| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông cộng đồng

Tổ kinh tế kỹ thuật ở cơ sở

Thứ Sáu 17/12/2021 , 13:52 (GMT+7)

Họ đóng vai trò chính trong triển khai lịch thời vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình khuyến nông, phòng chống dịch bệnh.

Hết việc chứ không hết giờ

Một ngày làm việc của anh Đinh Bá Dương, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B, huyện An Minh, Kiên Giang khá bận rộn. Dù đã hẹn trước để anh sắp xếp công việc nhưng ngồi trò chuyện, uống chưa hết ly nước mà máy điện thoại của anh Dương cứ đổ chuông liên hồi, hết xã gọi giao việc, lại đến nông dân gọi nhờ tư vấn kỹ thuật.

Anh Đinh Bá Dương (bên phải), Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B trao đổi công việc với lãnh đạo xã, trước khi bắt tay vào công việc trong ngày. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Đinh Bá Dương (bên phải), Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B trao đổi công việc với lãnh đạo xã, trước khi bắt tay vào công việc trong ngày. Ảnh: Trung Chánh.

Hôm tôi hẹn gặp, ngoài chiếc cặp tài liệu để làm việc, trên xe anh còn treo lủng lẳng mấy bịch bột màu trắng. Thấy tôi nhìn, anh Dương giải thích: “Đây là Clorin sát khuẩn, lãnh đạo xã mới giao để đi phun khử khuẩn mấy nhà mới phát hiện bị F0, đi cách ly. Chiều xong việc về mình đi phun. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Tổ Kinh tế kỹ thuật cũng tham gia Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của xã, làm bất kể ngày đêm, khi nào hết việc mới được về chứ không phải hết giờ hành chính”.

Anh Đinh Bá Dương (SN 1971) đến với Tổ Kinh tế kỹ thuật (khuyến nông cơ sở) như là cái duyên nghề nghiệp. Năm 1980, ba mẹ anh Dương từ tỉnh Thái Bình vào Kiên Giang lập nghiệp theo chương trình di dân kinh tế mới. Công việc hàng ngày là khai phá rừng tràm trồng lúa, hưởng lương tháng. Sau này được nông trường cho thuê đất canh tác, nộp sản mỗi công một giạ lúa. Đến năm 1987 thì nông trường tan rã, chính quyền chia đất cho dân canh tác.

Anh Dương bảo, năm 1991 mình lập gia đình thì cũng là năm nhập ngũ đi bội đội. Ba năm sau xuất ngũ về được bầu làm Bí thư Chi đoàn ấp Thành Phụng, xã Đông Hưng. Nhà có ruộng nhưng lúc đó sản xuất còn nhiều khó khăn, cuộc sống gia đình khá chật vật. Vì vậy, mình xin đi học Trung cấp chăn nuôi thú y để kiếm việc làm và ra trường được nhận về trạm Khuyến nông huyện An Minh.

Anh Đinh Bá Dương, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B tìm hiểu kiến thức trên môi trường mạng, để cập nhật kiến thức mới, chuyển giao cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Đinh Bá Dương, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B tìm hiểu kiến thức trên môi trường mạng, để cập nhật kiến thức mới, chuyển giao cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Năm 2005, khi địa phương quyết định thành lập Tổ Kinh tế kỹ thuật, anh Dương về làm Tổ trưởng Tổ xã An Minh Bắc. Sau được điều về Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B và gắn bó cho đến nay. Anh Dương nhớ lại: “Hồi đó, cán bộ của Tổ làm hợp đồng, lương cố định chỉ có 400.000 đồng/tháng. Làm nhiều năm cũng không được xét nâng lương, mãi đến năm 2012 mới bắt đầu cho vào biên chế, xét lương theo bậc và bằng cấp. Lúc đầu nhiều anh em cũng trăn trở lắm, có người xin nghỉ để ra ngoài làm, lương cao hơn rất nhiều lần”.

