| Hotline: 0983.970.780

Trồng mãng cầu xiêm trên đầu cây hoang dại thu hàng trăm triệu

Thứ Năm 16/06/2022 , 08:54 (GMT+7)

Hậu Giang Trồng mãng cầu trên đầu cây dại không chỉ lấy trái để ăn, mà còn chế biến thành trà, rượu, sấy dẻo, làm mứt, cho doanh thu hàng trăm triệu mỗi ha.

Ngọn mãng cầu, gốc bình bát

Miền Tây Nam Bộ thời tiết giờ có nhiều biến đổi. Ngày hè đang nắng bỗng bất chợt có những cơn mưa đổ ào xuống. Giữa cái tiết trời đỏng đảnh ấy, chúng tôi có chuyến công tác tại tỉnh Hậu Giang, đi ngang qua những vườn mãng cầu xiêm ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ. Thời điểm này, nhà vườn đang cắt cành, tạo tán mới, giúp cây mãng cầu ra hoa nhiều, chuẩn bị cho mùa trái mới. Hoa mãng cầu không đẹp, cũng không thơm, nhưng với nhà nông ở đây nó là thứ hoa nở ra tiền.

Trồng mãng cầu xiêm ghép bình bát nông dân không tốn nhiều công chăm sóc. mà có thu nhập rất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Trồng mãng cầu xiêm ghép bình bát nông dân không tốn nhiều công chăm sóc. mà có thu nhập rất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Điều khiến chúng tôi tò mò là gốc cây mãng cầu nào ở đây cũng có vết sẹo cắt ngang, lồi ra giữa thân cây, với hai màu da (vỏ cây) khác biệt. Càng tò mò hơn là nông dân đeo trước ngực một cái keo nhựa, đi quanh gốc, chốc chốc lại dùng cây tăm bông lớn chấm thứ gì đó trong keo ngoáy vào những bông mãng cầu đang bung nở.

hấy những vị khách lạ cứ ngơ ngác nhìn, ông Trần Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa giải thích: “Đây là kỹ thuật thụ phấn cho hoa mãng cầu. Hoa mãng cầu là giống lưỡng tính, chúng có thể tự thụ hoặc nhờ côn trùng. Nhưng nếu nhà vườn thu gom phấn hoa và thụ phấn cho những bông khác, sẽ giúp trái đậu nhiều và trái lớn đều, không bị lép, méo mó khi lớn. Nhờ đó, năng suất tăng và bán cũng được giá hơn”.

Nông dân thụ phấn để mãng cầu ra nhiều trái, trái lớn đều, bán được giá. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân thụ phấn để mãng cầu ra nhiều trái, trái lớn đều, bán được giá. Ảnh: Trung Chánh.

Mời chúng tôi vào hàng ba trước ngôi nhà xây kiên cố, xung quanh được che mát bởi những hàng cây mãng cầu, ông Quốc say xưa kể về lịch sử hình thành Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa, với giọng đầy tự hào về loại cây xóa nghèo, làm giàu. Ông Quốc bảo: “Vết sẹo trên gốc cây chính là nơi ghép mắt, tạo ra cây gốc bình bắt mà ngọn mãng cầu. Cách trồng mãng cầu độc đáo, tháp trên đầu cây hoang dại, giúp tăng tính thích nghi và đạt năng suất cao, tạo ra nguồn thu nhập lớn cho nhà vườn”.

Đổi đời nhờ chuyển đổi vườn tạp

Trước đây, người dân ấp 2, xã Thuận Hòa chủ yếu làm lúa, trồng vườn tạp và bắt cá đồng tự nhiên. Tuy nhiên, do đất là vùng đất nhiễm phèn nặng, làm lúa mùa mỗi năm một vụ, năng suất rất thấp, chỉ đạt khoảng 7-8 giạ/công. Còn vườn tạp nhiều thứ cây nhưng lại chẳng loại nào có giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, thu nhập khá bếp bênh, đời sống bà còn nhiều khó khăn.

