| Hotline: 0983.970.780

Cây keo cần được quy hoạch với trồng rừng gỗ lớn

Thứ Tư 06/04/2022 , 07:05 (GMT+7)

Nhu cầu trồng cây keo lớn dẫn đến xuất hiện những cơ sở sản xuất giống không đạt tiêu chuẩn, bà con trồng với hình thức tự phát, không theo khuyến cáo của địa phương.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, cây keo là một trong những cây trồng rừng sản xuất chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc phát triển cây keo còn gặp nhiều hạn chế. Để tìm ra những hướng đi bền vững, giá trị cao cho cây keo trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo đã có những chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Trồng ồ ạt với mật độ dày, chu kì ngắn

Ông có thể đánh giá về vị trí của cây keo trong ngành lâm nghiệp hiện nay cũng như những vấn đề mà cây trồng này đang gặp phải?

Tính đến hết năm 2021, theo thống kê của các địa phương, trong cơ cấu các loài cây trồng rừng sản xuất, các loài keo có diện tích hơn 2,2 triệu ha, chiếm 60,1%; các loài bạch đàn có hơn 330.000 ha, chiếm 9,08%; các loài thông có hơn 250.000 ha, chiếm 6,82%; cao su có hơn 222.000 ha, chiếm 6,02%; các loài cây còn lại gần 665.000 ha, chiếm 17,98%.

Từ số liệu thống kê trên cho thấy, keo là loại cây trồng rừng sản xuất chủ lực của Việt Nam hiện nay do có biên độ sinh thái rộng, thích hợp trồng tất cả các vùng sinh thái.

Nhiều nơi, người dân trồng keo với mật độ rất dày đặc, chưa thực hiện theo quy trình kỹ thuật đối với trồng keo lấy gỗ. Ảnh: NNVN.

Nhiều nơi, người dân trồng keo với mật độ rất dày đặc, chưa thực hiện theo quy trình kỹ thuật đối với trồng keo lấy gỗ. Ảnh: NNVN.

Bài liên quan

Đồng thời, keo là loài sinh trưởng nhanh, sản phẩm đầu ra được thị trường ưa chuộng phục vụ nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu. Hơn nữa, cây keo có thể sinh trưởng ở những điều kiện khắc nghiệt mà những loài khác không thể, nhanh mang lại thu nhập cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng nên rất phù hợp với điều kiện của người trồng rừng, đặc biệt là các hộ gia đình không có vốn đầu tư dài hạn.

Những năm gần đây, tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam tăng rất nhanh. Năm 2021 xuất khẩu đạt gần 16 tỷ USD. Một trong những yếu tố góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu đến từ việc Việt Nam đang dần tự chủ được nguồn nguyên liệu chế biến.

Cụ thể, rừng trồng trong nước có thể cung cấp hơn 70% nguồn nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ, trong đó cây keo đóng vai trò chủ lực. Cây keo cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân.

Về mặt sinh thái, nếu được trồng đúng kỹ thuật, cây keo sẽ có tác dụng cải tạo đất. Với sự nghiên cứu của các nhà khoa học, hàng chục giống keo có năng suất vượt trội, thích nghi với điều kiện lập địa khác nhau đã được công nhận và được trồng trên cả nước với biên độ rộng. Qua đó phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng của Việt Nam.

Trong thời gian qua, cây keo luôn được xác định là một trong những cây trồng chính, chủ lực của nước ta với nhiều đặc tính ưu việt, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu ngày càng ổn định và phát triển, phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất của người dân.

Cây keo luôn được xác định là một trong những cây trồng chính của nước ta.  Ảnh: NNVN.

Cây keo luôn được xác định là một trong những cây trồng chính của nước ta.  Ảnh: NNVN.

Tuy nhiên, với biên độ sinh thái rộng, giá thành sản xuất tương đối thấp nên cây keo được trồng phổ biến tại nhiều nơi trên cả nước là một trong những hạn chế hiện nay. Tại một số địa phương, việc phát triển cây keo không đi kèm với những hướng dẫn kỹ thuật dẫn đến người dân có thể trồng phải những nguồn giống không rõ nguồn gốc làm cho cây sinh trưởng kém, hiệu quả kinh tế thấp.

Ngoài ra, việc trồng rừng tập trung với mật độ dày trên địa hình quá dốc, những nơi có nguy cơ xảy ra gãy đổ cao, đi kèm với biện pháp trồng keo không đúng kỹ thuật sẽ dẫn đến hiện tượng sạt lở đất hoặc làm giảm chất lượng đất.

Hiện nay, người dân có xu hướng trồng cây keo với chu kỳ canh tác ngắn, trồng gỗ nhỏ để băm dăm. Đặc biệt tại dải ven biển miền Trung, người dân trồng cây keo với mật độ rất dày, chỉ trong khoảng 5 - 6 năm đã khai thác bằng phương pháp “chặt trắng”, sau đó đốt thực bì toàn diện nên chất lượng đất đã bị suy thoái, dẫn đến năng suất cũng như hiệu quả kinh tế trong những lần trồng sau bị giảm đi nhiều.

