| Hotline: 0983.970.780

Tri thức hóa nông dân: [Bài 7] Không đến trường, tự học ở nhà mà đoạt nhiều chứng chỉ quốc tế

Thứ Ba 26/07/2022 , 06:45 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG Đây chính là lý do mà tôi phải ngồi trên xe rau, xe chở hàng băng 200km đường rừng từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đến Đắk Nông để tìm hiểu.

Bỏ qua mọi giáo trình

Và kết quả khiến cho tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi được chứng kiến cháu Lê Cẩm Hà mới hơn 14 tuổi mà thuyết trình Tiếng Anh bằng giọng chuẩn Mỹ, đàn piano rất có hồn, đạt nhiều chứng chỉ quốc tế; cháu Lê Kim Hà mới 7 tuổi đã tự làm được clip lồng tiếng Anh, hướng dẫn sinh hoạt cho những bạn nhỏ.

Lê Cẩm Hà mới hơn 14 tuổi đã tự tin thuyết trình về những hoạt động của trang trại hiện tại, tương lai cho đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lê Cẩm Hà mới hơn 14 tuổi đã tự tin thuyết trình về những hoạt động của trang trại hiện tại, tương lai cho đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bài liên quan

Vợ anh Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học và công nghệ TOTA - chủ trang trại sinh thái đặc biệt ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông kể: Khi còn ở TP.HCM, chị mở trường mầm non, tính đi từ đó lên cấp I, II, III rồi trường nghề thành một hệ thống với mong muốn giáo dục một con người từ lúc nhỏ đến khi có nghề.

Chị tiếp cận nhiều phương pháp giáo dục mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam nó lại không được chấp nhận, nên chị quyết định dừng lại. Khi con lớn Lê Cẩm Hà đang học lớp 4 ở một trường quốc tế, gia đình chị quyết định cho con gái dừng học và học theo homeschool (học ở nhà), một chương trình học của Mỹ có kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ cấp bằng.

Cách học này hay ở chỗ được học 4 môn căn bản: Toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiếng Anh và những môn mình muốn thêm như ngoại ngữ thứ hai, lập trình… và có thể rút ngắn thời gian học hay học liền mạch môn mình thích. Vợ anh Lê Ngọc Anh kể: “Trước đó, tôi có tìm hiểu kết quả của những gia đình đang cho con học theo cách này và ngồi phân tích cho con mình hiểu, nếu đến trường học thì cái gì được, cái gì mất, còn học ở nhà thì cái gì mất, cái gì được.

Cả gia đình anh Lê Ngọc Anh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cả gia đình anh Lê Ngọc Anh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Học ở nhà có thể chủ động được thời gian, chỉ dành cho một khoảng cố định để học, ngoài ra tìm hiểu 

Tiền học những môn năng khiếu, kỹ năng sống trung bình của cả hai cháu khoảng 10 triệu đồng/tháng, còn hồi học ở trường tại TP.HCM riêng cháu lớn phải 15 - 20 triệu đồng/tháng.

những môn năng khiếu mình thích hay học kỹ năng sống. Nhưng bất lợi là người học phải có kỷ luật, thứ nữa giai đoạn đầu bố mẹ phải đồng hành cùng con. Khi đó, tôi rất coi trọng chương trình học này, nhưng rồi nhận thấy những chương trình đó không quyết định được việc đứa trẻ lớn lên sẽ sử dụng kiến thức được học như thế nào. Đơn giản chỉ là để công nhận nó có cái bằng thôi.

Tôi tiếp tục tìm hiểu ngoài homeschool còn có unschool (học tự do, không cần bằng cấp), lifeschool (học từ cuộc sống), farmshool (nông trại là trường học)… Tôi gặp một gia đình Nam Phi đã đi rất nhiều quốc gia mà không cần đến tiền, không sở hữu gì cả. Họ cứ di chuyển đến những địa điểm mới, chỉ cần chỗ ăn, ở và được làm việc, cho con học tại chỗ, khi nào không thích lại di chuyển tiếp. Con cái họ học hỏi được nhiều thứ nên rất cứng cáp, trưởng thành.

