| Hotline: 0983.970.780

Trồng keo gỗ lớn: 'Cái khó bó cái khôn'!

Thứ Sáu 08/04/2022 , 07:35 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Trồng keo gỗ lớn cho giá trị, lợi nhuận cao, chất lượng rừng được cải thiện, phục vụ tốt cho định hướng của công nghiệp chế biến gỗ... Thế nhưng, 'cái khó bó cái khôn'.

Cây keo chưa phát huy hết tiềm năng

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh có diện tích rừng trồng gần 127.000 ha, thêm vào đó là còn 40.000 ha rừng trồng mới chưa thành rừng, chủ yếu là cây keo. Hàng năm, các tổ chức, cá nhân trồng rừng ở Bình Định khai thác, trồng mới đến hơn 10.000 ha keo. Càng ngày, cây keo càng cho thấy vai trò quan trọng trong kinh tế rừng của tỉnh này, nhất là khi cây keo được xem là “cứu cánh” về gỗ nguyên liệu trong ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của Bình Định.

Khai thác keo gỗ nhỏ người trồng rừng thiệt thòi lớn do năng suất, giá trị thấp. Ảnh: V.Đ.T.

Khai thác keo gỗ nhỏ người trồng rừng thiệt thòi lớn do năng suất, giá trị thấp. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Tuy nhiên những năm qua, cây keo ở Bình Định chưa phát huy hết tiềm năng. Hầu hết rừng trồng keo của hộ gia đình ở Bình Định đều được khai thác non để bán cho những cơ sở chế biến dăm gỗ xuất khẩu với giá trị thấp, nguyên nhân bởi họ không đủ năng lực tài chính để nuôi rừng gỗ lớn. Trong khi nếu chăm sóc thêm thời gian để thành rừng gỗ lớn thì giá trị của cây keo sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Theo phân tích của ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Quản lý - Bảo vệ và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Bình Định), nếu rừng keo mới 5 năm đã khai thác thì mức doanh thu của người trồng rừng chỉ khoảng 120 triệu đồng/ha. Nhưng nếu nuôi thành rừng gỗ lớn, bán cho các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu làm gỗ nguyên liệu thì mức doanh thu tăng lên đến 250 triệu đồng/ha. Khai thác rừng keo non, trước tiên, người trồng rừng bị thiệt thòi về thu nhập, bởi giá trị gỗ nhỏ rất thấp. 

Theo ông Lâm, hiện nay người trồng keo đại đa số chỉ thu hoạch keo ở tuổi 5 - 6, thậm chí tuổi 4. Nếu nuôi rừng thêm 5 năm để thành rừng gỗ lớn, người trồng rừng không tốn chi phí là bao nhiêu, chủ yếu chỉ tốn công chăm sóc. Bởi lẽ, trong 5 năm sau cây keo ăn ít dinh dưỡng hơn, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, chất lượng gỗ tốt hơn, tỷ trọng cây gỗ cao hơn.

Gỗ keo đủ kích cỡ có thể sử dụng làm gỗ nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

Gỗ keo đủ kích cỡ có thể sử dụng làm gỗ nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

"Nếu khai thác gỗ keo non, mỗi khối tỷ trọng gỗ chỉ đạt 0,7 tấn thì khai thác cây gỗ lớn tỷ trọng gỗ sẽ tăng lên, 1 khối đạt đến 1 tấn. Khi rừng keo thành cây gỗ lớn, sẽ được các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn thu mua với giá cao để làm gỗ nguyên liệu. Như vậy, người trồng rừng được lợi kép”, ông Nguyễn Đình Lâm phân tích.

Phát triển trồng keo gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC

Bài liên quan

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng trồng, từ năm 2018, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2440/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2035 Bình Định sẽ có 30.000 ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

Từ đó, ngành lâm nghiệp Bình Định hướng đến mục tiêu phát triển và sử dụng rừng bền vững, có hiệu quả, nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu lâm sảm cho người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt là ổn định xã hội tại các vùng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời bảo đảm vai trò phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp dịch vụ môi trường.

Ngành chức năng Bình Định kiểm tra cây keo giống trước khi vào mùa trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng Bình Định kiểm tra cây keo giống trước khi vào mùa trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Để thực hiện đề án phát triển rừng gỗ lớn sản xuất theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến, tiêu thụ và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, Bình Định đã lấy các công ty lâm nghiệp trực thuộc tỉnh làm mẫu hình đi đầu.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là đơn vị tiên phong đầu tư trồng rừng gỗ lớn theo chuỗi khép kín từ chọn và ươm giống, đầu tư công nghệ và kinh phí nhằm nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững, đáp ứng các quy định khắt khe theo chuẩn quốc tế.

"Ngoài ra, trên địa bàn Bình Định hiện nay còn có Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tham gia trồng rừng gỗ lớn, tiến tới chứng chỉ FSC. Thực tế cho thấy, lợi nhuận từ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cao hơn rừng chưa được cấp chứng chỉ từ 20 - 30 triệu đồng/ha”, ông Phúc cho hay.

