| Hotline: 0983.970.780

Triển khai cách ly F1 tại nhà để bảo đảm nguồn lực chống dịch

Thứ Bảy 10/07/2021 , 08:25 (GMT+7)

Đợt bùng phát lây nhiễm lần thứ 4 của Covid-19 đang khiến nhiều người choáng váng.

TP.HCM đìu hiu sau hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội.

TP.HCM đìu hiu sau hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội.

Sau sự tăng vọt số ca bệnh mới tại TP.HCM, thì nhiều tỉnh cũng đối mặt với đại dịch lan rộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Trường Sơn cho biết trong tháng 7/2021, TP.HCM có thể áp dụng hai hình thức, một là cách ly F1 tại nhà 28 ngày và cách ly theo mô hình 14+14 nghĩa là 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày cách ly tại nhà để giảm tải. 

Có 3 vấn đề quan trọng trong quản lý F1 cách ly tại nhà cần phải giải quyết đó là việc ứng dụng, quản lý cách ly bằng công nghệ thông tin; các địa phương phải chủ động thành lập các đội nhóm kiểm tra các điều kiện tại nơi cư trú đảm bảo quy định của Bộ Y tế và theo dõi y tế hằng ngày. .

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương với tư cách Cục trưởng Quản lý môi trường y tế khẳng định, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn cách ly F1 tại nhà trên phạm vi toàn quốc. 

Việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho bản thân những người phải thực hiện cách ly y tế, đồng thời giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung của địa phương. Tuy nhiên, việc cách ly đối với trường hợp F1 tại nhà phải đáp ứng điều kiện đã đề ra như hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ trong trường hợp người cách ly không tuân thủ quy định, tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Biến chủng virus mới hiện nay lây lan nhanh, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình là rất lớn. Vì vậy, nhà cách ly phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong quá trình cách ly

Với con số ca nhiễm mới vẫn đang tăng lên mỗi ngày, thì làm sao để tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng là một vấn đề đang được đặt ra cấp bách.

Chủ tịch UBND TPHCM - Nguyễn Thành Phong yêu cầu không tiếp tục sử dụng trường học làm khu cách ly tập trung, vì chủng virus Delta lây lan đáng lo, mà khu cách ly trường học sử dụng khu vệ sinh chung nên việc ngăn chặn lây nhiễm chéo gặp nhiều khó khăn.

Để tránh lây nhiễm chéo và giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế, một giải pháp được ủng hộ là cho F1 cách ly tại nhà. Việc cách ly F1 tại nhà sẽ hạn chế tập trung đông người tại khu cách ly tập trung, nhưng lại cần vai trò giám sát của chính quyền cơ sở.

Các chuyên gia y tế đều cho rằng, tự thân F1 và người nhà có thể chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho F1, như lấy nhiệt độ, khi có triệu chứng liên quan thì làm xét nghiệm ngay mới cần đến nhân viên y tế. Có thể lập đường dây tư vấn sức khỏe cho F1 cách ly tại nhà. Ngay cả xét nghiệm định kỳ khi F1 không có triệu chứng thì nên giao cho F1 tự kiểm tra nhanh, cuối đợt nhân viên y tế sẽ quét lại bằng xét nghiệm RT-PCR.

Thế nhưng, F1 có thể cách ly tại chung cư hay không, vẫn còn nhiều băn khoăn. Việc F1 cách ly tại chung cư có thể dẫn đến một số rủi ro lớn hơn so với nhà riêng biệt. Khác với các khu dân cư dưới mặt đất, người dân ở trong chung cư thường xuyên gặp gỡ và đi lại trong hành lang, thang máy.

Nếu việc quản lý xảy ra sai sót, các F1 ra ngoài có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm virus cho cả tòa nhà. Số lượng người đông đúc sống trong cùng tòa nhà sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan virus nghiêm trọng. một nguy cơ khác là nhiều người có thể thuê chung một căn hộ để cách ly.

Tại chung cư, các căn hộ thường được thiết kế có cửa sổ, ban công thông với nhau. Trong khi đó biến chủng Delta của SARS-CoV-2 lại có tính chất lây lan trong không khí. Sự kết hợp của 2 yếu tố này có thể là lý do khiến việc cách ly F1 tại chung cư thiếu an toàn. Khi virus tồn tại và lây lan qua đường không khí, việc sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm có thể khiến người dân ở những khu vực xung quanh căn hộ có F1 cách ly cũng mắc bệnh.

Bộ Y tế cũng đồng tình triển khai cách ly F1 tại nhà, nhưng phải tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn chuyên môn.

Cụ thể, F1 không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt với người khác. F1 hàng ngày phải bỏ khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm ở trong phòng cách ly. Các rác thải thông thường được bỏ vào thùng đựng rác thải sinh hoạt, buộc chặt miệng túi và đặt ra trước cửa phòng để thu gom xử lý.

Sau khi hết thời gian cách ly, F1 phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 05 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Bộ Y tế cũng đưa ra những điều kiện khác cho F1 cách ly tại nhà, như trong phòng cách ly phải có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt. Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, 02 xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng hằng ngày. Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly.

Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà. Vấn đề thực phẩm, đồ ăn cho các trường hợp F1 cách ly tại nhà phải được đảm bảo cung cấp từ bên ngoài. Người cách ly tuyệt đối không được ra ngoài. Ngược lại, các trường hợp đưa thực phẩm tới cũng phải đảm bảo không tiếp xúc F1. 

Cách ly tại nhà phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cách ly tại nhà phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, bên cạnh phòng cách ly phải có một phòng riêng để nhân viên y tế tới khám, lấy mẫu và theo dõi sức khỏe cho các trường hợp F1. Căn phòng này cũng cần có bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay, thùng đựng chất thải lây nhiễm và thùng đựng chất thải sinh hoạt. Khu vực phòng cách ly cũng phải được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân, chống lây nhiễm gồm khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo để người nhà sử dụng khi bắt buộc tiếp xúc gần F1.

Có một số trường hợp F1 gọi điện đến cơ quan y tế xin hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng khi biết các điều kiện bắt buộc, hầu hết đều không thể đáp ứng. Chưa kể việc cách ly 1 người tại nhà, đồng nghĩa với việc các thành viên khác trong nhà đó cũng phải cách ly 28 ngày, điều này cũng là yếu tố để các F1 cân nhắc kỹ lưỡng.

Ngược lại, các cơ quan y tế cũng tính toán một số trường hợp F1 có thể “ưu tiên” cho cách ly tại nhà, đó là các trường hợp cao tuổi, nhiều bệnh lý nền hoặc bị tai biến không thể đi được. Nhưng với các trường hợp này, điều kiện nhà cửa cũng phải tương đối đảm bảo, ít nhất phải đạt 80% quy định của Bộ Y tế.

Nếu trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ thì cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương: Không tiếp xúc với người cách ly; Cung cấp suất ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết riêng cho người cách ly hàng ngày. Đồng thời, người hỗ trợ phải báo ngay cho cán bộ y tế khi người cách ly tự ý rời khỏi nhà hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.