tuy nhiên gặp một số rào cản về chính sách như không được xây nhà trên đất nông nghiệp chẳng hạn. Vì thế HTX sẽ phát triển mô hình mang tính trải nghiệm nhiều hơn là lưu trú, tập trung vào đối tượng gia đình muốn cho con đi trải nghiệm nghề nông hoặc gia đình có người già phải ngồi xe lăn. Trong vườn, thiết kế các đường băng làm sao cho đối tượng yếu thế, phải ngồi xe lăn cũng có được trải nghiệm như người bình thường, đi vào, đi ra mà không cần ai giúp đỡ cả.

Công đoạn tưới hoàn toàn tự động. Ảnh: Dương Đình Tường.

Công đoạn tưới hoàn toàn tự động. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người tàn tật thường mặc cảm, tự ti nên có tâm lý không thích ai phục vụ. Xe ô tô đưa đến tận cửa nông trại, từ đó vào vườn đường rất rộng, có toa lét riêng cho người đi xe lăn. Hiện mọi thứ đã hoàn thiện được 50 - 60%, khi đi vào hoạt động, người già, người đi xe lăn sẽ tham quan được bình thường, có người nấu ăn tại chỗ. Ngoài ra còn có khu trải nghiệm bán cây giống cho trẻ em tự trồng mang về hoặc gửi lại đây chăm sóc, khu người lớn chụp hình, checkin, làm búp phê rau ngay tại chỗ…

Tại sao anh biết là nhu cầu của những người đi xe lăn muốn tham quan vườn nhiều hay ít?, tôi hỏi. Huy trả lời: “Tại vì tôi đi nhiều, có nhiều mối quan hệ, trong đó có những người lớn tuổi. Khi người ta lớn tuổi, người nhà họ còn lớn tuổi hơn nữa. Hiện chưa có ai nghĩ tới chuyện du lịch nông nghiệp cho đối tượng người tàn tật nên không có trang trại nào cung cấp kiểu dịch vụ này, thậm chí là cả ở nước ngoài, theo như tôi được biết.

Thị trường ngách này rất nhỏ nhưng nếu khai thác được sẽ đem lại giá trị rất lớn. Tôi có khảo sát tỷ lệ khách cao cấp và người nhà của họ chẳng may bị tàn tật, do họ bận rộn nên không thể chăm sóc mà phải thuê. Khi tôi đi tiếp khách, thấy những người tàn tật đó chỉ quanh quẩn quanh khách sạn, có người trông, nếu mà được đi thăm, chơi vườn thì chắc là họ sẽ rất thích...

Người lao động tại HTX vừa làm vừa hát. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người lao động tại HTX vừa làm vừa hát. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện nay, HTX của tôi không bán lẻ rau mà làm ra những hộp rau quà tặng 8kg, trong đó có chừng 10 loại rau, củ trị giá 500.000đ/hộp. Đà Lạt du khách rất nhiều, nông sản của Thành phố cũng không rẻ, 1kg dâu tây đã 400.000đ rồi, tặng vài kg là mất mấy triệu trong khi tôi làm hộp rau, củ quả đủ cho 1 gia đình ăn được khoảng 4 - 5 bữa chỉ 500.000đ.

Mà tôi cũng đã khảo sát để biết được trung bình mỗi gia đình thường nấu ăn 4 - 5 bữa ở nhà. Khi thiết kế hộp đựng hoa quả, phải vừa với khoang hành lý trên máy bay, mang về nhà bỏ vừa luôn khoang trong tủ lạnh, rất tiện, vật liệu đóng hộp chấp mọi quăng quật với nhiều sóng chống sốc, chống thấm bằng keo hữu cơ nên phòng được cả rỉ nước ra”.

Thực tế, người Đà Lạt đang mua sản phẩm hộp rau đó chiếm tỷ lệ 70 - 80%, khi tặng ra ngoài Hà Nội hay Sài Gòn thì người được tặng lại liên hệ mua tiếp. Bởi thế mà HTX sản xuất theo mô - đun, hàng gối nhau không để bị đứt đoạn, lợi nhuận trung bình đạt 10 triệu/1.000m2/tháng.

Chuẩn bị ươm cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuẩn bị ươm cây. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Tôi đi nhiều, thấy trình độ sản xuất của nông dân Đà Lạt đã vượt qua nông dân Thái Lan, Malaysia. Ví dụ như năm 2015, chúng tôi qua Malaysia học về rau thủy canh nhưng hiện nay có những kỹ thuật họ phải qua đây để học như giải nhiệt cho nước. Nhiệt độ phù hợp với rau thủy canh khoảng 25 độ C, cộng trừ 2 độ C, ngoài mức đó thì cây trồng sinh trưởng chậm, ta có cách giải nhiệt, còn họ thì không, vẫn phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Ví dụ như cách ta khống chế chiều cao cây hoa ra sao, thắp đèn thế nào để canh hoa nở đúng cữ cho dễ bán chứ họ không có. Nhưng ta đang kém họ ở khâu làm thị trường, khâu logistics khi vận chuyển từ Đà Lạt về Sài Gòn đã bằng mức chi phí từ Sài Gòn sang Singapore.

Chúng tôi lập ra CLB HTX để hỗ trợ đầu vào, đầu ra, kỹ thuật cho nhau. Nông dân Đà Lạt ham học hỏi, hầu như ai cũng muốn áp dụng kỹ thuật mới, hễ nghe nói có chuyên gia nước ngoài là tham gia rất đông. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu là thiếu thông dịch viên có chuyên môn về nông nghiệp, nên chuyên gia nói một đằng, có khi bà con về làm một nẻo, khi không đạt được kết quả nên sinh ra chán", anh Huy tâm sự.

"Suy cho cùng, nông dân khi áp dụng một tiến bộ kỹ thuật nào đó mà túi tiền của họ tăng lên thì họ theo chứ đừng “nói hươu, nói vượn” hay bảo vệ môi trường gì gì đó. Họ không tính xa xôi được vì cuộc sống đòi hỏi hàng giờ, hàng ngày. Ngay cả việc phun xịt tùm lum như bây giờ cũng là do thiếu tri thức, cây trồng bị bệnh gì cũng không biết mà chỉ ra hàng thuốc BVTV mô tả, người bán kê cái gì là mua về dùng. Tôi đi Úc, thấy người ta quy định cấp độ độc, độc nhẹ ai cũng phun được nhưng độc cao phun phải được đào tạo, có chứng chỉ, nếu không sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí đi tù ngay”, anh Huy bộc bạch.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.