Ngày 23/3, dưới sự đồng chủ trì tổ chức của Bộ NN-PTNT, Tổng hội NN-PTNT Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp”.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu góp phần cung cấp các phân tích, đánh giá thực tiễn về điều kiện và hiện trạng của nền nông nghiệp. Từ đó, đóng góp vào thông tin tham mưu để cơ quan quản lý có thẩm quyền xây dựng các chính sách phù hợp.
Đồng thời, chương trình cũng giúp kết nối và thu hút các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Qua đó thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam, tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống.
“Ngày nay, những loại thiết bị máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Những loại máy này được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp”, ông Hồ Xuân Hùng thông tin.
Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam chia sẻ thêm, trí tuệ nhân tạo giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng được khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt. Trí tuệ nhân tạo cũng giúp tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
“Hiện nay trên các cánh đồng, nông trại, nhiều nông dân trên thế giới đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giảm đáng kể việc sử dụng các hóa chất ảnh hưởng đến môi trường. Những tiến bộ trong chế tạo robot điều khiển bằng AI cũng đang giúp nhà nông trong việc tăng gia sản xuất sử dụng ít đất và ít nhân công hơn”, đại diện Tổng hội NN-PTNT Việt Nam cho hay.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), chuyển đổi số trong nông nghiệp được đặt trong bối cảnh xu hướng số đang dịch chuyển nền kinh tế. Người tiêu dùng thông minh hiện đang có xu thế quan tâm đến sức khỏe, minh bạch, giá trị xã hội, không gian tương tác.
Bên cạnh đó, khu vực nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng internet ở nông thôn tăng đáng kể, có khoảng 77% người dân nông thôn kết nối internet, trong đó có 91% lên mạng hằng ngày.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, hiện nay, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành nông nghiệp cũng như ứng dụng số của ngành nông nghiệp vẫn chưa toàn diện do nhiều yếu tố như hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán hay chưa xây dựng được kiến trúc, dữ liệu ngành.
Do đó, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu, trong năm 2023 và thời gian tới sẽ xây dựng được trợ lý ảo cho mỗi người nông dân để cập nhật kịp thời chỉ số giá, thời tiết, mùa vụ, diễn biến thị trường, thông qua các ứng dụng Nông dân@; Quản trị số@.
“Rộng hơn là xây dựng Mạng nhà nông phục vụ phát triển bền vững liên kết hợp tác xã – hộ nông dân – hiệp hội các ngành hàng nông nghiệp, nông thôn. Mạng nhà nông sẽ hỗ trợ người nông dân lập kế hoạch sản xuất mùa vụ, quản lý thu/chi, báo cáo lãi/lỗ, báo cáo chất lượng sản phẩm”, đại diện Bộ NN-PTNT chia sẻ.
Từ lâu Đảng và Chính phủ đã có những quyết sách nhằm phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Tiêu biểu trong số đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học - công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng”.
Ngày 26/01/2021 Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về việc Ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; trong đó có nội dung: “Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.