| Hotline: 0983.970.780

Triệu phú trồng mai

Thứ Năm 08/01/2009 , 13:30 (GMT+7)

Ở Châu Phú nói về phong trào chơi mai kiểng, không ai qua được anh Trần Phú Nhuận...

Anh Nhuận bên cây bonsai trị giá hơn 10 triệu đồng

Nhiều người chơi mai ở Châu Phú – An Giang thật sự cảm phục anh Trần Phú Nhuận, sinh năm 1976, ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú. Nghệ nhân Phạm Phúc Giác, chủ vườn xương rồng ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú cho biết: “Ở Châu Phú nói về phong trào chơi mai kiểng, không ai qua được Trần Phú Nhuận".

Cây mai trên 150 tuổi

Cùng những thành viên trong câu lạc bộ hoa lan, cây cảnh thị trấn Cái Dầu qua khỏi trung tâm huyện hơn 1 km, chúng tôi đến nhà anh Phạm Phú Nhuận, anh đang tỉa cành các loại mai ghép với các thế khá “độc chiêu”, lạ mắt. Anh Nhuận giải thích chơi mai bây giờ không chỉ là làm đẹp nhà cửa trong ba ngày xuân mà còn là dịp chứng tỏ sự ăn nên làm ra của một số người trong dịp Tết nên mai phải lạ, càng độc đáo thì mới được giá, được săn nhiều.

Từ năm 2004 đến nay, phong trào chơi mai kiểng ở Châu Phú phát triển mạnh, các cây mai tạo dáng không nhất thiết theo sách cổ truyền như “nhất đế, nhì thân” mà giờ nên chọn những chậu mai vàng lâu năm, nhiều cành, thân phải có nhiều nhánh, hoa có từ 10 đến 12 cánh trở lên, nụ nở bung đều và phải có hương thơm, được uốn theo nhiều tầng, nhiều thế như: ngọa hổ tàng long, siêu phong, thế quyền, thác đổ, thế trực, rồng sà, phụng múa... Hiện nay, người chơi mai ở đồng bằng sông Cửu Long rất chuộng loại mai dão bầu Tân Châu. Ngoài cho bông màu vàng rực rỡ, mai còn có hương thơm đặc trưng và lâu tàn.

Anh Nhuận cho hay: Mặc dù, năm nay lúa rớt giá nhưng những ngày cận Tết phong trào chơi mai cũng không kém phần sôi động, một ngày có không dưới 10 đến 15 người đến tham quan, hỏi mua mai và nhờ tôi hướng dẫn kỹ thuật".

Nghệ nhân trẻ Phạm Phú Nhuận dẫn chúng tôi đi xem vườn mai trên 400 gốc được trồng trên diện tích hơn 1.000 m2, vừa đi anh vừa chuyện trò: “Cây mai trong vườn này thấp nhất cũng 1 triệu đồng. Cao nhất cây mai có tuổi thọ trên 150 tuổi, nhiều người đến ngã giá 300 triệu đồng, tôi vẫn chưa muốn bán. Đây là cây mai tôi sưu tầm được ở Bến Tre và cháu nội của chủ cây này đã gần 60 tuổi bán lại; cây có bề hoành 90 cm; chiều cao 4,5 m, đường kính tàn ngang 4m, trỗ bông màu vàng sậm, từ 8 đến 10 cành, Tết đến là trỗ vàng rực, không thấy lá, nhiều xe qua lại ghé chụp ảnh lưu niệm.

Say mê hoa kiểng từ nhỏ

Lên 12 tuổi, anh Nhuận đã thích trồng mai kiểng, mỗi lần xem trên lịch thấy cây kiểng có dáng đẹp là anh ngắm, quan sát thật kỹ và có ý tưởng phải làm một cây mai có hình dáng như thế. Ngoài nhặt hạt mai về ươm, anh còn dành dụm số tiền mỗi ngày ba mẹ cho đi học mua mai về trang trí trong nhà, chủ yếu Tết đến mai nở rực cho vui nhà, vui cửa. Sau mỗi buổi học căng thẳng là anh lại ngắm mai và cắt tỉa. Năm 1998, những người chơi mai ở Châu Phú không thể ngờ một cây mai vàng do chính tay anh Nhuận cắt tỉa bán được 14 triệu đồng.