Nhưng anh Dương quyết tâm gắn bó với Tổ kinh tế kỹ thuật, vì thứ nhất là được làm đúng ngành nghề đã học, lại gần nhà, nhưng quan trọng nhất là gắn bó với nông dân, chia sẻ những kiến thức làm nông mình có được. Anh Dương tâm sự: “Hiện tôi canh tác vừa đất nhà và đất mướn là 2 ha lúa – tôm. Bà xã ở nhà vừa nội trợ vừa trông coi ruộng vườn. Tôi đi làm, có chuyên môn kỹ thuật nên ít khi nào rủi ro thất bại. Cộng với lương tôi bây giờ cũng bậc 9 rồi, đủ sức lo cho cuộc sống”.

Hai cha con là đồng nghiệp

Hỏi về công việc hoạt động của Tổ Kinh tế kỹ thuật, anh Dương bảo, mình là Tổ trưởng phụ trách mảng chăn nuôi thú y, một tổ viên thủy sản, đang thiếu một người chuyên môn trồng trọt. Công việc dồn lại cũng khá bận rộn. Nhất là những năm thiên tai, dịch bệnh, như đợt hạn mặn diễn ra gay gắt vào mùa khô năm 2015-2016, cán bộ khuyến nông cơ sở cực lắm. Nào là cùng chính quyền phòng chống hạn mặn, nào là công tác chuyên môn phòng chống dịch (tôm nuôi bị chết nhiều), nào là thống kê số hộ thiệt hại…

Anh Đinh Bá Dương, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B, trực tiếp hướng dẫn người dân ủ thức ăn cho tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa, giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Đinh Bá Dương, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B, trực tiếp hướng dẫn người dân ủ thức ăn cho tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa, giảm chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Trung Chánh.

“Nếu chỉ đơn thuần làm công tác chuyên môn như triển khai xây dựng các mô hình khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, tập huấn cho nông dân, khuyến cáo lịch mùa vụ, phòng chống dịch thì không khó. Ở đây, cán bộ của Tổ vừa chịu sự chỉ đạo chuyên môn của ngành khuyến nông, trồng trọt, bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, vừa chịu sự phân công công việc của xã, huyện nên đôi khi gặp khó. Nhưng mình gắn bó với địa phương, đóng tại cơ sở thì phải biết phối hợp, thực hiện sao cho vẹn đôi đường”, anh Dương chia sẻ.

Trong 3 người con của anh Dương thì người con gái đầu lòng Đinh Thị Ngọc Bền nối nghiệp cha và 2 cha con trở thành đồng nghiệp. Học ngành Kỹ sư trồng trọt tại trường Đại học Cần Thơ, khi ra trường (năm 2016) Ngọc Bền chọn thi tuyển vào làm tại Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Vân Khánh (huyện An Minh). Tổ hiện có 2 người, một Thủy sản, một Trồng trọt, đang thiếu một cán bộ Thú y.

Anh Đinh Bá Dương, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B, trực tiếp cùng nông dân thăm ruộng lúa kết hợp tôm càng xanh, để tư vấn kỹ thuật cho bà con. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Đinh Bá Dương, Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Đông Hưng B, trực tiếp cùng nông dân thăm ruộng lúa kết hợp tôm càng xanh, để tư vấn kỹ thuật cho bà con. Ảnh: Trung Chánh.

Ngọc Bền tâm sự: “Lý do chọn nghề trồng trọt học là do cha định hướng cho học và bản thân cũng có sở thích trồng cây, nhất là trồng các loại hoa kiểng. Vào làm Tổ Kinh tế kỹ thuật mình càng phát huy được sở thích của bản thân, được cùng nông dân ra đồng, thấy bà con có những mùa vàng bội thu mình cũng vui lây”.

Là nữ, mới lập gia đình bận bịu con cái, nhưng Ngọc Bền rất chăm chỉ với công việc. Địa bàn rộng phải đi nhiều, Ngọc Bền phải gửi con cho ngoại chăm, để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công việc hàng ngày khá nhiều, phải xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật, báo cáo tình hình sản xuất lúa, rau màu… Ngoài ra, còn phải chịu sự phân công, chỉ đạo thực hiện công việc của xã. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Tổ Kinh tế kỹ thuật còn tham gia phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản cho nông dân, giảm thiệt hại do ảnh hưởng bởi thực hiện giãn cách xã hội.

