Sở NN-PTNT Thanh Hóa phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp và Cty Cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất & XNK An Phước vừa tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ, đánh giá chất lượng giống gai xanh AP1 trên địa bàn huyện Cẩm Thủy.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: “Với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật để đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào triển khai trên quy mô lớn, chúng tôi đã mời Cty CP An Phước đầu tư xây dựng nhà máy, phát triển vùng nguyên liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu mua và bao tiêu sản phẩm giống gai xanh AP1 cho người nông dân".
Đánh giá về tiến độ triển khai giống gai xanh AP1 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng, Thanh Hóa có đặc điểm thời tiết nhiệt đới gió mùa, nóng ấm, mưa nhiều, thích hợp đa dạng cây trồng. Trong lộ trình thực hiện, Sở NN-PTNT đã tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh cho phép xây dựng quy hoạch phát triển cây gai giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
"Từ năm 2015 đến nay, Sở đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Cty An Phước triển khai SX giống gai xanh AP1 tại 8 huyện (Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Nông Cống, Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân, Thạch Thành, Bá Thước) với tổng diện tích là 145ha, bước đầu cho kết quả rất tốt.
Theo khuyến cáo của đơn vị chức năng, để AP1 đạt hiệu quả tối đa bà con nên gieo trồng trên loại đất bãi cát pha hoặc đất đồi có độ PH từ 5 - 6,5. Thực hiện cày sâu từ 25cm trở lên, tiến hành bừa kỹ, hạt đất phải đạt độ mịn dưới 0,4cm. Mật độ trồng phù hợp nhất là 20.000 cây/ha, cây cách cây 60cm. Đặc điểm nổi trội nhất của AP1 là sau chu kỳ 10 - 15 năm mới phải thay gốc mới, giúp cho nông dân tiết kiệm được tối đa chi phí đầu vào.
“Từ đầu năm 2016, gia đình tôi phối hợp với Cty An Phước triển khai trồng gai xanh AP1 trên diện tích 11ha. Bước đầu cây sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, ít sâu bệnh, về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kinh tế hơn so với trồng lúa hay trồng ngô trước đây”, ông Phạm Văn Dự ở thôn Làng Bài, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân chia sẻ.
Giống gai xanh AP1 hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho nông dân
So với các loại giống gai xanh truyền thống được bà con trồng tự phát trước kia, giống AP1 cùng lúc mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bên cạnh việc dùng lá để gói bánh gai và thân làm thức ăn cho gia súc, giống gai xanh AP1 có chất xơ tốt, là nguyên liệu hoàn hảo cung cấp sản phẩm sợi chủ lực cho ngành dệt may, từng bước thay thế dần cây bông.
PGS.TS Đặng Trọng Lương, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp chia sẻ: “Giống gai xanh AP1 chính thức được đưa vào Việt Nam từ năm 2012, là cây trồng mang nhiều nét đặc trưng và không giống các cây lương thực khác. Chính vì thế, ngay từ ban đầu chúng tôi đã xây dựng các tiêu chí đánh giá rất khắt khe, bao gồm các quá trình khảo nghiệm về tác giả; khảo nghiệm DUS; giá trị sử dụng và giá trị canh tác; sản xuất và bước cuối cùng là đánh giá quá trình sản xuất thử".
So với giống đối chứng (TH2 và PY) thì giống AP1 có nhiều điểm vượt trội về DUS, nông sinh học cũng như giá trị kinh tế. Theo báo cáo đánh giá thực tiễn, gai xanh AP1 cho năng suất bình quân 150 - 180 tấn/ha/năm, lợi nhuận từ 34.000.000 - 55.000.000 đ/ha, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa”.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, gai xanh AP1 là loại cây phát triển nhanh, dễ thích nghi và không kiêng đất, phù hợp với nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa, sản phẩm dễ bảo quản, trồng một lần cho thu hoạch nhiều lần, giúp nông dân tiết kiệm được tối đa chi phí đầu vào...
Theo chính sách phát triển vùng nguyên liệu năm 2017, Cty An Phước sẽ hỗ trợ giống cho người trồng gai AP1 là 11.200.000 đ/ha, đồng thời áp dụng thêm chính sách cho vay đối với diện tích trồng mới (giống 3.000.000 đ/ha; cày 4.000.000 đ/ha; phân bón 7.000.000 đ/ha) và gai lưu gốc (6.000.000 đ/ha). |