| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng cây dược liệu ở ‘chảo lửa’ Hương Khê

Thứ Ba 06/12/2022 , 13:33 (GMT+7)

Mặc dù quy mô chưa lớn, song tín hiệu khả quan về tính thích ứng, năng suất cho thấy việc phát triển cây dược liệu sẽ cải thiện sinh kế cho đồng bào Hương Khê.

Khoảng 3.000 ha có thể trồng cây dược liệu

Trên bản đồ thời tiết, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được ví như “chảo lửa, túi mưa” của cả nước. Mùa nắng nền nhiệt thường cao hơn các địa phương khác từ 1 – 2 độ C, mùa mưa, chưa nơi nào ngập lụt Hương Khê đã phủ kín màu nước bạc. Chính đặc thù thời tiết khắc nghiệt này khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Empty

Mô hình sản xuất sâm bố chính tại xã Hương Xuân mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng/sào. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, đến thời điểm này ngoài 2 loài cây chủ lực là cam Khe Mây và bưởi Phúc Trạch ra, không có giống cây nông nghiệp nào mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người nông dân. Tuy nhiên, không phải đất nào cũng trồng bưởi, trồng cam được, đặc biệt ở những vùng thường xuyên ngập lụt như xã Điền Mỹ, Hương Xuân, Hương Vĩnh hay vùng đất cằn cỗi xã Hương Lâm, Hương Liên… Vì vậy, việc sản xuất thành công một số mô hình thử nghiệm về cây dược liệu như sâm bố chính ở xã Hương Xuân; xạ can ở Hương Vĩnh; mộc hoa trắng, quế ở Hương Lâm, Hương Liên… đã mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực nông nghiệp của huyện, góp phần đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đứng giữa 2 sào sâm bố chính nở hoa đỏ chót, anh Phan Văn Sáng, xóm Phú Hòa – một trong những giáo dân đi đầu trong phát triển kinh tế ở xã Hương Xuân chia sẻ: “Ở đâu không biết nhưng ở vùng đất thịt pha cát Hương Xuân không có cây nào cho hiệu quả kinh tế cao như sâm bố chính”.

Vừa nói anh Sáng vừa cầm những củ sâm đang chuẩn bị thu hoạch nhẩm tính, nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, 1 sào sâm chăm sóc trong 12 tháng cho thu hoạch từ 2 – 3 tạ. Tùy theo trọng lượng củ sâm, thông thường giá bán giao động từ 250 – 600 ngàn đồng/kg, nếu lấy bình quân ở mức giá thấp nhất 250 ngàn đồng/kg, mỗi sào sâm bố chính gia đình anh thu về tối thiểu từ 50 – 75 triệu đồng.

Empty

Đồng bào dân tộc Chứt, xã Hương Liên và nhiều giáo dân ở xã Hương Xuân có của ăn của để nhờ trồng cây dược liệu. Ảnh: Thanh Nga.

Theo anh Sáng, sâm bố chính là một loại thảo dược quý, từ lâu đã được lưu truyền trong dân gian cũng như Đông y cổ đại với công năng bổ khí huyết, hỗ trợ điều trị bệnh suy nhược cơ thể, mất ngủ, kém ăn và đau lưng.

Tại xã Hương Liên, anh Hồ Xuân Nam cũng là một trong những hộ đầu tiên ở dân tộc Chứt trồng thành công cây mộc hoa trắng. Trong 3 năm qua, cây dược liệu này đã đem lại thu nhập ổn định hàng tháng, đủ nuôi sống gia đình 5 nhân khẩu gia đình anh Nam. “Đồng bào Chứt trước chỉ đi rừng bẫy thú nhưng bây giờ Nhà nước đưa cây mộc hoa trắng về trồng đã giúp đồng bào có việc làm, có tiền mua gạo, mua thịt. Đồng bào ở đây phấn khởi lắm”, anh Nam nói.

Là người trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, tìm kiếm nhiều giải pháp để nhân rộng cây dược liệu trên địa bàn Hương khê, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng cho hay, toàn huyện có khoảng 3.000/3.800 ha diện tích đất màu phù hợp để phát triển cây dược liệu.

Empty

Sâm bố chính thích nghi tốt với đất đai, thời tiết ở huyện miền núi Hương Khê. Ảnh: Thanh Nga.

“Tiềm năng phát triển thì vô biên nhưng khó khăn là việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện trên địa bàn mới trồng 4 loại cây chính là sâm bố chính, quế, xạ can và mộc hoa trắng. Trong tương lai Hương Khê sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân trồng dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, gia tăng độ che phủ cho rừng”, ông Vinh nói.

Liên kết giúp đồng bào phát triển kinh tế

Không để người sản xuất tự “bơi”, thời gian vừa qua, các cấp chính quyền huyện Hương Khê tích cực đấu mối với các công ty dược phẩm trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra cho cây dược liệu. Tín hiệu khả quan bước đầu chính là việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất cây xạ can trên diện tích 5 sào giữa Công ty CP dược Hà Tĩnh với hộ anh Võ Văn Hà, ở xã Hương Vĩnh.

Mô hình này được hỗ trợ mỗi sào 4 triệu đồng tiền giống, Công ty CP dược Hà Tĩnh hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 50 ngàn đồng/kg. Hiện cây trồng đang ở giai đoạn ra hoa, phát triển củ. Anh Hà cho hay, trước đây diện tích trên gia đình anh trồng ngô. Sau khi chuyển sang trồng xạ can cho thấy cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, thời tiết ở Hương Khê. Song do yêu cầu sản xuất theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc BVTV nên công làm cỏ nhiều, mất khá nhiều thời gian, công lao động. “Tuy chưa đánh giá được hiệu quả sản xuất nhưng Công ty CP dược Hà Tĩnh cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên chúng tôi cũng an tâm. Hi vọng cây dược liệu sẽ thay thế được cây màu ngắn ngắn vì hiệu quả trồng màu quá thấp so với chi phí đầu tư”, anh Hà kỳ vọng.

Empty

Liên kết trồng cây xạ can đang mở ra hướng đi mới cho người dân huyện miền núi Hương Khê trong phát triển kinh tế trên đất màu. Ảnh: Thanh Nga.

 Tại xã Hương Lâm, phong trào sản xuất mộc hoa trắng đã duy trì 6, 7 năm nay với diện tích khoảng 1 ha. Theo chia sẻ của người dân, lợi nhuận giống cây này đem lại tuy không quá nổi bật nhưng ổn định và cũng hơn nhiều so với sản xuất cây màu.

Ông Phan Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê thông tin thêm, các mô hình sản xuất cây dược liệu trên địa bàn mới làm bước đầu nên huyện sẽ tổ chức đánh giá tính thích nghi, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, nếu đảm bảo sẽ tổ chức nhân rộng. Thời gian tới Hương Khê sẽ xem xét ban hành chính sách đặc thù riêng kết hợp chính sách trong Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ tổ chức, cá nhân trồng dược liệu dưới tán rừng. Trước mắt sẽ tập trung phát triển cây ba kích, sau đó là các loại cây khác.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.