| Hotline: 0983.970.780

Tri thức hóa nông dân: [Bài 6] Người mơ dựng ngôi làng sinh thái kiểu Nhật

Thứ Hai 25/07/2022 , 07:05 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG 'Chúng con xin cảm ơn mẹ thiên nhiên đã ban cho thức ăn giàu tình yêu thương này…'. Buổi sáng hôm đó tôi được cầm tay mọi người trong gia đình anh để nguyện cầu.

Một bữa ăn thô

Bài liên quan

Sau đó, chúng tôi cùng ăn uống vui vẻ bằng cách thức ăn thô như hạt điều rang với rau củ quả xay nhuyễn. Nó ngon một cách thuần khiết bởi đều sản xuất theo hướng hữu cơ ngay tại vườn nhà. Xong bữa, chúng tôi cùng nhẩn nha hít hà một cốc trà quế thơm lừng giữa tiết trời se lạnh. Ngoài cửa sổ là núi rừng, chim tưng bừng hoan ca.

Tiếng hót của con chim tự do nó vui tươi, khác hẳn với con chim trong lồng khiến cho con người khi nghe thấy chỉ muốn cùng hòa mình với thiên nhiên. Cảnh yên bình ấy là cuộc sống diễn ra hàng ngày của anh Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học và công nghệ TOTA - chủ trang trại sinh thái đặc biệt ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Đoàn của ngài Duchateau Koen - Tham tán Thứ nhất, Trưởng Ban Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đến thăm trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đoàn của ngài Duchateau Koen - Tham tán Thứ nhất, Trưởng Ban Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đến thăm trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bài liên quan

Tôi cùng với một người làm có tên thân mật là Lớn đi dạo khắp khu vườn thứ hai ở thôn Suối Tre rộng bát ngát. Lúc trèo lên ngọn dừa hái vài trái, dùng dao phạt ngang đầu ngửa cổ uống luôn tại gốc; khi tìm ngay ở dưới chân lúc lỉu những quả dứa chín, gọt rồi ngồi ăn luôn tại chỗ; bận lại hái vài quả thanh long, không cần dao mà dùng tay tước vỏ, vừa đi vừa gặm. Chẳng mấy chốc mà bụng tôi đã no căng dù mắt nhìn vẫn chưa hết thòm thèm, đành trở về với khu vườn thứ nhất ở thôn Nam Tiến trên là điện mặt trời áp mái, dưới là tầng tầng, lớp lớp những bịch nấm xếp ngay ngắn như sách ở trên kệ.

Anh Lê Ngọc Anh kể, có ba thứ người ta muốn ở thành phố: Việc làm tốt, bệnh viện tốt và ngôi trường tốt nhưng gia đình mình không có nhu cầu do vợ chồng đã chủ động được trong công việc, chọn lối sống thuận tự nhiên, tự chăm sóc sức khỏe. Đến bệnh viện chỉ để tầm soát, việc giáo dục thì nhà đã là trường cho con rồi. Vợ chồng anh thích về với thiên nhiên, nơi có không khí trong lành nên mới đi tìm một mảnh đất, ban đầu chỉ xác định là tự cung tự cấp thực phẩm sạch, sau đó là chỗ bạn bè đến chơi, cứ việc ở đến khi nào chán thì về.

Sau khi tìm kiếm ở nhiều tỉnh thành, từ nhân duyên lên thăm nhà người bạn ở Tây Nguyên, cuối cùng họ bị mê hoặc bởi mảnh đất nơi đây với những triền đồi trải dài, có rừng, có thác, có suối, con người hiền lành, văn hóa đậm đà bản sắc. Họ quyết định mua 3,2ha đất, bỏ nghề khi trước đây của anh là giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại TP.HCM, còn chị là giáo viên để làm trang trại. Đó là cuối năm 2019.

Anh Lớn đang hái dừa để đãi khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lớn đang hái dừa để đãi khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Nam Tiến là thôn nghèo nằm trong xã nghèo của tỉnh nghèo nhất nhì Việt Nam - Đắk Nông. Chuyện đi lại còn nhiều khó khăn khiến cho tôi ngồi trên chiếc xe khách tồi tàn mà cảm giác như được cưỡi voi giữa đại ngàn bởi đường toàn ổ gà, ổ trâu, xóc nẩy người. Đất ở nơi đây cũng rất xấu, nhiều sỏi đá, chủ vườn cũ trồng cao su, hồ tiêu không hiệu quả nên khi mua về, anh chị tham vấn các chuyên gia nông nghiệp cách cải tạo và chọn lối canh tác hữu cơ của Nhật. 