Cây bình bát có sức sống mãnh liệt, khi ghép ngọn mãng cầu sẽ giúp cây có tính thích nghi tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Cây bình bát có sức sống mãnh liệt, khi ghép ngọn mãng cầu sẽ giúp cây có tính thích nghi tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Từ đầu những năm 2000, nông dân ở đây đã nghĩ đến việc chuyển đổi sản xuất để có thu nhập cao hơn nhưng nhiều người thất bại. Ông Phan Văn Niềm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa nhớ lại: “Nông dân ở đây đã thủ nghiệm trồng nhiều loại cây như chanh, bưởi, cam, quýt nhưng đều không hiệu quả. Do đất phèn nên cây phát triển còi cọc, cho trái thì chai sần, khô khốc, ăn không ngon. Nên cuối cùng nhiều người đành bỏ cuộc”.

“Mỗi ha trồng mãng xiêm nông dân thu hoạch khoảng 30-35 tấn trái/vụ, tương đương doanh thu từ 300- 350 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Chưa có loại cây trồng nào ở đây cho doanh thu khủng như vậy. Còn so với vùng chuyên trồng lúa thì lợi nhuận cũng cao gấp 2-3 lần. Nhờ trồng mãng cầu mà từ ấp nghèo nhất xã, nay ấp 2 đã trở thành ấp nhà tường nổi tiếng của xã Thuận Hòa”, ông Quốc tự hào.

Theo ông Niềm, có điều lạ là trong khi các loại cây ăn trái nhà nông trồng, bỏ công chăm sóc cẩn thận cứ còi cọc riêng riêng cây bình bát mọc hoang dại quanh vườn cứ phát triển xanh tốt, cho trái sai trĩu cành. Nhưng trái bình bát thì chẳng ai mua, chỉ để rụng cho cá căn. Tìm hiểu mới biết cây bình bát còn có tên gọi là na biển, cùng chi với cây mãng cầu xiêm.

Đây là cây ngoại lai, sống được ở đầm lầy, chịu được nước mặn nhưng không thể mọc ở đất khô cằn. Trái bình bát khi chín được chim, cá ăn thải hạt ra môi trường hoặc tự rụng xuống trôi theo nước. Từ đó, chúng phát tán đi khắp nơi, thường thấy nhiều ở các vùng đất nhiễm phèn ở các tỉnh ven biển, cây mọc cặp theo bờ sông, rìa kênh, mương, ao hồ. 

Lợi dụng đặc tính mọc hoang dã, thích nghi rộng của cây bình bát, nông dân đã mày mò ghép cây mãng cầu xiêm vào (chủ yếu là ghép mắt) tạo thành cây mãng cầu ghép gốc bình bát. Ông Niềm bảo: “Cây ghép có ưu thế sức sống khỏe, phát triển tốt kể cả trong trường hợp bị ngập gốc một thời gian, hay đất nhiễm phèn, nhiễm mặn. Không những vậy, cây mãng cầu ghép bình bát còn cho trái to, năng suất vượt trội so với trồng cây thuần, mang lại thu nhập khá. Từ đó, cây mãng cầu xiêm ghép bình bát trở thành cây trồng chủ lực ở vùng đất Thuận Hòa cho đến nay.

Mô hình sinh kế giúp nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả, trong đó trồng cây mãng cầu xiêm được đánh giá là cho hiệu quả kinh tê cao. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình sinh kế giúp nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả, trong đó trồng cây mãng cầu xiêm được đánh giá là cho hiệu quả kinh tê cao. Ảnh: Trung Chánh.

Cùng thời điểm nay, tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã cho triển khai đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, với 4 hợp phần chính, trong đó có hợp phần chuyển đổi 1.000 ha vườn tạp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đây là điều may mắn với nhà vườn ở xã Thuận Hòa, vì được hỗ trợ một phần kinh phí khi chuyển đổi, cũng như được tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn.

Phó Giám đốc Phan Văn Niềm cho biết, cho đến nay, riêng tại Hợp tác xã đã có 62 hộ nông dân chuyển đổi vườn tạp, ruộng lúa kém hiệu quả sang chuyên trồng mãng cầu xiêm gốc ghép bình bát, với diện tích 62 ha. Còn toàn xã Thuận Hòa diện tích chuyển đổi hiện đã đạt gần 100 ha.