Anh mừng thầm có lẽ đây cũng là cơ hội để mình có hướng làm ăn, nhưng ý tưởng đó đành khép lại. Anh lên đường học đại học Kỹ thuật Công nghệ thông tin TPHCM được 4 tháng thì cha mất. Hoàn cảnh khó khăn, Nhuận đành rời xa mái trường, vất vả đủ nghề từ làm lơ xe, tiếp thị lo cho 3 em khôn lớn, nhưng niềm đam mê mai kiểng vẫn đeo đẳng trong anh. Năm 2000, trong một dịp tình cờ trên đường đi tiếp thị nước ướp thịt ở thị trấn Nhà Bàng, anh thấy cây mai vàng có dáng đẹp liền ngồi xem, rồi mấy lần dạm hỏi nhưng chủ nhân quyết không bán. Một năm sau, thấy mỗi lần đi ngang anh lại ngó xem cây mai nên chủ nhân động lòng và ngã giá 4,5 triệu đồng. Không một xu dính túi. Anh liền đến nhờ bố vợ tương lai vay nóng mua bằng được. May mắn là nửa tháng sau, anh Nhuận đã bán cây mai trên được 11 triệu đồng. Số tiền lời đã giúp anh trả hết nợ, cưới được vợ và khởi nghiệp. Nhắc lại chuyện cũ, mắt anh Nhuận ánh lên niềm hạnh phúc.

Ban đầu anh mua khoảng 10 cây mai giá vài trăm nghìn đồng về cắt tỉa và tháp ghép, do chưa có kỹ thuật cây chết nhiều. Anh quan niệm “thiên hạ là sư phụ”, ngoài mua sách về cây cảnh tham khảo, anh còn chạy xe đạp đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và trong những phiên chợ Xuân ở Châu Đốc anh đều lân la học hỏi kỹ thuật. Những bậc thầy của anh không thể không nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (Bến Tre) và anh Lê Công Uy (Châu Đốc - An Giang) đã nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm cho anh. Cùng với niềm đam mê và chịu khó, rồi nghề lại dạy nghề, anh Nhuận nhanh chóng trưởng thành và được nhiều người tin tưởng đến nhờ anh nuôi mai thuê, mỗi năm bỏ túi không dưới vài chục triệu đồng.

Nhờ học được nhiều thế kiểng nên khi mua về anh tạo dáng rất mau, cây lời gấp đôi, gấp ba. Anh lại đi các tỉnh ĐBSCL mua mai vườn và dần dần mua cây xanh như: Chiếu thủy, kim quýt, cần thân, dừa tàu… đồng thời đến tận TP Hồ Chí Minh và đến những nhà vườn lớn trong và ngoài tỉnh học hỏi thêm kiến thức và tìm hiểu thị trường. Biết được người tiêu dùng rất thích cây mai “dảo bầu” nhiều bông, nhiều nhánh và bông phải lớn. Anh mua giống về ghép với cây mai nhà rất thành công. Mai anh trồng cho bông to, cánh đều, nhụy đặt và cánh tròn dầy. Đặc biệt, bông rất lâu tàn.

Năm 2008, Hội nông dân thị trấn Cái Dầu đã thành lập câu lạc bộ hoa lan, cây cảnh, anh Nhuận được anh em bầu chọn là Trưởng hội bon sai, với 70 thành viên đều là những người yêu thích cây kiểng. Không chỉ làm cho vườn nhà mình rực rỡ, anh Nhuận còn mong muốn tất cả hội viên đều nắm kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa và ghép bông cho mai vàng, làm sao ngày càng tạo ra được nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cho người đời chiêm ngưỡng.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.