Sau khi tìm hiểu, gia đình tôi chọn unschool, nghĩa là học những cái mình cần, mình muốn, không theo bất cứ chương trình nào, không cần bằng cấp. Nó giống như khi ta ăn tiệc buffet vậy. Hiện Lê Cẩm Hà đã học ở nhà 6 năm, còn em gái Lê Kim Hà chưa một ngày đến trường, học ở nhà gần 2 năm.

Ngôi trường "ai cũng là thầy, ai cũng là trò"

Tôi hỏi, nếu cho cháu làm bài văn tả về ngôi trường, chắc sẽ là: “Trường em chỉ có hai học sinh là chị em em, bố em là hiệu trưởng, mẹ em là hiệu phó, nhà em chính là trường, thỉnh thoảng lại có vài bạn chó, mèo vào nằm kế bên bàn học, hôn hít chân tay em”.

Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đang hỏi Lê Cẩm Hà về chuyện sản xuất nấm của trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đang hỏi Lê Cẩm Hà về chuyện sản xuất nấm của trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bài liên quan

Vợ anh Lê Ngọc Anh cười, bảo không hẳn thế, bố dạy tài chính cho con gái lớn, còn mẹ dạy nữ công gia chánh, may vá, nấu nướng, chăm sóc sức khỏe bản thân. Con gái lớn lại dạy bố mẹ những thứ mình biết hơn như công nghệ, dạy Tiếng Anh cho em, còn mẹ dạy con út chữ. Ai cũng là trò, ai cũng là thầy, miễn là có kỹ năng.

Ngoài những môn mà anh chị thấy mình giỏi, có thể dạy ra, ai là người dạy các môn khác?, tôi hỏi tiếp. Chị trả lời: “Chúng tôi mời những người giỏi hơn. Con gái lớn từng theo tôi học khóa 5 ngày về kỹ năng lãnh đạo ở miền Tây. Trong Kim tứ đồ chia thế giới thành 4 nhóm người, nhóm lớn nhất là người đi làm thuê; nhóm thứ hai tự làm thuê cho chính mình; nhóm thứ ba là làm chủ doanh nghiệp; nhóm cuối cùng là các nhà đầu tư, họ “không làm gì cả” mà tiền cứ đẻ ra tiền.

Bản chất của việc học là một mắt xích để duy trì xã hội, còn bản thân cá nhân ấy có hạnh phúc không, có bình an không, có tốt đẹp không, có ý nghĩa không thì khó. Ban đầu, gia đình không nhận được sự đồng thuận từ người thân về chuyện học ở nhà này bởi tư duy của mọi người là đi học phải có bằng cấp để sau này đỡ khổ. Họ không muốn chúng tôi bỏ một nơi tiện ích như TP.HCM để sống ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn như thế này”.

Lê Cẩm Hà đang chơi đàn piano cho cả nhà nghe. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lê Cẩm Hà đang chơi đàn piano cho cả nhà nghe. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Một ngày bình thường, nếu không có việc phải ra ngoài, cả nhà sẽ dậy sớm cùng thể dục, phơi nắng, cùng nhau làm đồ ăn, ăn xong việc của ai người nấy làm. Trưa lại tập trung cùng làm món ăn trưa, xong chiều lại việc ai người nấy làm. Cơ bản của gia đình là làm gì cũng có nhau, đi đâu cũng có nhau, ngay cả việc học cũng thế. Anh chủ yếu lo sản xuất nấm, chăm sóc cây, còn chị những lúc không phải dạy con học, cũng cùng làm với chồng. Lịch học của hai chị em có giờ cố định, thường 3 - 4h/ngày cho các môn như piano, Tiếng Anh, yoga…, thời gian còn lại có thể là bố mẹ dạy, hoặc mời thầy đến dạy.

