| Hotline: 0983.970.780

Tri thức hóa nông dân: [Bài 4] Thăm nơi mỗi hecta làm ra 40 tỉ đồng/năm

Thứ Năm 21/07/2022 , 08:50 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Có lẽ hiếm kiểu nuôi cá nào lại cho thu nhập cao như vậy, khi kiểu nuôi này năng suất có thể đạt 260 tấn/ha, thu cỡ 35 - 40 tỉ đồng/ha/năm, lãi phân nửa.

Trại cá tầm thương phẩm của TS Nguyễn Viết Thùy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trại cá tầm thương phẩm của TS Nguyễn Viết Thùy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuyệt đỉnh ẩm thực giữa rừng già

Bài liên quan

Chỉ cách trại cá tầm 1.700 con giống bố mẹ khoảng 1 km, TS Nguyễn Viết Thùy (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, Bộ NN-PTNT) cũng có một trại cá tầm nuôi thương phẩm. Trưa hôm đó, ở thôn Lán Tranh xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) anh đã cho chúng tôi một trải nghiệm đê mê khi uống rượu phê pha với cá tầm nướng, cá tầm nhúng lẩu giữa căn chòi canh lộng gió.

Dù đã được ăn cá tầm ở nhiều miền của Tổ quốc nhưng chưa ở đâu tôi cảm nhận được vị ngon đến như thế. Nó ngọt đậm đà, nó giòn sần sật, nó thơm nức mũi khiến cho tôi bỏ hết mọi khách sáo, gắp và gắp không ngừng. Ngoảnh ra tứ phía là rừng già, chim kêu, bướm lượn, cảm giác như muốn trút bỏ mọi hồng trần, bụi bặm của kiếp người nhọc mệt.

Ngắm vẻ mặt mãn nguyện của tôi lúc đấy, anh Thùy cười rồi giải thích: “Ở thành phố các anh có khi chỉ toàn ăn phải cá tầm Trung Quốc đội lốt cá tầm Việt Nam mà không biết đấy”. Thấy tôi ăn xong, lúi húi giở túi máy ảnh ra định chụp mấy cái bể nuôi cá tầm ngay sát chỗ vừa ngồi uống rượu, anh vội can: “Chỗ này quy mô nuôi còn nhỏ, nhằm nhò gì, tí nữa tôi sẽ đưa các anh vào trại nuôi khác, cũng ở ngay trong xã này thôi nhưng lớn”.

Theo con đường vòng vèo chừng 15 - 20 km đường núi, chúng tôi đến trại khi trời đã tối muộn. Các công nhân đã ăn xong từ lâu nhưng vẫn để nguyên một mâm ú ụ thịt gà đồi cùng vài con mực nướng sẵn làm mồi uống rượu. Lại rót tràn ly và câu chuyện giữa chúng tôi tiếp tục rôm rả giữa tiếng rào rào của dòng nước liên tục chảy vào trại.

Tối đó, rượu vào, cộng thêm không khí trên núi mát lạnh làm cho tôi ngủ tít mít và chỉ tỉnh dậy khi nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn. Văng vẳng đâu đó có tiếng chân người đi qua đi lại, ánh đèn pin loang loáng. Ngoài trời vẫn tối đen như mực, bấm điện thoại mới thấy mới 4h sáng nhưng không thể ngủ tiếp, tôi bèn dụi mắt tìm về hướng gây ra tiếng động.

Đó là anh Lê Văn Trường, người phụ trách khu nuôi cá thịt cùng một đồng nghiệp nữa đã dậy từ lúc nào để cho cá ăn theo đúng giờ giấc mỗi ngày 3 bữa (4h30 chiều, 9h30 đêm và 4h sáng). Sở dĩ cho ăn giờ ấy bởi cá tầm có thói quen đi săn mồi vào lúc ánh sáng yếu. Anh với cái ấm nước chè xanh, rót mời một bát đầy tôi đã ngờ ngợ, đến khi liếc mắt vào góc nhà thấy cái thùng xốp chứa cả chục kg hành tăm thì tôi nhận luôn đồng hương mà không phải suy nghĩ nữa.

TS Nguyễn Viết Thùy đang nghiên cứu chất lượng tinh cá tầm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Nguyễn Viết Thùy đang nghiên cứu chất lượng tinh cá tầm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trại có 5 lao động thì 4 người quê Nghệ An. Mấy ngày đi lang thang khắp các trang trại ở tỉnh Lâm

Đồng này tôi đều có cảm giác được họp đồng hương như thế vì giọng Nghệ An, Hà Tĩnh cứ đặc sệt từ ông chủ đến người làm thuê. Có thể là do nghĩa cử của người đi trước đùm bọc người đi sau, cũng có thể là do lao động ở hai xứ này chăm chỉ, kỷ luật hơn chăng, tôi cũng chẳng rõ nữa.