Cây cho doanh thu khủng

Cây mãng cầu xiêm ghép bình bát rất dễ trồng, hợp thổ nhưỡng, đỡ tốn công chăm sóc, người dân chỉ tốn công nhiều lúc thụ phấn cho ra trái. Theo ông Quốc, cây mãng cầu xiêm ghép bình bát trồng khoảng 2 năm thì bắt đầu cho trái. Mỗi công đất (1.000 m2) sau khi lên liếp thì trồng được 56-60 gốc mãng cầu.

Cây mãng cầu xiêm ghép bình bát mỗi năm cho trái 1 vụ và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 6 tháng mới kết thúc. Mỗi cây khi đã cho trái thuần thục trung bình đạt 40 trái/gốc, tương đương khoảng 60 kg. Giá bán trung bình hiện nay là 10.000 đồng/kg, doanh thu 600.000 đồng/gốc/năm. Tính ra 1 công doanh thu lên đến 35-35 triệu đồng, trừ chi phí nông dân còn lãi hơn 20 triệu đồng, một con số khá ấn tượng với vùng đất nghèo trước đây.

Mỗi cây khi đã cho trái thuần thục trung bình đạt 40 trái/gốc, tương đương khoảng 60 kg, mang lại doanh thu khoảng 600.000 đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Mỗi cây khi đã cho trái thuần thục trung bình đạt 40 trái/gốc, tương đương khoảng 60 kg, mang lại doanh thu khoảng 600.000 đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Để gia tăng giá trị kinh tế, xã viên Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa đã chuyển dịch theo hướng hữu cơ, ứng dụng vi sinh trong canh tác. Hiện nay, Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Thuận Hòa đã áp dụng thành công tiêu chuẩn GlobalGAP và sản phẩm làm ra được doanh nghiệp Tiến Thịnh thu mua chế biến và tiêu thụ.

Với diện tích đất canh tác nằm trong vùng hưởng lợi từ hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, được hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế thích hợp, nên hợp tác xã còn được hỗ trợ xây dựng nhà kho chứa vật tư, hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước… Từ đó, giúp giảm công lao động, hạ giá thành sản xuất, tăng thêm lợi nhuận.

Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp  Hậu Giang cho biết, thời gian qua tỉnh đã xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và điều kiện nguồn nước được kiểm soát khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành. Theo đó, tỉnh chọn xây dựng 4 mô hình: Mãng cầu xiêm, khóm - thủy sản, lúa - tôm, lúa - rau màu. Các mô hình này được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạng tầng vùng sản xuất, nạo vét kênh mương, hỗ trợ một phần vật tư, cây, con giống. Đồng thời, đào tạo, tập huấn phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu… Đến nay, các mô hình đã cho thu hoạch đều mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng khoảng 30% so với ngoài mô hình. Trong đó, mô hình trồng mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát không chỉ thích ứng tốt mà còn mang lại lợi nhất cao nhất.  

Để gia tăng giá trị, nhà vườn tại đây còn chế biến thành trà mãng cầu từ loại trái chớm già, tạo ra thứ thức uống độc đáo rất tốt cho sức khỏe. Với trái mãng cầu chín thì chế biến thành rượu, mứt mãng cầu… Nhờ đó, đã giúp giảm được áp lực tiêu thụ trái tươi mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ. Hiện nay, không ít sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu xiêm đã trở thành sẩn phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, mang lại giá trị gia tăng cao cho nhà nông.

Xem thêm
Siêu thị phủ kín hàng Tết, nhiều khuyến mãi khủng

Trước thềm năm mới 2025, sức mua tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM khá nhộn nhịp, nhất là hàng Tết.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Agribank Cần Thơ trao thưởng ‘Mở tài khoản Plus, đón vạn đặc quyền’

Ngày 30/12, Agribank chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức lễ trao thưởng cho khách hàng may mắn trúng giải từ chương trình 'Mở tài khoản Plus, đón vạn đặc quyền'.

Hà Nội phê duyệt tuyến đường rộng 40m tại quận Bắc Từ Liêm

Hà Nội sắp mở tuyến đường dài 4km, rộng 40m, nối KCN Nam Thăng Long với Vành đai 3.5, đi qua 4 phường ở Bắc Từ Liêm.