Anh Lê Ngọc Anh nhận xét: “Kết quả việc học ở nhà của hai cháu nhà tôi còn hơn cả tuyệt vời. So với các bạn cùng tuổi, thậm chí hơn vài ba tuổi thì con hơn hẳn về kỹ năng sinh tồn, khi bố mẹ không có nhà có thể tự mình chế biến những món ăn yêu thích dựa trên nguồn thực phẩm có sẵn.

Việc học các con đã nhìn thấy đường đi, sau này định hướng là ai, làm gì nên chọn những chương trình học phù hợp với nội dung đó, không lãng phí thời gian cho các môn học không cần thiết cho định hướng. Thứ nữa khi học theo các dự án môi trường và xã hội, con được học với nhiều thầy giáo giỏi của thế giới như Israel, Liên minh Châu Âu.

Chúng tôi làm mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khi có dự án của nước ngoài hay những cuộc thi chống biến đổi khí hậu của Châu Âu thì các con cùng tham gia, cùng được đào tạo. Các con được học tất cả những gì thuộc về khởi nghiệp doanh nghiệp, cách bán sản phẩm ra thị trường, cách khảo sát thị trường, cách tính toán giá cost, lợi nhuận ra sao…

Ba mẹ con cùng làm việc, cùng vui chơi trong trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ba mẹ con cùng làm việc, cùng vui chơi trong trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mỗi năm tham gia vài dự án như vậy thì kiến thức sau 3 - 5 năm đến lúc 18 tuổi của các cháu đã trở thành nhà quản lý, chủ doanh nghiệp rất tốt rồi. Mục đích cuối cùng của con người khi sinh ra là được học, được làm việc, được hạnh phúc, sống với những gì mình thích chứ không theo một khuôn mẫu nào hết. Thế hệ của tôi với anh phải học đại học, phải có cái bằng cấp để xin một công việc nào đó mang tính ổn định. Sự ổn định như thế thực ra lại không ổn định bởi nếu có một ngày ở chỗ làm người ta bảo dừng lại, thế là mọi thứ bất ổn”.

Anh nói tiếp, giờ người ta đến trường học để sau này bán sức lao động nhưng con anh sẽ không như vậy, chúng được sống với những gì thuộc về hạnh phúc của mình, làm những gì mà mình thấy vui ngay từ lúc đi học. Anh định hướng cho con học kiểu không bằng cấp bởi chỉ có người đi làm thuê mới cần bằng cấp, còn ông chủ thì không bởi chẳng có người làm thuê nào đến lại hỏi ông chủ bằng cấp ra sao.

Sự tự tin, nhanh nhẹn của các cháu Lê Cẩm Hà (chị) và Lê Kim Hà (em) khác hẳn các bạn trong trường, thậm chí tư duy hệ thống của con lớn đã vượt cả anh rồi bởi ngày xưa mình toàn học theo kiểu hàn lâm, không mở. Anh thường dạy cho Cẩm Hà tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp. Hồi ở TP.HCM, mới 11 - 12 tuổi con đã được học cách quản lý tài chính gia đình theo các gói chi tiêu như giải trí, sinh hoạt, học tập, các khoản từ thiện… Giờ đây, khi vắng bố mẹ, cháu có thể vận hành công ty bình thường, chỉ đạo được các công nhân, chấm công trả tiền họ. Còn Kim Hà hiện đang học chữ, học piano, yoga, lồng Tiếng Anh…

Hai chị em Cẩm Hà cùng bón phân bằng bột đậu nành cho cây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hai chị em Cẩm Hà cùng bón phân bằng bột đậu nành cho cây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tôi hỏi Cẩm Hà, từ hồi học ở nhà vui hơn hay chán hơn học ở trường. Cháu trả lời: “Thực ra cũng tùy giai đoạn, lúc đầu con bị chán bởi mất phương hướng, bởi không có bạn bè. Quá trình đó mất cả năm, sau đó ba mẹ có đưa nhóm con của bạn mình cùng cỡ tuổi về để cùng học, cùng chơi. Cho đến bây giờ thì con thấy thích học ở nhà hơn vì bố mẹ như những người bạn, có thể học được tất cả mọi thứ mình thích”. Tôi lại hỏi tiếp, cháu có thấy mình giống như các bạn cùng trang lứa không?  

