| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa theo tiêu chuẩn SRP: Cho những vựa lúa an toàn chất lượng

Chủ Nhật 19/12/2021 , 10:09 (GMT+7)

Nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL đã áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP trong sản xuất lúa gạo, qua đó mang lại mùa vàng bội thu và chất lượng lúa gạo sạch, an toàn cung ứng ra thị trường.

Sau 5 năm triển khai diện tích lúa áp dụng tiêu chuẩn SRP tại ĐBSCL đã tăng từ 25ha lên 4.300ha với hơn 1.500 nông dân áp dụng. Ảnh: Trọng Linh.

Sau 5 năm triển khai diện tích lúa áp dụng tiêu chuẩn SRP tại ĐBSCL đã tăng từ 25ha lên 4.300ha với hơn 1.500 nông dân áp dụng. Ảnh: Trọng Linh.

Bộ tiêu chuẩn SRP 41 tiêu chí và 12 chỉ số 

Bộ Tiêu chuẩn SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, bao gồm 41 tiêu chí và 12 chỉ số đánh giá hiệu quả liên quan đến lợi nhuận, năng suất lao động, chất lượng nước, sự đa dạng sinh học, khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động…

Sau 5 năm triển khai hoạt động Chương trình “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cho nông hộ nhỏ Việt Nam” kể từ năm 2017, diện tích lúa áp dụng tiêu chuẩn SRP tại ĐBSCL đã tăng từ 25ha lên 4.300ha với hơn 1.500 nông dân áp dụng. 100% nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp và 92,5% ở Kiên Giang đạt trên 80 điểm SRP trong vụ đông xuân 2021.

Tính đến hết vụ đông xuân năm 2021, đã có 343 nông dân ngoài dự án tự nguyện áp dụng mô hình theo tiêu chuẩn SRP trên đồng ruộng. Với việc áp dụng mô hình SRP, nông dân ước tính giảm 12% chi phí sản xuất trên 1 đơn vị ha, tương đương gần 3 triệu đồng so với ngoài mô hình, chủ yếu do giảm lượng thuốc trừ sâu, phân bón và nhân công.

Ngoài ra, nông dân cũng thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất như thay đổi tập quán đốt rơm rạ, tiết kiệm nguồn nước, giảm dư lượng thuốc BVTV, áp dụng các kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ, quản lý dịch bệnh tổng hợp, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Riêng ở Đồng Tháp, đến tháng 10/2021, chỉ còn 0.8% nông dân đốt rơm rạ. Các hoạt động này cũng góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản xuất theo tiêu chuẩn SRP là xu thế sản xuất mới ở các tỉnh ĐBSCL dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) từ đó việc sản xuất lúa sẽ thích ứng tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, mở ra hướng đi mới giúp phát triển một nền nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Ngô Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Việc ứng dụng mô hình SRP những năm gần đây đã giúp nông dân Đồng Tháp thay đổi tập quán canh tác lúa truyền thống, áp dụng tổng hợp những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào chuỗi giá trị lúa gạo."

Sản xuất theo tiêu chuẩn SRP là xu thế sản xuất mới ở các tỉnh ĐBSCL dựa trên nền sản xuất theo hướng '3 giảm, 3 tăng', '1 phải, 5 giảm'. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sản xuất theo tiêu chuẩn SRP là xu thế sản xuất mới ở các tỉnh ĐBSCL dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Ảnh: Hoàng Vũ.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, nông dân không được đốt rơm rạ, khi bón phải kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”, khi phun thuốc phải mang bảo hộ lao động, ruộng mới phun thuốc phải cắm bảng thông báo điều này góp phần bảo vệ môi trường. Ứng dụng mô hình SRP giảm chi phí sản xuất hơn so với bên ngoài từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha. Lúa sản xuất theo mô hình đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị liên kết bao tiêu.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cũng nhận định: “Tham gia mô hình SRP, nông dân thường xuyên được hỗ trợ tập huấn kĩ thuật canh tác, HTX được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV. SRP tại Việt Nam là mô hình trọng điểm của nông nghiệp Xanh, chất lượng lúa gạo cao, tăng thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.”

Những mô hình trồng lúa SRP hiệu quả

Từ năm 2018, các hộ nông dân tại xã Thắng Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đều được tổ chức phi chính phủ quốc tế Rikolto (Bỉ), thành viên của Diễn đàn Lúa gạo Bền vững SRP, tập huấn và áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP về sản xuất lúa gạo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Khi, hộ nông dân có diện tích 8ha trồng lúa cho biết: “Với 1 ha diện tích, tôi chỉ cần sử dụng 6kg lúa giống, thay vì 20kg như trước kia mà vẫn giữ nguyên được năng suất, chất lượng trên 1 đơn vị diện tích.”

Không chỉ tiết kiệm chi phí về giống, khi áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP, lượng phân bón, thuốc BVTV cũng giảm đáng kể do được hướng dẫn phun thuốc phòng trừ đúng loại, đúng thời điểm, liều lượng... Để kiểm soát quy trình canh tác, nông dân phải ghi chép nhật kí sản xuất.

Không chỉ tiết kiệm chi phí về giống, khi áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP, lượng phân bón, thuốc BVTV cũng giảm đáng kể. Ảnh: Trọng Linh.

Không chỉ tiết kiệm chi phí về giống, khi áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP, lượng phân bón, thuốc BVTV cũng giảm đáng kể. Ảnh: Trọng Linh.

Việc làm này còn giúp nông dân hạch toán chi phí sản xuất và lợi nhuận rất dễ dàng. Sau thu hoạch, rơm rạ sẽ không được đốt mà tận dụng làm phụ phẩm trong nông nghiệp. Điều này góp phần tối đa trong việc bảo vệ môi trường.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Thắng Lợi (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), là đơn vị bao tiêu đầu ra cho các hộ nông dân địa phương, cũng khẳng định lợi ích của nông dân khi tham gia mô hình trồng lúa theo bộ tiêu chuẩn SRP. Người nông dân không còn phải lo đầu ra bởi chất lượng lúa sạch đã được các HTX bao tiêu với giá ổn định hoặc cao hơn thị trường theo chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX cho biết: “Lợi ích quan trọng nhất của mô hình là bảo vệ môi trường, giảm lần phun thuốc, trước phun 6 lần trong vụ nay còn 4 lần, sau thu hoạch thì không đốt đồng nữa, nguồn nước khi phun thuốc thì cánh xa kênh mương.”

Đến nay, tại Đồng Tháp đã có hơn 97% nông dân tham gia mô hình trồng lúa theo bộ tiêu chuẩn SRP đạt từ 80-89 điểm. 100% nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp và 92,5% ở Kiên Giang đạt trên 80 điểm SRP trong vụ đông xuân 2021. Số diện tích canh tác đạt từ 80-89 điểm cũng đạt gần 90%.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.