Triệu chứng đau đầu xuất phát từ nhiều bệnh khác nhau. Triệu chứng đau đầu, thống kê ở các nhà y học, thì ước tính chiếm khoảng 50% bệnh nhân tại các phòng khám. Triệu chứng đau đầu với nhiều nguyên nhân khác nhau, nên trước khi dùng thuốc cần cân nhắc một cách hết sức thận trọng.
Triệu chứng đau đầu có nhiều biểu hiện, từ ngoài sọ đến trong hộp sọ. Ở ngoài sọ là phần mềm da bọc hộp sọ, các mạch máu da đầu, các màng nhầy hốc mũi, các xoang, ống tai ngoài và tai giữa, khớp răng, các cơ mặt - cổ và khớp thái dương hàm. Tuy nhiều thành phần như vậy nhưng thực sự, các yếu tố chính có nhạy cảm với đau đầu là do cơ và do động mạch - tĩnh mạch.
Còn trong hộp sọ là yếu tố quan trọng, được cấu trúc có màng não, đi từ ngoài vào gồm màng cứng, màng nhện và màng mềm; bên trong là não bộ.
Về nguyên nhân của đau đầu thì đa dạng và phức tạp. Nguyên nhân từ nội sọ như bị u não, viêm màng não, co thắt mạch máu não đưa đến nhức nửa đầu. Nguyên nhân tại chỗ như tai – mũi – họng từ viêm các xoang, từ răng hàm mặt như sâu răng, lệch khớp cắn, từ mắt như rối loạn khúc xạ như bị cận thị, viễn thị, từ xương khớp như thoái hóa cột sống cổ.
Nguyên nhân toàn thân gồm rất nhiều bệnh nội khoa, thậm chí do tăng huyết áp hoặc bị táo bón. Ngoài ra còn do nguyên nhân tâm lý như làm việc quá căng thẳng, mất ngủ do công việc…
Theo bác sĩ Trần Quốc Long, vì tính chất phức tạp của đau đầu, nên người bệnh chỉ được sử dụng các thuốc giảm đau thông thường thuộc nhóm giảm đau nhóm 1, do Tổ chức Y tế thế giới đề xuất. Tức là người bệnh có thể tự mua và dùng thuốc thuộc nhóm Acetaminophen với nhiều tên biệt dược có mặt trên thị trường như Paracétamol, Tylenol, Dolipran, Dafalgan, Efferalgan, Aspirin hoặc một thuốc chống viêm không steroid, viết tắt NSAID như thuốc kháng viêm giảm đau ibuprofen hoặc naproxen.
Tuy nhiên, nên chọn Acetaminophen vì sự an toàn. Đặc biệt, ở những người có bệnh lý về dạ dày, hen suyễn và tim mạch thì không nên dùng thuốc Aspirin hay NSAID. Nếu sử dụng thuốc thì cần sử dụng thuốc giảm đau đúng liều lượng, với người lớn, liều thông thường của Acetaminophen là không nên quá 3g/ngày, mỗi lần 500-1.000mg, 3 lần/ngày.
Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém. Thời gian dùng Acetaminophen không quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em. Sau khi dùng thuốc giảm đau, nếu tình trạng nhức đầu không cải thiện hoặc tái phát, thì nhất thiết phải được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
Cũng có trường hợp xuất hiện triệu chứng đau đầu do thay đổi thời tiết. Nhiệt độ ngoài trời thay đổi quá nóng hoặc quá lạnh là nguyên nhân chính khiến tình trạng đau đầu. Trường hợp này thì cần giữ cho nhiệt độ cơ thể mát mẻ hoặc ấm khi thời tiết lạnh, có dùng thuốc cảm trị đau đầu, hạ sốt như Decolgen, Dodatalvic, Dianvita…
Còn với trường hợp có hội chứng đau nửa đầu, còn gọi là đau đầu Migraine, thì ứng phó ra sao? Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới, bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng lao động. Bệnh thuộc nhóm đau đầu mạn tính, có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não và cho đến nay vẫn chưa biết một cách chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh.
Thuốc điều trị cắt cơn đặc hiệu cổ điển là Ergotamin Tartrat viên 1mg, là một Ancaloid có tác dụng mạnh nhất của cựa lúa mạch, có tác dụng gây co mạch, chống mất trương lực động mạch - phù hợp với cơ chế bệnh sinh của Migraine.
Thuốc được dùng bằng đường uống hoặc đặt dưới lưỡi liều 1 viên, nhắc lại sau 30 phút nếu không đỡ. Với những cơn Migraine nhẹ và mới, có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như Aspirin, Paracetamol hay một số thuốc chống viêm không Steroid như Alaxan, Diclofenac, Profenid...
Cơn Migraine có thể điều trị dự phòng, dùng là Dihydroergotamine viên 1mg hoặc Tamik viên 3mg; thời gian dùng phải kéo dài ít nhất 6 tháng, có thể tới 1 năm.
Khi có triệu chứng đau đầu, chúng ta cần xác định hiện tượng này diễn ra có thường xuyên không? Cơn đau dữ dội hay âm ỉ? Có bị cảm hay bị căng thẳng gì không? Nếu chỉ thỉnh thoảng bị đau đầu do cảm hoặc căng thẳng mệt mỏi thì có thể tự khắc phục tạm thời được bằng cách dùng ngón tay cái ấn mạnh vào huyệt ở vùng thái dương để giảm đau, nghỉ ngơi/ Nếu không thuyên giảm thì dùng thuốc giảm đau thông thường. Các trường hợp khác cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.