Trưởng thành từ Tổ Kinh tế kỹ thuật

Cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp luôn sát cánh cùng nông dân trong phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ những mùa vàng bội thu. Không những thế, lực lượng nhiều kinh nghiệm thực tế này còn là kênh tạo nguồn cán bộ cho địa phương, khi đã có nhiều anh em được chính quyền xem xét bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách sản xuất, Hội Nông dân, lãnh đạo Hợp tác xã nông nghiệp…

Hơn chục năm làm cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật, từ Tổ viên ở xã Tân An, rồi chuyển về làm Tổ phó xã Tân Hòa (huyện Tân Hiệp) nên Nguyễn Văn Huỳnh (SN 1984) rất có kinh nghiệm về phát triển sản xuất. Năm 2015, Nguyễn Văn Huỳnh được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội) và 2 năm sau trở thành giám đốc của tổ chức nông dân này.

Giám đốc HTX Phú Hòa Nguyễn Văn Huỳnh (hàng đầu, bên phải) trưởng thành từ hoạt động tổ Kinh tế kỹ thuật. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng Ban quản lý dự án VnSAT đến trao công trình đầu tư cho HTX Phú Hòa. Ảnh: Trung Chánh.

Giám đốc HTX Phú Hòa Nguyễn Văn Huỳnh (hàng đầu, bên phải) trưởng thành từ hoạt động tổ Kinh tế kỹ thuật. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng Ban quản lý dự án VnSAT đến trao công trình đầu tư cho HTX Phú Hòa. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh tâm sự: “Chính những năm làm ở Tổ Kinh tế kỹ thuật, đồng hành cùng nông dân trên đồng ruộng, đã cho mình nhiều kinh nghiệm, kiến thức, cũng như vốn sống để khởi nghiệp. Từ đó, khi chuyển qua làm Hợp tác xã, mình tập hợp nông dân, tổ chức sản xuất, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho xã viên”.

Với nhiều thành tích đóng góp cho ngành nông nghiệp địa phương, Nguyễn Văn Huỳnh vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Trong đó, nổi bật nhất là Bằng khen của Bộ NN-PTNT về thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tường Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã và liên hợp tác xã nông nghiệp, hoạt động có hiệu quả năm 2018-2019. Nói về thành tích của mình, Nguyễn Văn Huỳnh tự hào: “Chính nhờ làm Tổ Kinh tết kỹ thuật - hoạt động khuyến nông cơ sở đã cho mình môi trường để trưởng thành như ngày hôm nay”.

Tổ Kinh tế kỹ thuật rất quan trọng với địa phương nông nghiệp

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hưng B (huyện An Minh, Kiên Giang) đánh giá, hoạt động của Tổ Kinh tế kỹ thuật rất quan trọng với các địa phương mà nông nghiệp là nguồn thu nhập chính. Lực lượng này đóng vai trò chính trong triển khai lịch thời vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình khuyến nông, phòng chống dịch bệnh. Nhờ có khuyến nông cơ sở mà hiện xã có khá nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như tôm sú - lúa, tôm công nghiệp, tôm càng xanh, nuôi cua đinh, cá sấu, cá chình… Toàn xã Đông Hưng B có hơn 5.300 ha đất nông nghiệp, nhờ chuyển đổi sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật mà thu nhập được nâng lên khá cao, hiện đạt mức 120-130 triệu đồng/ha, lợi nhuận ròng từ 60-70 triệu/ha.

Xem thêm
Cô gái trẻ nuôi gà mát tay

ĐẮK NÔNG Mới 30 tuổi, cô gái này không chỉ chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha mà còn khá thành công với mô hình nuôi gà quy mô thuộc loại lớn.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.