Các chính sách cô lập và trừng phạt kinh tế từ LHQ cũng như các cường quốc đối với Triều Tiên, bắt nguồn từ chương trình phát triển hạt nhân và phóng tên lửa từ đầu năm 2017 đang ngày một gắt gao, cộng với tình hình sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn đang đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng lương thực.
Nông dân Triều Tiên trên cánh đồng ở tỉnh Nam Hwanghae |
Theo tờ South China Morning Post của Hồng Kông, từ nhiều năm qua chính phủ Triều Tiên luôn luôn phải trông chờ vào nguồn lương thực thiết yếu nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, từ đầu năm đến nay nước này đã xuất khẩu sang Triều Tiên với số lượng tăng một cách bất thường. Cụ thể là có tới 30 chủng loại lương thực xuất sang quốc gia láng giềng tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước, gồm ngô tăng 32 lần (từ 400 tấn lên 12.724 tấn); chuối từ 63,4 tấn lên 1.156 tấn; bột mì từ 0,6 tấn lên 7,6 tấn. Ngoài ra, tính đến hết quý 2 năm 2017 lượng nhập khẩu rượu mạnh của Triều Tiên từ Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần, từ 2,1 triệu lít lên 9,5 triệu lít so với cùng kỳ, chưa kể bia, sô cô la, và nhiều loại bánh kẹo khác đều tăng mạnh.
Riêng mặt hàng gạo hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo giới phân tích, rất có thể số lượng gạo nhập khẩu của Triều Tiên cũng sẽ tăng hơn gấp ba nếu lấy mốc 3,5 triệu tấn trong quý 2/2016, tức là vào khoảng 11 triệu tấn (?).
Theo Reuters, việc Trung Quốc, quốc gia có sức ảnh hưởng rất quan trọng đối với Triều Tiên cũng như đối tác thương mại hiếm hoi đã bắt đầu áp lệnh trừng phạt bằng việc cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên từ ngày 14/8 sẽ đẩy nước này lâm vào kiệt quệ. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu mang lại nhiều kim ngạch nhất của Triều Tiên xuất đi Trung Quốc là thủy hải sản năm ngoái đã mang về cho Bình Nhưỡng 190 triệu USD, chưa kể là nhiều mặt hàng quan trọng khác như quặng chì, kẽm... cũng bị Trung Quốc cấm nhập khẩu.
Giải thích cho hiện tượng gia tăng nhập khẩu lương thực bất thường của Triều Tiên, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do thiên tai gây mất mùa tại nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm của nước này từ năm ngoái đến nay. Theo ước tính của Cơ quan Lương nông LHQ (FAO), tổng sản lượng lương thực các loại có hạt và củ gồm ngũ cốc, đậu đỗ, khoai tây trong năm 2016 của Triều Tiên chỉ đạt 5,4 triệu tấn, giảm 9% so với năm 2014. Do vậy, nhận định quốc gia này đang trải qua khủng hoảng lương thực, tương tự như nạn đói những năm 1990 quay trở lại là có cơ sở bởi theo FAO, hiện tại quốc gia trên 25 triệu dân này thì cứ 5 người có 2 người thiếu đói và khoảng 70% dân số phải dựa vào các nguồn lương thực viện trợ từ nước ngoài.
Trước đó, một báo cáo của LHQ hồi tháng 3 cho biết, có khoảng 18 triệu người dân Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, gày ốm do thiếu thốn các nhu cầu cơ bản hàng ngày. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Cai Jian chuyên gia về các vấn đề Trung- Triều thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, bất chấp tình hình sản xuất trong nước bị đình trệ do thiên tai, mất mùa thì nhu cầu tiêu dùng của người dân Triều Tiên lại tăng rất mạnh và đặc biệt nạn chợ đen bùng nổ trong vài năm qua. Còn theo học giả chuyên theo dõi các hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên- Justin Hastings của Đại học Sydney, việc có rất nhiều mặt hàng khác nhau được nhập khẩu vào Triều Tiên, từ đồ quân dụng đến rượu mạnh đắt tiền chưa hẳn đã có thể khẳng định quốc gia đầy bí ẩn này đang thiếu đói.
Hôm qua, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã kêu gọi CHDCND Triều Tiên ngừng các hành động khiêu khích và quay trở lại bàn đàm phán. Lời kêu gọi từ Seoul phát đi trong bối cảnh trước đó Bình Nhưỡng đưa ra cảnh báo đối với cuộc tập trận thường niên chung giữa Mỹ và Hàn Quốc kéo dài 10 ngày từ 21/8 với sự tham gia của khoảng 17.500 binh sỹ Mỹ và 50.000 binh sỹ Hàn Quốc. |