Cháu trả lời rằng thấy rất khác cả suy nghĩ lẫn hành động: “Thời điểm các bạn phải đi học thì con vừa học vừa chơi, vừa khám phá, thời gian nhiều giúp con trải nghiệm được nhiều hơn. Nhiều khi chơi với các bạn, con phải giả vờ trẻ con một tí kẻo nếu không sẽ không chơi được với ai vì mình nói người ta không hiểu gì. Ví dụ các bạn cùng lứa tuổi với con sẽ không được học những cách nói chuyện để cuốn hút người khác, giúp cho người khác thích nói chuyện với mình hơn như con được học”.

Vợ anh Lê Ngọc Anh giải thích thêm, thực chất bây giờ vợ chồng làm doanh nhân cũng chỉ do hoàn cảnh đưa đẩy chứ chưa được đào tạo. Nhưng các con của họ ngay từ nhỏ đã học những kỹ năng quản lý thời gian, tài chính, thuyết trình, xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý, tính cách đối phương để nói chuyện. Ngoài ra, các cháu còn được học từ tự nhiên, từ lao động nông nghiệp.

Như việc sản xuất nấm của gia đình, không công đoạn nào là các cháu không biết, kể cả là cháu nhỏ mới hơn 7 tuổi đều nắm rõ được quy trình từ đóng bịch, cấy giống, vận chuyển bịch xuống trại, treo lên đến thu hái và giải thích được từng quy trình sản xuất. Các cây trồng trong trang trại thì tự tay cuốc đất, gieo hạt, chăm sóc, bón bột đậu nành đến dọn vườn, thu hái, làm việc theo nhóm.  

Hai chị em Lê Cẩm Hà, Lê Kim Hà dọn vườn. Clip: Nhân vật cung cấp.

Vừa học, vừa chơi như thế, qua quan sát, con có thể biết được loại đất nhà mình là đất sét trắng, bạc màu nhưng qua 2km tới thôn khác lại là đất đen của nham thạch núi lửa, tốt hơn. Mỗi thứ đất phù hợp trồng các loại cây khác nhau. Nếu ví việc học như trồng cây thì ở trường là trồng cây trong lồng kính, nhìn đẹp thế thôi nhưng sức chống chịu kém, ở nhà là trồng cây ngoài tự nhiên, sức chống chịu sẽ tốt hơn nhiều. Các thành viên trong gia đình cùng làm, cùng học, cùng chơi nên thời gian giành cho nhau nhiều, kết nối tốt. Bố mẹ đồng hành với sự lớn lên của con, truyền trao cho con những giá trị và con cái cũng hiểu giá trị lao động của bố mẹ.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi dần nhường cho việc ngắm cảnh. Có hai chiếc xích đu đang đong đưa giữa vườn cây gỗ tếch rợp bóng như một khu rừng nhỏ, trên mỗi thân cây là những chùm phong lan hay những khóm ổ rồng. Từ cửa sổ của ngôi nhà, ban đêm, nhìn đằng xa có thể thấy ánh đèn của TP Buôn Ma Thuột nhấp nháy như những vì sao nhưng nó chẳng quyến rũ được ai trong cái gia đình đặc biệt này. 

“Unschool có cái hay là sản phẩm giáo dục được định hình là ai, là cái gì trước, rồi mới tìm đường đi đến đó. Định hướng của vợ chồng tôi cho hai cháu sẽ là doanh nhân, là người hoạt động cộng đồng, bởi thế những gì liên quan đến thì học, để trở thành, còn không thì bỏ qua”, anh Lê Ngọc Anh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất