| Hotline: 0983.970.780

Tri thức hóa nông dân: [Bài 5] Người giúp huyền thoại chuối LaBa hồi sinh, xuất sang Nhật

Thứ Sáu 22/07/2022 , 08:11 (GMT+7)

Người ít tiền ở Nhật quả chuối bổ làm ba, phần ăn, phần cất tủ lạnh để dành chứ đâu dám ăn cả quả, thậm chí vứt đi cả nải, cả buồng như dân Việt.

Anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng kiểm tra chuối trong xưởng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng kiểm tra chuối trong xưởng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiên phong mở nghề

Bài liên quan

Anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) nói như thế khiến cho tôi tò mò nhặt mấy quả chuối không đủ chuẩn ở thùng loại ra, nhẩn nha bóc vỏ rồi cắn.

Ký ức thuở xưa bỗng sống dậy khi mùi vị của nó giống hệt quả chuối tiêu miền Bắc ăn giữa tiết trời thu, đã ăn rồi chỉ muốn ăn tiếp.

Quả chuối LaBa to, vỏ dày, cuống ngắn, bên trong đặc chứ không rỗng như chuối trồng nơi xứ nóng, bẻ thấy dẻo chứ không dễ gãy như chuối thường…

Khi anh Phương đang học lớp 6, vì ham chơi mà bỏ. Lời người đời nói còn đau hơn cả roi rằng: “Mày ngu thì chỉ đi làm nông dân thôi”.

Mà quả thực, trong cuộc sống nhiều vật lộn sau này anh mới thấm thía câu nói đó và tự nhủ phải luôn học hỏi, nhất là ở mảng thị trường bởi làm ra sản phẩm tốt nhưng không biết chỗ tiêu thụ thì cũng chỉ bán được giá ngang sản phẩm xấu.

Sau khi ra quân, anh rời quê Thanh Hóa vào Nam để kiếm ăn. Một dịp bố anh nghe đến mảnh đất Đạ K’Nàng tốt tươi liền vào trước tìm hiểu rồi kéo con trai theo sau.

Năm 1999, anh bắt đầu trồng cà phê, không có vốn phải đi làm thuê để lấy tiền mua phân bón, vay thêm tiền để mở nghề buôn.

Lúc đó, rừng còn nhiều, đồng bào còn khổ, họ ở trong những ngôi nhà vách ván, mái lợp tranh, cà phê trồng cũng không biết bón phân, lấy măng, hái rau rừng về ăn thay cho tự sản xuất. Từ đó, anh hướng dẫn cho dân phải trồng ra sao, thu hái cà phê chín thế nào.

Khi thấy thị trường cà phê giá trồi sụt, năm 2017, anh mày mò thử trồng 2ha cà chua ngoài trời thay vì trồng trong nhà kính. Đánh cược với ông trời như thế, vụ đó anh mất hơn 100 triệu đồng vì cây bị nấm, thối, hỏng hết. Thất bại đó khiến anh hướng sang chú ý đến chuối LaBa bởi đó là thứ cây ăn quả dễ làm nhất, phát triển nhanh nhất.

Thời Pháp thuộc, người ta đã đưa giống chuối này đến trồng tại đồn điền ở xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) rồi lấy tên vùng LaBa để đặt cho nó. Người Pháp ưa chuộng chuối LaBa đến nỗi đã từng xuất ngược về nước mình bằng máy bay, mỗi chuyến 100 - 200kg…

Rửa chuối trong xưởng của HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rửa chuối trong xưởng của HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Tại sao mùa đông quả chuối ở miền Bắc ngon mà mùa hè lại chua?", tôi hỏi. Anh Phương giải thích, bởi chỉ trong mùa lạnh quả chuối tiêu mới tích lũy đủ chất. Đạ K’Nàng ở giáp ranh Phú Sơn, cũng cùng độ cao 1.200m, quanh năm trời lúc nào cũng như mùa đông, giúp cho quả chuối rất chắc, dẻo, dai, thơm, ngọt.

Hầu như nhà nào ở đây cũng trồng 1 - 2 khóm chuối LaBa quanh nhà để ăn chơi chứ không mang tính hàng hóa nên anh Phương phá bớt 5ha cà phê cho năng suất kém, mua giống chuối nuôi cấy mô trên Đà Lạt về trồng rồi chở bằng xe bán tải đi bán. Khách hàng thấy chuối ngon rất thích nhưng cũng chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ nên khi chín rộ anh đành phải đổ bỏ.

Thế rồi, người Nhật tìm đến Đạ K’Nàng để khảo sát về giống chuối đặc sản LaBa và chấp nhận nhập thử. “Có lúc tôi định bỏ của chạy lấy người bởi hàng xuất khẩu 10 tấn thì phải bỏ đi 7 - 8 tấn vì mẫu mã kém, trong khi đầu ra nội địa chưa có, thiệt hại rất lớn.  Năm 2018, tôi lập ra HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng với 7 thành viên, hầu hết đều không có tiền mà chỉ góp đất nên vốn chủ yếu tôi lo, vay mượn đầu tư cho họ từ phân bón đến giống.