Quy hoạch cây keo với trồng rừng gỗ lớn

Vậy những tồn tại, khó khăn đó đến từ nguyên nhân nào, và chúng ta cần phải có những giải pháp khắc phục như thế nào, thưa ông?

Do keo là loại cây dễ trồng, giống dễ sản xuất, nguồn cung dồi dào, thị trường mua bán gỗ keo lớn nên đã tạo ra sức hút để bà con tận dụng những diện tích đất trống, đồi trọc để trồng cây keo. Nhu cầu trồng keo lớn nên đã xuất hiện những cơ sở sản xuất giống không đạt tiêu chuẩn, bà con trồng với hình thức tự phát, không theo khuyến cáo của địa phương.

Chất lượng giống keo nhìn chung hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tập trung cải thiện. Ảnh: TL.

Chất lượng giống keo nhìn chung hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tập trung cải thiện. Ảnh: TL.

Theo đó, ngoài công tác quản lý giống, các địa phương cũng cần tuyên truyền để người dân trồng rừng theo đúng kỹ thuật, sử dụng giống đúng nguồn gốc, đảm bảo chất lượng để vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao giá trị kinh tế của cây keo. Ví dụ như trồng rừng gỗ lớn, kéo dài chu kỳ sẽ giúp hệ rễ bám sâu hơn. Biện pháp kỹ thuật không phát đốt toàn diện sẽ nâng cao khả năng phòng hộ và tái tạo sức sản xuất của đất.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ những hướng dẫn kỹ thuật cũng như những tiêu chuẩn trong công tác trồng rừng keo. Tuy nhiên từ những hướng dẫn kỹ thuật trên văn bản đến triển khai, áp dụng thực tế cần sự vào cuộc từ cơ quan tham mưu tại các địa phương trong việc triển khai những chương trình trồng rừng.

Cùng với đó, các địa phương cần quy hoạch diện tích rừng trồng sản xuất, rừng trồng phòng hộ cụ thể. Đồng thời, trồng rừng phải đi kèm với vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến mới có thể nâng cao giá trị kinh tế. Các nhà máy chế biến thu mua nguyên liệu cũng có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất để đảm bảo việc cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài.

Nhu cầu trồng keo lớn nên đã xuất hiện những cơ sở sản xuất giống không đạt tiêu chuẩn, bà con trồng với hình thức tự phát, không theo khuyến cáo của địa phương. Ảnh: NNVN.

Nhu cầu trồng keo lớn nên đã xuất hiện những cơ sở sản xuất giống không đạt tiêu chuẩn, bà con trồng với hình thức tự phát, không theo khuyến cáo của địa phương. Ảnh: NNVN.

Thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có những định hướng và giải pháp nào để có thể phát triển cây keo một cách bền vững, thưa ông?

Trong thời gian tới, cây keo vẫn được xác định là một cây trồng chủ lực để cung cấp nguyên liệu trong ngành lâm nghiệp. Theo đó, công tác giống của cây keo sẽ được tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm, công nhận những giống năng suất cao và có thể thích nghi với nhiều điều kiện lập địa khắc nghiệt khác nhau để phục vụ trồng rừng phòng hộ với vai trò là cây tiên phong, thay thế dần những cây bản địa.

Đối với công tác quản lý, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật tới người dân; đẩy mạnh khuyến cáo cho người dân phương thức trồng keo đúng kỹ thuật và các biện pháp xử lý thực bì sau canh tác, đảm bảo sự phục hồi của đất, đảm bảo khả năng phòng hộ của rừng keo.

Đồng thời, để nâng cao chuỗi giá trị theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2050, Tổng cục sẽ đẩy mạnh rừng trồng gỗ lớn với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp để nâng cao sức sản xuất và sức phòng hộ của rừng keo.

Song song đó, Tổng cục sẽ xây dựng, quy hoạch các vùng chế biến, thu mua lâm sản để đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất lâu dài cũng như nâng cao giá trị sản xuất, tránh việc trồng ồ ạt tại vùng có độ dốc cao, làm giảm giá trị kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường.

“Định hướng của ngành lâm nghiệp trong thời gian tới đối với cây keo là tiếp tục tuyển chọn, chọn tạo những cây có năng suất, ưu thế, thích nghi với nhiều điều kiện sinh thái. Đồng thời, tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu, chọn tạo những loại cây khác để đa dạng loại cây trồng, đa dạng nguồn nguyên liệu, đặc biệt ưu tiên các cây trồng bản địa có giá trị phòng hộ cao và có thể thích nghi với điều kiện sinh thái địa phương”, ông Trần Quang Bảo chia sẻ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.