Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) cho biết ông Kim Jong-un hôm 23/6 đã chủ trì một cuộc họp sơ bộ của Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Công nhân cầm quyền, quyết định hoãn lại kế hoạch hành động quân sự chống lại Hàn Quốc theo đề xuất của các nhà lãnh đạo quân sự.
Tuyên bố trên được đưa ra vào hôm nay (24/6). KCNA không nêu rõ lý do tại sao quyết định được đưa ra. Cơ quan này cũng cho biết các thảo luận của cuộc họp bao gồm thúc đẩy cuộc răn đe chiến tranh của Triều Tiên.
Trước đó, vào tuần trước, Triều Tiên từng tuyên bố mối quan hệ với Hàn Quốc rạn nứt hoàn toàn, quyết định phá hủy một văn phòng liên lạc hai miền trong lãnh thổ của mình và đe dọa hành động quân sự không xác định đối với Seoul.
Sau nhiều tuần gia tăng căng thẳng, các nhà quan sát cho rằng có thể Triều Tiên đang tìm cách kéo để có thời gian chiếm được sự nhượng bộ của Hàn Quốc.
Bình Nhưỡng có vẻ tìm kiếm thứ gì đó lớn từ Seoul, có thể là cam kết tiếp tục hoạt động tại một công viên nhà máy chung ở Kaesong, nơi đặt văn phòng liên lạc, hoặc khởi động lại các tour du lịch của Hàn Quốc đến khu nghỉ mát Diamond Mountain (Triều Tiên).
Nhưng Seoul sẽ không thể thực hiện các bước như vậy mà không làm xáo trộn các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân.
Chính phủ Hàn Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về báo cáo của Triều Tiên.
Đại diện công khai của Triều Tiên gần đây xử lý vấn đề liên quan tới Hàn Quốc là Kim Yo-jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người được xác nhận là quan chức hàng đầu của ông về các vấn đề liên Triều.
Đưa ra những tuyên bố gay gắt thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước, cô nói rằng việc phá hủy văn phòng liên lạc của miền Bắc sẽ chỉ là lần bước đầu tiên trong một loạt các hành động trả đũa chống lại kẻ thù Hàn Quốc và rằng cô sẽ để quân đội Triều Tiên thực hiện các bước kế tiếp.
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên, gần giống với Bộ Tổng tham mưu của các quốc gia khác, cho biết họ sẽ đưa quân tới các địa điểm hợp tác liên Triều ở Kaesong và Diamond Mountain và khởi động lại các cuộc tập trận quân sự ở các khu vực tiền tuyến.
Các bước như vậy sẽ vô hiệu hóa một loạt các thỏa thuận mà hai nước đạt được sau một loạt các hoạt động ngoại giao vào năm 2018, theo đó cấm họ thực hiện hành động thù địch với nhau.
Đã có những lo ngại rằng Triều Tiên có thể cố tình cho tàu thuyền vượt qua biên giới biển phía tây đang tranh chấp giữa hai bên, nơi từng là hiện trường của nhiều cuộc giao tranh trong những năm qua.
Lên án Hàn Quốc về việc Bình Nhưỡng bị những người đào thoát thả tờ rơi chống phá qua biên giới, Triều Tiên cho biết hôm 22/6 họ đã in 12 triệu tờ rơi tuyên truyền của riêng mình để trả đũa. Động thái này được coi là chiến dịch phát tờ rơi chống Seoul lớn nhất từ trước đến nay.
Triều Tiên có một lịch sử gây áp lực lên Hàn Quốc khi không đạt được những gì họ muốn từ Hoa Kỳ. Những bước đi gần đây của Bình Nhưỡng được đưa ra sau nhiều tháng thất vọng về việc Seoul không sẵn sàng thách thức các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu và khởi động lại các dự án kinh tế liên Triều giúp hỗ trợ nền kinh tế Triều Tiên đang suy sụp.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington bắt đầu diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm ngoái tại Việt Nam, nơi người Mỹ từ chối yêu cầu bỏ trừng phạt Triều Tiên để đổi lấy hoãn một phần chương trình hạt nhân.