Trên cánh đồng thôn 1 Kinh Giao, xã Tân Tiến, huyện An Dương (TP Hải Phòng) những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, gia đình ông Đỗ Văn Sanh luôn tấp nập người đến mua hoa, thăm quan chụp ảnh vườn hoa.
Nhìn những cánh đồng hoa tươi tốt, được đầu tư bài bản này, khó có thể tin rằng, trước kia nơi đây là diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả. Ông Sanh cho hay, do yêu thích nghề trồng hoa nên nhiều năm qua đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo, quy hoạch vùng sản xuất.
Đặc biệt, trong năm 2022, gia đình được Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng lựa chọn hỗ trợ để triển khai thí điểm mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa, nhờ đó đã khắc phục được khó khăn về kỹ thuật, về giống, vốn, xây dựng hiệu quả mô hình.
Tham gia mô hình, hộ ông Sanh được hỗ trợ 50% vật tư sản xuất gồm củ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giống hoa được lựa chọn trồng là hoa lay ơn và hoa lily được nhập khẩu từ Hà Lan nên các đặc tính về sinh trưởng phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và chất lượng hoa đều vượt trội so với giống sản xuất trong nước.
Mô hình cũng sử dụng trọn bộ phân hữu cơ sinh học, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe người sản xuất. Sử dụng màng phủ 2 mặt giúp diệt cỏ, giữ độ ẩm cho đất, giảm thất thoát phân bón, giảm công lao động, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đáng chú ý, trong suốt quá trình trồng, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã cử 2 cán bộ kỹ thuật trực tiếp phụ trách mô hình, đồng hành chặt chẽ với chủ hộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, quản lý cho đến thu hoạch.
Nhờ được đầu tư quy mô, làm chủ về kỹ thuật trồng, mô hình đã khắc phục được những tác động của thời tiết, bệnh hại, cho hiệu quả kinh tế tốt.
Đối với hoa lay ơn, tổng thu nhập ngày thường đạt trên 1,2 tỷ đồng/ha, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được đạt gần 590 triệu đồng/ha; riêng với thời điểm Tết, lợi nhuận có thể lên tới trên 2,1 tỷ đồng/ha.
Với cây hoa lily, thu nhập ngày thường đạt khoảng 3,75 tỷ đồng/ha, lợi nhuận thu được ngày thường đạt gần 940 triệu đồng/ha, ngày Tết lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/ha.
Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương trong phát triển kinh tế. Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, việc xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất một số loại hoa có giá trị kinh tế cao trên đất trồng lúa kém hiệu quả là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Thành phố Hải Phòng và của Bộ NN-PTNT. Qua đó, mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất, từng bước hình thành các vùng chuyên sản xuất hoa tại các địa phương có diện tích phù hợp, hướng tới phát triển các khu du lịch sinh thái tại Hải Phòng...