Những ngày này, đi dọc vùng trồng hoa ở xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) có thể cảm nhận được không khí ảm đạm bao trùm khi nhiều diện tích hoa lay ơn phục vụ Tết của người dân nơi đây đang bị hư hại nặng. Người trồng hoa như “ngồi trên đống lửa” vì số tiền họ bỏ ra đầu tư có nguy cơ mất trắng khi một số vườn hoa đã bị chết héo.
Vụ Tết này, gia đình ông Huỳnh Văn Hùng (trú thôn Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà) bỏ ra 12 triệu đồng để mua giống hoa lay ơn từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) về trồng trên diện tích 1 sào (sào 500m2). Thời gian đầu, cây sinh trưởng, phát triển đồng đều. Tuy nhiên khi hoa đạt chiều cao từ 20 – 25cm thì bất ngờ bị sâu bệnh phá hoại.
Ông Hùng cho biết, biểu hiện bệnh ban đầu của vườn hoa lay ơn là bị vàng lá, trên mặt lá xuất hiện những đốm trắng nhỏ rồi héo dần và chết. Để tránh lây lan, ngày nào ông Hùng cũng ra vườn, cắt tỉa những lá, cây bị bệnh nhưng hiệu quả không đáng kể. Nguy cơ vụ hoa này trắng tay là không thể tránh khỏi.
“Giờ cứu được cây nào mong vớt vát được chừng nào tốt chừng đó. Nếu còn sống được khoảng 30% thì mới lấy lại vốn được nhưng cũng rất khó. Những cây còn sống hiện nay rất ít mà chậm lớn, khả năng cũng không có hoa, nếu có chắc cũng không đạt. Lường trước điều này nên tôi đã trồng xen rau xà lách trên diện tích này để mong bù lại vốn”, ông Hùng buồn bã.
Theo các hộ dân trồng hoa lay ơn ở xã Nghĩa Hà, vụ hoa Tết năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người trồng không dám xuống giống nhiều, cùng với giá hoa giảm nên các chủ vườn chỉ hòa vốn hoặc lãi ít. Năm nay, khi dịch bệnh không còn, người dân hi vọng sẽ có một vụ hoa Tết thắng lợi.
Mặc dù vậy, đến thời điểm cuối năm, thời tiết bất thường, mưa nhiều đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, khiến nhiều diện tích bị hư hại. Người trồng hoa nơi đây lại tiếp tục đứng trước một vụ hoa thất bát. Nhiều gia đình lo mất Tết vì cả năm chỉ trông chờ vào vụ hoa này.
Vườn hoa lay ơn vụ Tết của gia đình anh Hồ Hồng Bình (trú thôn Hổ Tiếu, xã Cẩm Hà) đầu tư hơn 80 triệu đồng tiền giống (chưa tính chi phí phân bón, công chăm sóc) cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng khi 50% diện tích bị hư hại. Để cứu vãn tình thế, những ngày qua, anh Bình phải thường xuyên phun thuốc và bón thêm phân để kích thích cho cây hoa phát triển. Mặc dù vậy, thời tiết mưa lạnh kéo dài nên những biện pháp xử lý này cũng không mang lại nhiều kết quả khả quan.
“Không chỉ riêng nhà tôi mà hầu như vườn hoa của các hộ dân trong vùng đều gặp tình trạng tương tự. Biểu hiện chung của các vườn là vàng lá, tím thân, thối rễ khiến cây ngừng phát triển rồi sau đó chết hàng loạt. Chỉ còn gần nửa tháng nữa thôi là đến Tết rồi, nhưng cứ ngày nào cũng có thêm hoa chết. Không biết số còn lại có trụ được và phát triển để đáp ứng thị trường không”, anh Bình không giấu được sự lo lắng.
Theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà, toàn xã có 11 thôn, đa phần các thôn đều có nghề trồng hoa Tết. Đây là làng hoa nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi với diện tích tập trung khoảng 30ha. Các hộ dân ở đây sống phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng hoa, nhất là hoa lay ơn dịp Tết.
“Sâu bệnh hại phát triển mạnh nên vụ hoa Tết năm nay ở địa phương thiệt hại đến gần 50%. Nhiều hộ dân đã phải nhổ bỏ khi phát hiện bệnh trên cây. Dù nông dân đã bón phân, chăm sóc, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên hoa chậm phát triển. Một số chủ vườn đã phải trồng xen canh các cây trồng ngắn ngày khác với hi vọng gỡ gạc phần nào đồng vốn. Nếu giá hoa Tết năm nay không ổn định thì thiệt hại cho người trồng hoa là rất lớn”, bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà nói.