Sau khi cho cá ăn xong, anh Trường vớt những con yếu hay chết lên khỏi mặt nước rồi bấm vào máy đếm buộc trên cái cột dựng ngay góc bể. Cứ mỗi tháng người ta nhìn vào con số trên máy sẽ biết được tỷ lệ cá thất thoát, rất tiện lợi chứ không phải ghi sổ nữa. Tò mò, tôi hỏi anh Thùy cái thiết bị lạ lẫm đó thực ra là máy gì thì anh giải thích, đó chính là máy đếm… niệm kinh Phật. Lúc trước, công nhân khi vớt cá chết phải ghi vào sổ, tay ướt cứ nhòe hết cả giấy lẫn chữ, rất khó đọc. Một dịp, tình cờ anh Thùy thấy người ta dùng chiếc máy đó để đếm số lượng hành khách liền mua về ứng dụng ngay.  

Mỗi kg cá tầm giá 180.000 đồng mà không có đủ hàng để bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi kg cá tầm giá 180.000 đồng mà không có đủ hàng để bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu nhập khó tưởng tượng!

Ở độ cao khoảng 700m, buổi trưa hè tại đây nhiệt độ cỡ 30 độ C nhưng lúc nào nước cũng mát 18 - 20 độ C nên rất thích hợp để nuôi cá tầm thương phẩm chứ không hợp để nuôi cá tầm giống.

Trại có 36 bể cá nuôi thương phẩm rộng 100m2, sâu hơn 1m, nuôi 1.250 con; 8 bể nuôi cá nhỏ và 1  nhà ương, nuôi cá mới ấp nở. Ít ai có thể hình dung, từ mỗi ly uống rượu đong đầy được 1.300 con cá nhỏ li ti như sợi tóc, nuôi trên 1 tháng đạt từ 12 gram trở đi là có thể san ra bể cá lớn. Mỗi cái bể cá thương phẩm nho nhỏ ấy khi xuất bán sẽ mua được 1 cái ô tô cỡ hơn 500 triệu đồng.

Diện tích của trại chỉ khoảng hơn 0,5ha, tổng đầu tư đâu đó cỡ 15 tỷ đồng nhưng mỗi năm xuất bán 160 - 170 tấn cá tầm, với giá 180.000 đ/kg mà không có hàng để bán, tổng thu cỡ hơn 20 tỷ đồng, tính ra lợi nhuận cỡ hơn 50% vì đơn vị sản xuất "từ A đến Z", chỉ mua mỗi thức ăn bên ngoài. Có lẽ hiếm kiểu nuôi cá nào lại cho thu nhập cao như vậy, khi tính đủ thì với kiểu nuôi này năng suất sẽ đạt 260 tấn/ha, thu cỡ 35 - 40 tỷ đồng/ha/năm.

Tôi biết đến nhiều chuyên gia nông nghiệp khi giảng về nghề cho bà con thì “chém gió” rất hay nhưng đến khi mở trang trại để tự trồng trọt hay chăn nuôi thì thua lỗ liểng xiểng, chẳng mấy chốc phải dẹp tiệm.

Nguồn nước trong sạch chảy ra từ rừng già Bidoup. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nguồn nước trong sạch chảy ra từ rừng già Bidoup. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khác biệt với những “chuyên gia” đó, hiện anh Thùy đang có trong tay tổng số 5 trại cá tầm cả giống lẫn thương phẩm, nuôi luôn đạt sản lượng ổn định hơn 300 tấn cá thương phẩm/năm và đã bước đầu thành công trong việc thụ tinh nhân tạo cho cá bố mẹ. Với nghề cá tầm, kinh nghiệm ở đây không chỉ đơn giản là kỹ thuật nuôi, mà còn là nhìn dòng suối phải biết tính toán được lượng nước lũ thế nào, xây dựng công trình trang trại ra sao để đảm bảo an toàn mà hiệu quả.

Tôi cùng anh Thùy ngược dòng suối nước trong leo lẻo và mát lạnh, xung quanh là tầng tầng, lớp lớp cây của rừng già Vườn quốc gia Bidoup. Sương mù choàng quanh đại ngàn như một tấm khăn lụa khiến cho buổi sáng hôm ấy đẹp tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Nước suối được dẫn vào kênh, không cần máy bơm mà dựa trên sự chênh lệch độ cao tự chảy về từng bể nuôi cá bên dưới theo dạng ruộng bậc thang. Ở giữa mỗi bể được thiết kế để tạo ra một dòng nước xoáy cuốn hết rác, thức ăn thừa vào, rất tiện cho việc trục vớt, vệ sinh bởi cá tầm là loài ưa sạch.

Ít ai ngờ khu trại khang trang, quy củ ấy trước đây lại là nương rẫy gần như bỏ hoang của đồng bào, ở  một nơi cũng thuộc vào dạng “khỉ ho, cò gáy”. Lúc đó, anh Thùy đang tìm vị trí để nuôi cá tầm nên khi nghe thấy ông giám đốc của nhà máy thủy điện quen biết bảo ở xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đơn vị đang xây dựng cái hồ chứa khá lớn liền tìm đến. Ý định ban đầu của anh là nuôi cá tầm trong lồng bè đặt trên hồ chứa ấy nhưng sau khi xem xét, thấy nước đục quá không thể nuôi được đã thất vọng, buồn ra mặt.