“Chúng tôi mua những phế thải nông nghiệp như rơm rạ, cành cây về làm nấm rồi từ bã nấm, vỏ trấu, rác hữu cơ lại được trộn chế phẩm vi sinh để ủ thành phân, tạo thành vòng sản xuất tuần hoàn không bỏ đi một thứ gì. Sản lượng nấm năm 2021 đạt khoảng 5 tấn khô, 30 tấn tươi, doanh thu trên 1 tỷ đồng, còn năm nay đạt thấp hơn do nạn bọ đen bay về cắn phá trong khi đó làm theo tiêu chuẩn hữu cơ nên chúng tôi không phun xịt hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Ở một trang trại khác, mua sau rộng hơn 5ha ở thôn Suối Tre bên cạnh, có đất đen dung nham núi lửa rất tốt, chúng tôi đang cải tạo theo hướng hữu cơ để lấy giấy chứng nhận organic của Nhật. Tháng 6/2022 có đoàn chuyên gia Nhật sang hướng dẫn cải tạo đất để xử lý những tồn dư hóa học. Còn hiện tại, chúng tôi đang trồng các loại cây họ đậu bên cạnh những cây ăn quả như nhãn, dừa, bơ, điều…, không phun thuốc trừ cỏ mà chỉ cắt cỏ lấy phủ lên gốc cây, vừa làm phân vừa giữ ẩm. Có tiến sĩ là giảng viên của trường Đại học Khoa học tự nhiên về nghiên cứu đất xem đủ hay thiếu chất, rắn hay tơi ra sao. Dự kiến, mất khoảng 3 - 5 năm mới tạo ra được đất sạch, đúng tiêu chuẩn”, anh Lê Ngọc Anh kể.

Gia đình anh dùng bồ hòn, bồ kết, chanh, dứa... để làm chất tẩy rửa, tắm giặt để không phải dùng đến những hóa chất độc hại.

Nỗi khổ của dân thành phố

Nếu cho chọn lại, anh có chọn cách sống giữa thiên nhiên thế này không?, tôi hỏi. Ngay lập tức anh Lê Ngọc Anh trả lời: “Chắc chắn rồi. Hiện có hai vấn đề của những người bỏ phố về rừng là lúc đầu mê thiên nhiên nhưng về sau không thích nghi được với môi trường sống thiếu tiện nghi như ở phố; thứ nữa là bài toán tiền ở đâu ra để sinh hoạt?

Anh Lê Ngọc Anh đang kiểm tra một bịch trồng nấm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lê Ngọc Anh đang kiểm tra một bịch trồng nấm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Góc độ của tôi nhìn thì tiền ở đâu ra không quan trọng bằng cách sống như thế nào. Nếu bạn quyết định bỏ phố về rừng thì nhu cầu tiêu tiền sẽ không nhiều đâu. Như nhà tôi, cả gia đình 4 người chi tiêu cỡ 5 triệu đồng/tháng là thoải mái, thế nhưng hồi ở TP.HCM mỗi tháng phải mất 40 triệu đồng, chưa kể tiền học cho con.

Chúng tôi xác định ngay từ đầu phải tự cung cấp đủ thực phẩm để hạn chế tối đa việc phải mua đồ ở ngoài, và đây cũng là cách đảm bảo cho mình sức khỏe, khỏi lo lắng như trước đây mình ở thành phố phải gần bệnh viện tốt, gần những điều kiện chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, chúng tôi có niềm tin rằng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ thành công. Cứ kiên trì đi theo nó thì chắc chắn ngày hái quả sẽ không xa.

Trong giai đoạn chờ đợi 3 - 5 năm đó, nói người làm nông nghiệp hữu cơ sống khổ cũng không hẳn là đúng. Chính ra dịch Covid-19 vừa rồi tôi thấy người ở thành phố mới khổ bởi thiếu thực phẩm, ngay cả bây giờ lúc đã mở cửa, có tiền đấy nhưng chưa chắc họ đã mua được thực phẩm sạch, chất lượng. Họ mất tiền mua, ăn vào miệng mình mà không biết thực phẩm đó được trồng trọt, chăn nuôi như thế nào đâu.

