HortEx Vietnam 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành nên thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp và khách tham quan đến từ Trung Quốc, nhưng vẫn có sự tham dự của hơn 150 doanh nghiệp đến từ 24 quốc gia: Hà Lan, Tây Ban Nha, Israel, Pháp, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, New Zealand, Thụy Sĩ, Cộng hòa Síp, Canada, Ecuador, Bỉ, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Trong đó các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển công nghệ cao đang dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp tham gia trưng bày như: Hà Lan (23), Israel (13), Tây Ban Nha (7)…
Ban tổ chức đã phối hợp với SECC và các cơ quan liên quan thiết lập những biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ việc phòng chống dịch Covid - 19 tại triển lãm. Các khách tham quan được kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang (nếu không đeo) và rửa tay nước cồn trước khi vào khu triển lãm.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, diện tích và sản lượng trồng trọt ngành rau, hoa quả của Việt Nam những năm gần đây tăng bình quân trên 5% mỗi năm.
Trong vòng 10 năm, quy mô sản xuất ngành đã tăng trên 30%; giá trị xuất khẩu mỗi năm tăng xấp xỉ 30% kể từ năm 2013. Điều đó cho thấy vị trí hết sức quan trọng của ngành hàng này trong tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế đất nước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,7% so với năm 2018. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm sâu tới gần 13% vì nước này đưa ra nhiều rào cản mới về chất lượng cũng như bắt buộc doanh nghiệp Việt phải xuất khẩu qua đường chính ngạch, thay vì tiểu ngạch như trước đây. Thêm vào đó, từ đầu năm tới nay xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua Trung Quốc tiếp tục gặp những khó khăn mới do dịch Covid-19.
Trước bối cảnh đó, một trong những hoạt động nổi bật tại triển lãm là Diễn đàn Xuất khẩu rau hoa quả kết nối vào các thị trường có tiềm năng lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Úc…. Hiểu rõ những lợi ích to lớn mà Hiệp định EVFTA sẽ mang lại, Diễn đàn tạo cơ hội đưa các doanh nghiệp thu mua đến gặp trực tiếp các đơn vị có định hướng cơ cấu lại thị trường xuất khẩu trong tương lai.
Trong 2 ngày 26-27/2 Diễn đàn cung cấp thông tin và các quy định, chính sách liên quan về các thị trường xuất khẩu thông qua các chuyên đề: Cơ hội dành cho trái cây Việt Nam tại thị trường Châu Âu (Ông Jos Leeters, Giám đốc Công ty Bureau Leeters, Hà Lan); Chất lượng đi đầu – Tầm quan trọng của việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận trong xuất khẩu (Bà Mirjam Boekestijn, Giám đốc Dự án Thực phẩm Quốc tế, Kenlog B.V., Hà Lan); Hiện trạng và giải pháp phát triển cây ăn quả bền vững (Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT Việt Nam); v.v..
Một trong những chương trình mang lại lợi ích lớn nhất cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản trong nước là cuộc gặp gỡ các đoàn thu mua quốc tế (International VIP Buyer) tại triển lãm. Chương trình này mang đến cho các nhà thu mua cơ hội gặp trực tiếp, thiết lập quan hệ kinh doanh với các đơn vị cung cấp rau, hoa, quả đến từ Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.
Chuỗi Hội thảo chuyên đề (Technical Seminar) là hoạt động thường niên của triển lãm. Đây là nơi cập nhật diễn biến và xu hướng phát triển của thị trường, công nghệ trong lĩnh vực rau, hoa, quả, với các chuyên đề: Triển vọng đầu tư phát triển rau, hoa, quả ở Việt Nam (Viện KHNN Việt Nam); Canh tác thông minh ở Israel ươm mầm cho đổi mới toàn cầu; Hợp tác trong ngành công nghiệp làm vườn giữa Việt Nam – Hà Lan; Giải pháp chiếu sáng cho ngành công nghiệp nuôi cấy mô và nông nghiệp đô thị; Năm bước đầu tiên để kinh doanh nhà kính đạt lợi nhuận cao hơn…