Khi đó đó, nông dân chưa làm hàng đạt tiêu chuẩn, tôi thu mua để xuất khẩu phải loại ra nhiều, đành chấp nhận chịu thiệt thòi về mình trước chứ không dám trừ tiền, ép giá thu mua của dân. Chấp nhận nâng đỡ dân lúc họ còn yếu kém, mất gần 2 năm chịu lỗ như vậy họ mới phục, mới theo mình”, anh Phương kể.

Phun chế phẩm vi sinh cho chuối bằng máy bay không người lái. Clip: Nhân vật cung cấp.

Hiện HTX đang liên kết với hơn 100 hộ dân trong đó có 50% hộ đồng bào dân tộc K’Ho, Thái, tổng hơn 300ha, định hướng sẽ mở rộng ra hơn 1.000ha. Riêng năm nay, đơn vị đang liên kết với 1 công ty mắc ca để trồng thêm 400ha chuối theo hướng xen canh.

Ngoài bán chuối tươi, HTX còn làm chuối sấy, tinh bột chuối để đa dạng hóa sản phẩm. Anh Phương thông tin: “Người Nhật rất thích chuối LaBa bởi thổ nhưỡng, khí hậu nơi này ưu đãi nên quả ngọt, thơm và dẻo, họ chấm được 50% rồi, còn 50% là phải thực hành sản xuất tốt. Ban đầu, lúc đóng hàng, họ bay sang để kiểm tra, hướng dẫn từ thu hoạch đưa về xưởng đến rửa khuẩn, đưa vào kho lạnh cho quả chuối ngủ đông rồi vận chuyển ra cảng, lên tàu. Sang đến nước họ, chuối sẽ được 'đánh thức', chín, bày bán lên kệ ở siêu thị. Trong hơn 200 hạng mục theo tiêu chuẩn của Nhật, thú thực HTX tôi vẫn chỉ đáp ứng được phân nửa nhưng mình phải chịu khó học hỏi thêm.

Sản lượng của HTX hiện gần 5.000 tấn/năm, trong đó 70% xuất khẩu sang Nhật, 30% tiêu thụ nội địa và đơn vị đang ký kết thu mua của bà con giá 5.500đ/kg cả buồng, tại chỗ. Chúng tôi áp dụng mô hình sản xuất khép kín, xịt vi sinh để nuôi cây, nuôi đất, dùng chính quả chuối thừa để cấy vi sinh. Lúc đầu chúng tôi phun vi sinh bằng thủ công, về sau mua máy bay không người lái. Đồng bào thường không để ý độ chín của quả chuối, nên cán bộ HTX phải đi thăm xem thời điểm nào sẽ thu, dân chỉ việc mỗi chăm sóc theo đúng hướng dẫn.

Mỗi gia đình 2 lao động có thể làm được 2ha chuối. Nếu như cà phê mỗi ha lãi 100 triệu/năm thì chuối mỗi ha lãi 300 triệu/năm, tuy nhiên có nhiều công đoạn lắt nhắt hơn, không thể bỏ bê được. Nhờ trồng chuối LaBa, đồng bào hầu như đều có tivi, tủ lạnh, máy giặt, còn ô tô cũng khá nhiều hộ có, một số khác dư sức mua nhưng chỉ có điều thích hay không”.

Những đồi chuối bạt ngàn của HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những đồi chuối bạt ngàn của HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đang xuất khẩu bon bon thì HTX của anh bị phá rối ngấm ngầm. Người ta chia rẽ anh với nông dân trồng chuối liên kết, mua chuộc công nhân trong xưởng, nói xấu đủ đường khi đối tác tìm đến. Thậm chí container lạnh chở chuối về cảng để xuất khẩu còn bị ngắt lạnh khiến cho toàn bộ hàng hỏng hết nhưng thủ phạm thì không thể tìm ra khiến Giám đốc HTX phải lao đao một thời gian rồi mới khôi phục được nhân tâm.

“Một khi đã yêu thì chẳng toan tính gì nhiều. Nói về chuối LaBa chỉ có Đạ K’Nàng là nhất tỉnh”, anh Phương cười. 

Sản xuất giống chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản xuất giống chuối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những quả chuối được đắp chăn

Quả chuối LaBa Đạ K’Nàng khi chín vàng ươm, để vài ngày đổi màu sang trứng cuốc, cách xa 4 - 5m vẫn ngửi thấy mùi thơm dễ chịu. Ăn lúc đó là ngon nhất.

Buổi sáng thức giấc ở nhà anh Phương, mây vấn vương ngoài cửa sổ, cảm giác chỉ giơ tay là với tới. Những quả đồi xanh bát ngát tận chân trời khiến cho cảm giác muốn được sở hữu đất đai của người dân Bắc trong tôi chợt giần giật chảy trong huyết quản. Và không chỉ có mình tôi, rất nhiều người đều muốn như thế.