Anh Lê Ngọc Anh (ngoài cùng bên trái) cùng con gái Lê Cẩm Hà đang giới thiệu về nấm cho đoàn ngài Duchateau Koen - Tham tán Thứ nhất của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Lê Ngọc Anh (ngoài cùng bên trái) cùng con gái Lê Cẩm Hà đang giới thiệu về nấm cho đoàn ngài Duchateau Koen - Tham tán Thứ nhất của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nỗi khổ thứ hai là về mặt môi trường, không thể so sánh môi trường thành phố với nông thôn hay miền núi được, ở đó rất nhiều bụi mịn, rất thiếu oxy do có ít cây xanh. Khổ nữa là người thành phố vẫn quay cuồng trong một trò chơi là kiếm tiền, nuôi con ăn học và giải trí, du lịch nhưng kỳ nghỉ ấy vẫn trong sự hối thúc. Còn chúng tôi ở đây ngày nào cũng là ngày nghỉ, ngày nào cũng là ngày làm việc, ngày nào cũng là ngày học tập. Quay về với thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ cho mình mọi thứ thôi”.

Anh chia sẻ, xuyên suốt hành trình của gia đình mình chỉ có ba việc để làm: Thứ nhất, làm những việc tác động tốt nhất đến môi trường, bảo vệ mẹ thiên nhiên. Thứ hai, luôn đồng hành, học tập, trải nghiệm cùng nhau. Thứ ba, xây dựng cộng đồng những người có cùng lối sống, cũng yêu thiên nhiên, yêu việc con cái được tự do, bản thân được tự do. Giờ xã hội đang có trào lưu quay về sống với thiên nhiên và chỉ có thiên nhiên mới chữa lành những tổn thương tinh thần của con người. Khoảng cách về tiện nghi giữa thành phố và nông thôn cũng không cách xa nữa, như gia đình anh sống ở giữa rừng mà gần như không thiếu một thứ gì.

Cận cảnh nấm trong trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cận cảnh nấm trong trang trại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quay lại với nỗi đau của làng, hiện tại toàn người già và trẻ em. Thanh niên bỏ ruộng đất để đi làm công nhân hay lên thành phố làm công việc tự do. Đất đai, tài sản bị bỏ hoang như thế, điều này thôi thúc anh có ý tưởng khôi phục thôn Suối Tre thành làng sinh thái kiểu Nhật, nơi sẽ có nhiều hộ cùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bởi nông dân đã quen với việc làm nông rồi, chỉ cần thay đổi về phương thức canh tác. Những căn nhà trong làng sẽ được làm bằng gỗ và tre, nhỏ xinh với hàng rào bằng cây xanh. Trong khuôn viên làng, cây sẽ được trồng theo ba tầng tán: Cây lấy gỗ, cây ăn trái và cây lấy hạt, dược liệu, rau.

Về văn hóa, mọi người sẽ sống thuận tự nhiên, mỗi nhà có một bàn trà để hàng xóm có thể ra vào uống nước, trò chuyện, khách của một nhà cũng là khách của cả làng giống như ngày xưa vậy. Để làm được điều này, anh chị cần những người đồng hành cùng chung lý tưởng sống và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương...

Nếu như chị lãng mạn đúng theo kiểu dân gốc văn Tổng Hợp thì anh thực tế bởi là dân kinh tế, luôn vạch ra những bước đi cần thiết, bởi thế họ bù trừ cho nhau trong cuộc sống. Nhưng có điểm chung nhất là quan niệm về giáo dục con cái rằng bố mẹ để lại là di sản cho con chứ không phải là tài sản.

Vợ anh Lê Ngọc Anh đốt nhang ngải cứu chữa cho con gái lớn theo phương pháp diện chẩn khi cháu bị sổ mũi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ anh Lê Ngọc Anh đốt nhang ngải cứu chữa cho con gái lớn theo phương pháp diện chẩn khi cháu bị sổ mũi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi đoàn của ngài Duchateau Koen - Tham tán Thứ nhất, Trưởng Ban Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đến thăm trang trại, Lê Cẩm Hà - con lớn của anh chị mới hơn 14 tuổi đã giới thiệu bằng tiếng Anh mọi hoạt động của công ty, định hướng phát triển. Khi được đoàn hỏi, cháu trả lời luôn, cái gì không biết mới hỏi bố mẹ chứ không phải chỉ đóng vai trò đơn thuần là phiên dịch nữa. Điều kỳ lạ đó khiến cho tôi tò mò, muốn tìm hiểu, nhất là khi anh Lê Ngọc Anh cho biết cả hai con của mình 6 năm nay đều tự học ở nhà, không cần đến trường, mà giáo viên không ai khác chính là bố mẹ…

Tôi được chứng kiến vợ anh Lê Ngọc Anh đốt nhang ngải cứu chữa cho con gái lớn theo phương pháp diện chẩn khi cháu bị sổ mũi. Đã hơn 10 năm anh chị tự học, tìm hiểu những phương pháp để tự chữa bệnh cho gia đình mình.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.