Theo ông Trần Nguyên Tú, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, vào cuối năm 2020, Công ty đã chính thức được Tổ chức GFA (Cộng hòa Liên bang Đức) cấp chứng chỉ rừng FSC cho 4.183,6 ha/8445,44 ha rừng và đất rừng mà Công ty đang quản lý.

Gỗ keo kích cỡ lớn được doanh nghiệp chế biến đồ gỗ thu mua làm gỗ nguyên liệu. Ảnh: V.Đ.T.

Gỗ keo kích cỡ lớn được doanh nghiệp chế biến đồ gỗ thu mua làm gỗ nguyên liệu. Ảnh: V.Đ.T.

“Việc đón nhận chứng chỉ FSC giúp sản phẩm từ rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn có giá trị kinh tế cao khi tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Đây là bệ đỡ để trong thời gian tới Công ty đầu tư một nhà máy chế biến theo chuỗi từ sản xuất cây giống chất lượng cao, trồng rừng, quản lý rừng bền vững và chế biến gỗ. Đồng thời góp phần tạo vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của địa phương”, ông Tú chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, hiện 3 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia trồng rừng gỗ lớn được gần 2.700 ha, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong tỉnh, đến năm 2035 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu gỗ nguyên liệu.

Bình Định sẽ phấn đấu tăng năng suất rừng trồng đạt bình quân từ 25 - 30m3/ha/năm đối với cây gỗ lớn; nâng cao chất lượng, tăng năng suất rừng trồng để đạt trữ lượng gỗ lớn từ 190 - 240m3/ha đối với rừng trồng 12 năm và 100 - 120 m3/ha đối với rừng trồng 7 năm; sản lượng gỗ lớn bình quân đạt tỷ lệ 50 - 60%.

Cần chính sách hỗ trợ vốn

Thực tế cho thấy, nếu trồng keo nuôi rừng gỗ lớn, người trồng rừng cần phải có kinh phí để đầu tư vì thời gian cây đứng dài gấp đôi. Thêm vào đó là nỗi lo những cánh rừng trồng phải đối mặt với gió bão và nạn cháy rừng. Đây chính là những vướng mắc lớn trong nỗ lực phát triển rừng keo gỗ lớn ở Bình Định.

Cây keo được nuôi thành rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh. Ảnh: V.Đ.T.

Cây keo được nuôi thành rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh. Ảnh: V.Đ.T.

Trong xu hướng phát triển rừng keo gỗ lớn hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân trồng rừng ở Bình Định rất muốn nuôi rừng gỗ lớn để tăng thêm hiệu quả kinh tế, thế nhưng họ vẫn đắn đo, bởi họ cần những cánh rừng của họ được bảo hiểm và cần chính sách hỗ trợ về vốn để đầu tư dài hạn, đây là hiện là những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Theo ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, mức đầu tư cho 1 ha rừng keo trồng suốt chu kỳ 7 năm là 40 triệu đồng, chiếm 80% trong đó là đầu tư cho năm đầu tiên, khi mới trồng cây giống. Đó là mức đầu tư theo dự toán, còn mức đầu tư thực tế có thể thấp hơn 10 triệu đồng/ha. Bởi trong những năm tiếp theo, nếu cánh rừng nào bị thực bì xâm lấn thì mới tốn công dọn, nếu không thì không cần phải làm; hoặc nếu chỗ nào đất tốt thì không cần bón phân, chỉ bón phân những nơi đất xấu, cây rừng còi cọc. Tuy nhiên, để nuôi rừng keo gỗ lớn với chu kỳ từ 10 - 12 năm thì rất cần đến vốn. Trong khi hiện nay chưa thấy nguồn vốn ưu đãi nào dành cho trồng rừng gỗ lớn.

Những hộ trồng rừng gỗ lớn cần chính sách hỗ trợ vốn để đầu tư thời gian dài. Ảnh: V.Đ.T.

Những hộ trồng rừng gỗ lớn cần chính sách hỗ trợ vốn để đầu tư thời gian dài. Ảnh: V.Đ.T.

“Nuôi rừng keo gỗ lớn ngoài cần đến vốn, còn lo nạn cháy rừng và bão tố làm gãy đổ cây rừng, thế nhưng hiện nay chưa có đơn vị nào bán bảo hiểm rừng trồng nên đây là mối lo lớn cho những đơn vị, cá nhân đang nuôi rừng gỗ lớn.

Riêng tiền bảo bảo vệ rừng tự nhiên của Công ty năm 2021 Nhà nước còn nợ gần 4 tỷ đồng, đến nay đã qua quý I/2022 mà chưa thấy chi trả. Hiện nay, để bảo vệ rừng tự nhiên, Công ty phải lấy vốn kinh doanh ra thực hiện, hoặc vay mượn bên ngoài. Trong tình cảnh này, Công ty khó duy trì rừng keo gỗ lớn, bởi càng lâu khai thác rừng thì Công ty không có tiền để hoạt động. Vì vậy, rất cần có chính sách hỗ trợ vốn, như thế may ra phong trào trồng keo lấy gỗ lớn mới mạnh lên được”, ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.