'Giọng Vĩnh Thịnh' trên báo chí và sự thật từ tư liệu

Andrea Hoa Pham - Chủ Nhật, 27/08/2023 , 10:43 (GMT+7)

Giọng địa phương gắn bó với căn cước của một người như máu thịt. Vì thế, chủ nhân các giọng nói ấy muốn biết vì sao họ lại nói giọng không giống ai như thế.

Tác giả cùng một người dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Tác giả cùng một người dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Các giọng “lạ” này thường được báo chí quan tâm. Giọng Vĩnh Thịnh cũng vậy. Đó là điều rất quý. Đáng tiếc là các tác giả khi cố giải thích sự độc đáo của một giọng nói, thường khẳng định không chứng cớ rằng "không còn nơi nào nói thế", thậm chí còn phủ lên các thổ ngữ ấy một lớp sương ma mị, khiến độc giả vô tình bị tung hoả mù về nguồn gốc của một thổ ngữ, kiểu như giọng Vĩnh Thịnh “liên quan đến người đang nằm trong ngôi mộ cuối làng”. Đến đây thì ngắt, và không có phần hai (Lê Quân, Báo Nhân Dân 19/1/2021).

Một số bài báo gợi ý rằng người dân ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) nói một tiếng rất xa lạ với tiếng Việt. “Tiếng” có thể dùng như “giọng”, tuy nhiên những bài báo này miêu tả giọng Vĩnh Thịnh như một “ngôn ngữ” khác. Có thể thấy điều này qua những cái tựa như “Làng nói “song ngữ” bên bờ sông Mã” (Duy Tuyên, Dân Trí, 5/2/2017), hoặc “Người dân Vĩnh Thịnh rất tự hào về tiếng nói riêng của quê mình. Từ người già, tới con trẻ ở đây đều có thể nói tiếng mẹ đẻ song song với tiếng phổ thông (tiếng Việt)” (Thế Lượng, Văn hoá và Đời sống 22/2/2018, thêm bớt vài câu và đăng lại trên Giáo dục và Thời đại 17/02/2021).

Một vài bài báo cũng kể rằng đã có những đoàn nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ về làng hỏi chuyện, lấy tư liệu và ghi chép. Song đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được bài báo nào do các nhà chuyên môn viết.

Bài này chỉ trình bày tóm tắt vài nét về giọng Vĩnh Thịnh, không đi sâu vào chi tiết. Đó là một thổ ngữ đặc biệt của tiếng Việt, giữ nhiều cách phát âm cổ, nhưng vẫn là những nét thấy trong giọng nói những làng khác ở Thanh Hóa và cả ở Nghệ Tĩnh.

Xã Vĩnh Thịnh (còn gọi là Kênh Thuỷ hay Bản Thuỷ) thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xã có 4 làng: Đoài, Trung, Đông, Sanh. Năm 1999 dân số xã là 8.663 người.

Tôi tìm đến Vĩnh Thịnh tháng 5/2023, đi cầu may, không một người quen hoặc ai chỉ lối. Đường vào làng thật đẹp, đẹp như bất kỳ đường làng ở một đồng quê nào ở miền Trung. Nhưng rất vắng vẻ. Cả đoạn đường dài là những cánh đồng lúa với các rặng cây xa xa.

Con đường ngoằn ngoèo độc đạo càng lúc càng hẹp, trời nắng nóng chang chang. Tới lúc đường rẽ đôi, nhánh bên kia không có nhà cửa, sau mới biết là lối vào công trường đá. Nhánh bên này, có một căn nhà mở cổng, bên trong là một người đàn ông và phụ nữ đang lúi húi phơi thóc. Tôi vào sân, hỏi thăm đường vào xã Vĩnh Thịnh.

Người phụ nữ nhanh nhẩu “xã Vĩnh Thịnh đây, cô tìm ai?”. Tôi nói đi tìm hiểu về giọng nói của làng vì người ta nói làng này có giọng nói rất lạ, và xin phép hỏi chuyện họ. Cả hai vợ chồng chủ nhà đon đả mời vào uống nước. Họ cho biết đây là làng Đông. Cả hai đều 60 tuổi. Một người hàng xóm thấy có khách, cũng ghé sang chơi chốc lát.

Người dân quê nơi nào cũng đẫm tình cảm, hiếu khách. Sau khi thu thập tư liệu từ anh chủ nhà, trời đã trưa, tôi mời gia đình ra quán dùng bữa nhưng bà chủ nhà gạt đi, nói sẵn đây mời cô dùng bữa cơm đạm bạc với gia đình.

Chỉ có vợ chồng chủ nhà, cô con dâu và cháu nội mới biết lẫy. Hoá ra quanh đó không hề có một quán ăn hay nhà hàng nào cả. Không dám khách sáo, tôi sà vào mâm. Canh rau, cá kho, cà pháo, đậu hũ chiên, trứng tráng, ít thịt kho nhưng là một trong vài bữa cơm hiếm hoi ngon miệng nhất trong cả tháng tôi ở Việt Nam.

Những người dân của vùng quê Vĩnh Thịnh.

Những người dân của vùng quê Vĩnh Thịnh.