Nước sạch chảy ra từ suối được dẫn về trại nuôi cá tầm theo con kênh này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nước sạch chảy ra từ suối được dẫn về trại nuôi cá tầm theo con kênh này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nhân viên của ông giám đốc biết chuyện liền mách, ở dưới kia có dòng suối nước rất sạch và mát, nếu thích sẽ dẫn anh đi xem có nuôi được không. Thấy hợp, anh Thùy liền mua đất của bà con để xây dựng trang trại nuôi cá tầm ở vị trí cách TP Đà Lạt chừng 60 km. Khi ấy, con đường 6 km từ đường chính vào chỉ toàn là đất, lại heo hút giữa rừng, anh Thùy phải đóng góp mấy tỉ đồng với công ty thủy điện để cùng đổ bê tông sử dụng chung. Đó là năm 2017.

Nghề nuôi thủy sản nước lạnh ở Việt Nam hiện đã có bước tiến dài so với 15 - 20 năm trước. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện có khoảng 25 tỉnh, thành có thể nuôi được cá nước lạnh. Từ con số không tròn trĩnh (do cá tầm, cá hồi không phải là loài bản địa của Việt Nam nên không hề có trong tự nhiên), nay sản lượng cá nước lạnh của cả nước đã trên 4.000 tấn, trong đó cá tầm cỡ trên 3.000 tấn. Riêng sản lượng trứng cá tầm, do không có con số thống kê cụ thể nên không thể ước lượng được, nhưng riêng trại của anh Thùy năm nay mới đẻ bói vài đợt đã được cỡ 60 - 70 kg, chuyên dành để sản xuất giống chứ không phải cho mục đích thực phẩm.

Anh Thùy kể: “Trong nghề cá tầm, phải tách biệt giữa sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Sản xuất giống cá tầm rất khó khiến cho giá của 1kg trứng giống trên thế giới cũng trên 5.000 USD. Nuôi cá tầm thương phẩm thực ra không quá khó đối với bà con, vấn đề là phải chọn được vị trí trên đầu nguồn suối, có rừng, không có ai sản xuất nông nghiệp, chặt cây hay gây ô nhiễm.

Một ca mổ đẻ lấy trứng cá tầm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Một ca mổ đẻ lấy trứng cá tầm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thứ hai là đảm bảo điều kiện tối ưu về nhiệt độ, không phải suối nào cũng nuôi được cá tầm mà phải suối nước lạnh từ 18 - 24 độ C. Quy mô nuôi to hay nhỏ phụ thuộc vào nguồn nước nhiều hay ít. Thứ ba là điều kiện về vốn, bởi nuôi cá tầm cần đầu tư không phải ít tiền. Thứ tư là khả năng tiếp nhận kiến thức, kỹ thuật của chủ hộ nuôi, nhưng thực ra yêu cầu này cũng chỉ ở mức trung bình mà thôi.

Tôi làm nghề từ lâu, hễ có ai hỏi thì mình tư vấn. Trong quá trình bán giống cho nông dân, tôi cũng hướng dẫn họ kỹ thuật chăm sóc, cho ăn cụ thể ra sao. Thỉnh thoảng có những lớp tập huấn cho nông dân, tôi cũng thường được mời đi giảng dạy. Hiện nay, tôi đã hoàn thiện quy trình nuôi cá tầm, có thể đưa cho nông dân, cứ chăm sóc đúng như thế là chắc 70 - 80% thành công rồi. Phần còn lại 20 - 30% là phải nuôi đủ quy mô, nuôi một thời gian để có những kinh nghiệm nhất định…".

Trong giới nghiên cứu và nuôi cá tầm, người ta tôn trọng nhau không phải qua sự giàu có mà là qua trình độ và hơn hết là công lao đi tiên phong. Anh Thùy chính là một trong những người đi tiên phong mở nghề nuôi cá tầm ở tỉnh Lâm Đồng, được nhiều người trong giới đánh giá là vững cả về lý thuyết lẫn kinh nghiệm, thực hành

Nếu như ở phía Bắc, nghề nuôi cá nước lạnh ghi nhận sự tiên phong của TS Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN-PTNT) thì ở phía Nam, người ta ghi nhận sự tiên phong và dấn thân của TS Nguyễn Viết Thùy (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, Bộ NN-PTNT).

Xem thêm
Nông dân Việt Nam xuất sắc nhất năm 2022 nhờ nuôi bò nay không nuôi nữa

HÀ NỘI Anh Trần Văn Thắng là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 với doanh thu lớn nhất 65 tỷ đồng nhờ vỗ béo và giết mổ bò nhưng nay không còn nuôi con nào.

Hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

QUẢNG BÌNH Đến nay, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 3 địa phương là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã.

Cứu cánh cho vụ mùa thất bát

HẢI PHÒNG Để đảm bảo thắng lợi cho vụ đông 2024, bù đắp lại thiệt hại do bão số 3, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã có nhiều giải pháp cụ thể để triển khai.