Người K’Ho ăn Tết xong, thường thiếu tiền chăm sóc cây, tiền sinh hoạt hàng ngày phải vay của chủ đầu tư qua hình thức vay cà phê non trả cà phê già. Bình thường cà phê có thể giá 30.000đ/kg nhưng đầu vụ chủ đầu tư chỉ tính với nông dân giá 15 - 20.000đ/kg rồi cho họ vay tiền, cuối năm không trả được hết thì lại cộng sổ vụ sau tính tiếp.

Lãi mẹ đẻ lãi con khiến cho không ít đồng bào phải bán đất để trừ nợ, nhất là 3 - 5 năm trước, khi giá đất còn rẻ mạt. Nhà của người K’Ho vì thế cứ chạy mãi ra xa con đường, vào tít bên trong. Nói đi cũng phải nói lại, vấn nạn trên cũng một phần do một số gia đình ở đây còn hay rượu chè, không ham làm, chưa biết tính toán nên sản xuất không hiệu quả...

Anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng đang xem một buồng chuối đã bọc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX LaBa Banana Đạ K’Nàng đang xem một buồng chuối đã bọc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi tôi đến, K’Huệ ở thôn Pul xã Đạ K’Nàng đang xem lại cái đơn vào Đảng của mình. Hỏi lý do, cô nhoẻn miệng cười: “Em muốn cống hiến tuổi trẻ của mình cho thôn xóm, cho đất nước”.

Bà K’Dai mẹ cô dẫn tôi vào góc bếp nơi đang xếp trên 20 cái ché từ đời cụ kị truyền cho, cái đổi bằng 2 con trâu mộng, cái đổi bằng 1 con bò to. Xưa, có nhiều ché là chỉ dấu của gia đình giàu có, những cái to đựng gạo ăn cả năm không hết, những cái nhỏ đựng rượu cần uống cả mấy mùa vẫn chưa tỉnh.

Người K’Ho theo chế độ mẫu hệ, còn bà K’Dai là trưởng họ. Làm ăn siêng năng nên bà có của ăn, của để, thuê được người khai hoang để trồng ngô, trồng lúa, trồng dâu. Làm được đôi vụ lại đi khai hoang tiếp, để lại cái rẫy cho rừng nên bà cũng chẳng rõ đất nhà mình rộng bao nhiêu, chỉ biết sau này nhà nước đo đạc, đem chia cho 2 con thì mỗi đứa được 2ha. Nhiều đất thế mà cái nhà vẫn chật, cái đầu vẫn tối, vẫn phải vay tiền của chủ đầu tư theo dạng ứng cà phê non, trả cà phê già.

Chẳng phải riêng nhà bà mà 120 hộ trong thôn gồm khoảng 80% là dân tộc K’Ho ở vùng 135 này hầu như đều rơi vào hoàn cảnh như vậy. Thôn có 35 hộ nghèo, hơn 30 hộ cận nghèo, một số đã phải bán cả đất đi trả mà cái nợ cứ như sợi dây chun, càng cố co kéo lại càng dài thêm ra.

K’Huệ, công nhân của HTX LaBa Đạ K’Nàng vui mừng với lá đơn vào Đảng. Ảnh: Dương Đình Tường.

K’Huệ, công nhân của HTX LaBa Đạ K’Nàng vui mừng với lá đơn vào Đảng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ba năm trước K’Huệ vào làm công cho HTX LaBa Đạ K’Nàng, mỗi ngày làm 7 tiếng, lương tháng 7 triệu. Trong xưởng chế biến của HTX có 5 nữ thì 4 là dân tộc K’Ho, 1 là dân tộc Cil, họ làm những công việc đơn giản như rửa, cắt, cân, đóng thùng. Ngoài ra, còn có hàng chục lao động nam làm các công việc kỹ thuật, vận chuyển chuối về xưởng.

Không chỉ làm công, K’Huệ dành ra hơn 5.000m2 đất để trồng chuối liên kết. Giống, phân, thuốc vi sinh đã có HTX cung ứng, trước đây chị phải đi phun vi sinh mỗi tháng 1 lần nhưng giờ đã có máy bay thay thế nên chỉ phải làm các việc như cắt lá, vặt hoa, bao buồng… Nói chung là chăm còn hơn cả chăm em bé. Khi thu hoạch, chuối sẽ được bọc trong chăn, trong mút cho đỡ va chạm rồi chuyển về xưởng của HTX để chế biến.

HTX LaBa Đạ K’Nàng lôi cuốn đồng bào bằng cách đầu tư từ cuốc hố, giống, phân, đến thu hoạch mới trừ dần, từ từ nâng cao trình độ của họ lên.

Xem thêm
Nâng tầm chăn nuôi vùng ven biển: [Bài 2] Đầu tư lớn cho trang trại ứng phó thiên tai

HẢI PHÒNG Là thành phố ven biển, hàng năm Hải Phòng hứng chịu hàng chục cơn bão, để ứng phó với thiên tai, các trang trại chăn nuôi cần đầu tư tương xứng để ứng phó.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát thải thấp

Cà Mau Khuyến nông cộng đồng cùng nông dân thực hiện giải pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, phát thải thấp trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa.