| Hotline: 0983.970.780

Trồng gần 20.000 cây gỗ lớn phủ xanh hơn 18 ha rừng đặc dụng

Thứ Tư 15/03/2023 , 12:54 (GMT+7)

Gần 20.000 cây thuộc 24 loài gỗ quý hiếm được trồng tại Vườn Quốc Gia Bến En, phủ xanh hơn 18 ha rừng đặc dụng.

Người dân địa phương hứng khởi trồng cây bảo vệ rừng. 

Người dân địa phương hứng khởi trồng cây bảo vệ rừng. 

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, từ đầu tháng 2, Gaia đã bắt đầu thực hiện các hoạt động đầu tiên trong hành trình trồng hơn 20.000 cây gỗ lớn bản địa, với những công việc đầu tiên như chọn giống và phát dọn thực bì, chuẩn bị khu vực trồng rừng.

Hoạt động này cũng đã nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp như  Nestlé, VNPAY, Cibes, Saitex và 590 cá nhân, nhóm trên khắp Việt Nam. Qua đó, sẽ giúp phủ xanh hơn 18 ha rừng đặc dụng, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như tạo nơi sinh sống an toàn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của nhân loại với hàng loạt những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt… Việt Nam là 1 trong 6 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi Khí hậu. Để ứng phó tương lai bất ổn về khí hậu, Việt Nam đã có những động thái quyết liệt như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) và Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.

Trồng rừng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam và thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm kêu gọi các quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững, ngày 21/3 hằng năm được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Liên hợp quốc đã chọn đồng thời là Ngày Thế giới trồng cây và Ngày Quốc tế về Rừng từ năm 2013.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và chặn đứng suy thoái đa dạng sinh học, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia hiện ưu tiên triển khai chương trình "Trồng và phục hồi rừng đặc dụng đầu nguồn", trong đó, tiêu biểu là chương trình "Góp 1 cây là góp rừng", với sự chung sức của các doanh nghiệp, cá nhân khắp Việt Nam.

Cán bộ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia trồng cây khôi phục rừng đầu nguồn tại Vườn Quốc Gia Bến En cùng người dân địa phương. 

Cán bộ Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia trồng cây khôi phục rừng đầu nguồn tại Vườn Quốc Gia Bến En cùng người dân địa phương. 

Là một trong những doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình này, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, với vai trò là một doanh nghiệp vì cộng đồng, Nestlé Việt Nam luôn đặt nhiều tâm huyết cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững và đảm bảo các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

"Đây là năm thứ 2, Nestlé Việt Nam phối hợp với Trung Tâm Bảo Tồn Thiên Nhiên Gaia tổ chức chương trình “Ăn Tết xanh, đón lộc lành”. Qua chương trình, chúng tôi tự hào được đóng góp 7.800 cây cho Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn quốc gia Cúc Phương, đồng thời tổ chức các chương trình trải nghiệm cho người tiêu dùng để lan tỏa các thông điệp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chúng tôi hy vọng rằng, những đóng góp lần này sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng hành động vì một Việt Nam xanh hơn”, ông Binu Jacob nói.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, trước những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, cả thế giới đang gấp rút chuyển dịch và hành động để ứng phó và thích nghi. Vì vậy, sự góp sức của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước càng trở nên ý nghĩa, hiệu quả, giúp khôi phục các khu rừng, tăng cường chức năng sinh thái của rừng và do đó tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Người dân địa phương thực hiện phát quang, xử lý thực bì trước khi trồng rừng Bến En.

Người dân địa phương thực hiện phát quang, xử lý thực bì trước khi trồng rừng Bến En.

"Các hoạt động trồng rừng cùng Gaia còn tạo ra nhiều giá trị cộng thêm cho hệ sinh thái và con người. Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị đều có thể hành động ngay bây giờ, cùng hướng tới một hệ sinh thái khỏe mạnh, một Việt Nam xanh và bền vững hơn”, bà Huyền nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết thêm, để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ cây sống tối thiểu là 70-85% sau 4 năm, các khu rừng sẽ được theo dõi, và chăm sóc trong vòng 4 năm bởi Gaia phối hợp cùng Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn Quốc gia Bến En và Vườn quốc gia Cúc Phương.

Các đơn vị sẽ phối hợp thực hiện hoạt động giám sát khu rừng và công khai báo cáo hàng năm về tỷ lệ sống của cây, độ lớn của cây, tình trạng phát triển của khu rừng, bộ ảnh giám sát cây, ảnh giám sát khu rừng, hiện trạng các loài động thực vật trong khu rừng...

Theo thống kê, đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 42%, tương ứng với 16 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70,8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.