| Hotline: 0983.970.780

Trồng chanh, bưởi công nghệ blockchain xuất khẩu đi Châu Âu

Thứ Bảy 07/08/2021 , 17:19 (GMT+7)

Nông dân tỉnh Hậu Giang đang thực hiện trồng chanh, bưởi theo công nghệ blockchain và tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đi châu Âu.

Trồng cây hướng đến xuất khẩu

Cây ăn quả hiện nay là ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 41.568 ha. Trong đó, chiếm diện tích lớn nhất là các loại cây có múi, với 14.431 ha, còn lại là mít, xoài, khóm, mãng cầu xiêm...

Tuy nhiên, diện tích trồng cây ăn trái được cấp giấy chứng nhận sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn khá khiếm tốn.

Cây ăn quả hiện nay là ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang, riêng cây có múi chiếm gần 14.500 ha. Ảnh: HP.

Cây ăn quả hiện nay là ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang, riêng cây có múi chiếm gần 14.500 ha. Ảnh: HP.

Để mở rộng diện tích trồng cây có múi đạt các chứng nhận và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính, Sở KH-CN Hậu Giang đã hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng các mô hình sản xuất thực hiện dự án Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh, bưởi năm roi, chanh không hạt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Châu Âu và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ blockchain.

Dự án nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn trái bền vững, nhất là cây có múi, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà vườn.

“Nông dân ngoài hợp tác xã khi tham gia dự án, sản xuất thành công sẽ được kết nạp thành xã viên. Từ đó, tạo thành chuỗi liên kết giá trị từ khâu sản xuất, thu mua, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đến tiêu thụ sang thị trường Châu Âu của sản phẩm bưởi và chanh”, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP Trần Bá Sơn cho biết.

Đây là dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2025.

Dự án được Bộ KH-CN ủy quyền cho địa phương quản lý, bắt đầu thực hiện từ năm 2022. Thạc sỹ Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP được giao làm chủ nhiệm dự án và các xã viên hợp tác xã áp dụng vào sản xuất thực tế trên diện tích của đơn vị.

Thạ sỹ  Trần Bá Sơn cho biết, mục tiêu của dự án sẽ phát triển 150 ha chuyên trồng bưởi và chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, với thời gian thực hiện là 36 tháng. Toàn bộ sản phẩm làm ra sẽ được hợp tác xã bao tiêu và xuất khẩu đi Châu Âu.

Dự án sẽ tập trung đào tạo nông dân và kỹ thuật viên về quy trình sản xuất bưởi và chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Smeta và sử dụng thành thạo công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và tiếp nhận các quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch bưởi và chanh. 

Trồng bưởi VietGAP trên vùng đất phèn, mặn

Trước đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở KH-CN Hậu Giang) cũng đã thành công với dự án Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ. Dự án bắt đầu từ cuối năm 2017, đã giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao giá trị, tăng nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác.  

Dự án thành công, nhưng nữ kỹ sư chủ nhiệm dự án Trịnh Hồng Nhung vẫn không quên những khó khăn mà nhóm triển khai thực hiện thời gian đầu. Bởi nhiều người dân nơi đây không tin rằng, đối với vùng đất phèn mặn của địa phương mà có thể trồng được cây bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP. Vì vậy, vừa tập huấn kỹ thuật vừa phải thuyết phục bà con đồng thuận thực hiện nhiệt tình.

Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ, mang lại niềm vui lớn cho nhà nông. ảnh: HP.

Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng chuyên canh bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Long Mỹ, mang lại niềm vui lớn cho nhà nông. ảnh: HP.

Nông dân Trần Văn Tôn, có hơn 1 ha bưởi da xanh nằm trong dự án và là Giám đốc Hợp tác xã Tiến Nông, ở ấp 2, Thị trấn Vĩnh Viễn, cho hay: Sau thời gian dài bỏ công sức thực hiện, nay nông dân nơi đây đã thu về thành quả khi những vườn bưởi da xanh cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo tính toán của nhà vườn, với những vườn bưởi đang xanh tốt và có từ 3 - 4 năm tuổi như trong mô hình, có thể cho năng suất khoảng 20 tấn trái/ha. Khi chưa bị ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19, giá bán bình quân khoảng 35.000 đồng/kg, doanh thu lên đến 700 triệu đồng/năm. Đây được xem là mức thu nhập ngoài sức tưởng tượng đối với người dân vùng đất phèn, mặn như huyện Long Mỹ.

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt các quy trình về sản xuất bưởi an toàn thực phẩm nên toàn bộ gần 22 ha bưởi da xanh của bà con nằm trong dự án được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với chứng nhận này, đã giúp trái bưởi nơi đây tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và hình thành nguồn hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi Châu Âu.

Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã có 8 sản phẩm cây ăn quả được chứng nhận nhãn hiệu, gồm: bưởi năm roi Phú Thành, Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cam xoàn Phụng Hiệp, xoài cát Hậu Giang, mãng cầu xiêm Hậu Giang.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.