Trước hết cần phân biệt “từ địa phương” và “phát âm địa phương”. Các ví dụ trong những bài báo nhắc trên cho thấy người ta lẫn lộn hai khái niệm này. Từ địa phương thì phương ngữ thổ ngữ nào cũng có, chỉ là số lượng nhiều hay ít. Phát âm mới là cái phân loại giọng địa phương. Về từ ngữ, thì không phải chỉ ở Vĩnh Thịnh người ta mới gọi cái nồi là cái "trách", bát là "đọi", cái gáo là cái "chuộc", cái gầu là cái "đài"...

Còn về phát âm, những cách nói mũi là "mủn", tối là "tún", chổi là "chủn", về là "viền", lưỡi là "lản" cũng gặp ở nhiều nơi khác ở Thanh Hóa. Những hiện tượng dây, dừa phát âm là "đây, đừa", gỗ là "cỏ", sừng là "trầng", ghế là "kê", gạch là "cạch", gạo là "cấu", rắn là "tăn", gái là "cấy"...là biến âm lịch sử, phụ âm đầu chưa bị xát hoá.

Cách phát âm này cũng thấy nhiều trong các thổ ngữ Nghệ Tĩnh và Quảng Bình. Cách gọi con gà là "con kha", nước là "nác", lúa là "lọ", sâu là "trâu", trâu là "tru", ngay cả đầu gối là "trốôc cún", chồng là "nhông", chơi là "nhởi" hay "nhởn"... cũng thuộc về phạm trù biến âm chứ không phải từ vựng, và cũng gặp ở nhiều thổ ngữ Nghệ Tĩnh và Quảng Bình.

Vài nét độc đáo trong giọng Vĩnh Thịnh mà dường như chưa thấy đâu nhắc, là nguyên âm ơ phát âm thành o (ví dụ thờ thành ‘tho’, mỡ thành ‘mỏ’, trời thành ‘tròi’), và các phụ âm viết bằng ‘ph’ trong chữ Quốc ngữ được người Vĩnh Thịnh nói thành một phụ âm xát, môi-môi, vô thanh, không có trong chữ Quốc ngữ (Pham, Andrea Hoa 2023).

Những cách miêu tả giọng nói “líu lo như chim hót, nhanh và cao, nặng và nhẹ, v.v.”, thậm chí huyền bí “Tại sao chúng tôi lại nói nhanh như vậy? Sao cả vùng này chỉ mình chúng tôi nói giọng cao như chim hót…?”. Tôi tự rót cho mình một chén trà mới, thủng thẳng: “Tất cả liên quan đến người đang nằm trong ngôi mộ cuối làng mà tôi mới đến viếng thăm đấy” (Lê Quân)” thì chỉ làm cho vấn đề càng rối mù, phi khoa học hơn.

Cũng có ý kiến dân địa phương cho rằng giọng Vĩnh Thịnh liên quan đến người Chăm do làng có một ngôi chùa mang nét kiến trúc Chăm. Một dân làng nói “Gần đây chúng tôi bắt đầu tin rằng, giọng nói làng tôi có nguồn gốc từ tiếng Chiêm Thành, do trước đây từng có người Chiêm Thành đến sinh sống.

Trong xã còn ngôi chùa Hoa Long cổ xưa có những hoa văn kiến trúc bằng đá mang đậm dấu ấn Chiêm Thành, được dựng từ thời Trần, hiện đang thờ tướng quân Trần Khát Chân. Một số giảng viên đại học, nhà nghiên cứu địa phương mà tôi có dịp tiếp xúc cũng đồng quan điểm đó” (Lê Quân). Không biết những giảng viên đại học và các nhà nghiên cứu địa phương “đồng quan điểm đó” là ai, song đến nay chưa thấy có bài nghiên cứu nào về chuyện này.

Cũng như các diễn viên Việt khi đóng vai người Pháp hay Mỹ nói tiếng Việt, thường nói bằng một giọng lơ lớ không phân biệt thanh điệu rõ rệt, một lý do để nghi ngờ giọng Vĩnh Thịnh không phải là “tiếng Việt” là có thể giọng nói này ảnh hưởng từ cộng đồng cư dân nào đó nói một thứ tiếng không có thanh điệu. “Thanh Hóa là vùng đất có 7 tộc người sinh sống gồm người Kinh (Việt), Mường, Thái, Dao, H’Mông, Khơ Mú, Thổ” (Phạm Văn Tuấn, 28/3/2018).

Trong giọng Vĩnh Thịnh, thanh sắc thường “mất dấu” nghe như thanh ngang hoặc huyền: số tám nghe như sô tam, khế như khê, như , máy như mày. Thanh nặng nghe như thanh ngang, ví dụ mạ thành ma, chợ thành cho, mặt nạ nghe như mặt na. Thanh ngã nhập với thanh hỏi thành thanh hỏi, giống như trong giọng Thanh Hóa nói chung. Tuy nhiên, nhiều thổ ngữ Nghệ An và Hà Tĩnh cũng nhập vài thanh điệu vào một, cho nên cũng có thể đó là một hệ thanh điệu nào đó từ Nghệ Tĩnh đã “đi ra” Thanh Hóa, cùng với các cách phát âm cổ và từ cổ địa phương đã nói ở trên.

Còn lại thì tất cả những cái cho là “lạ lùng” trong giọng Vĩnh Thịnh đều thấy trong các thổ ngữ khác của giọng Thanh Hóa và Nghệ An. Thậm chí trang Wikipedia ghi vắn tắt về Vĩnh Thịnh cũng nói rằng “đặc biệt có giọng nói lại giống vùng xứ Nghệ” (không ghi tài liệu tham khảo).

Andrea Hoa Pham
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại3

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.