Ngày 9/8, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo đánh giá kết quả bước đầu thực hiện mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai tại xã La Hiên và xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) với tổng diện tích 3ha, được thực hiện từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2024 với mục tiêu tạo ra sản phẩm chất lượng cao, kéo dài thời gian thu hoạch na trong năm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, mô hình cũng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất trồng cây ăn quả, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân, tạo hướng đi mới thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kết hợp với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai, nguồn nước tại địa phương rất phù hợp cho việc phát triển cây na. Những điểm được lựa chọn thực hiện mô hình đều là vùng trọng điểm na của huyện, của tỉnh nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cây na và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đặc biệt, mô hình thâm canh cây na rải vụ đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc BVTV và tập huấn hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật. Mô hình còn có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ tư vấn trực tiếp gắn trách nhiệm với từng điểm triển khai thực hiện.
“Tuy nhiên, đây là mô hình áp dụng tổng thể các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh cây na rải vụ và mới bắt đầu được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Các hộ tham gia nhận thức còn hạn chế và còn băn khoăn về thay đổi thói quen sản xuất. Quy trình chăm sóc cây na rải vụ chủ yếu áp dụng các biện pháp như kỹ thuật cắt tỉa và thời gian cắt tỉa cành, tuốt lá cưỡng bức, kỹ thuật sử dụng chất kích thích sinh trưởng, chế độ nước tưới... để rải vụ thu hoạch.
Trong khi đó, hiện trạng sản xuất na tại địa phương hầu như chưa được đốn tỉa, cây cao phải bắc thang để thu hái nên việc thuyết phục để đốn tỉa, chăm sóc ban đầu gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đình Thông chia sẻ.
Mô hình dự án thâm canh cây na rải vụ được triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch. Qua hơn một năm thực hiện, bước đầu đã có sản phẩm na rải vụ. Kết quả của mô hình đã cung cấp na chất lượng cao, giúp kéo dài thời gian cho thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm tăng từ 10% trở lên.
Chất lượng quả to đều, mẫu mã đẹp và ngon, ngọt đậm hơn, đáp ứng nhu cầu sản phẩm với giá bán bình quân ở các trà sớm và muộn sẽ cao hơn chính vụ ít nhất từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Thực tế cho thấy, tuy chi phí vật tư đầu vào của thâm canh cây na rải vụ cao hơn khoảng 6 triệu đồng/ha nhưng năng suất và chất lượng na rải vụ cao hơn so với thông thường. Cụ thể, nếu sản xuất na rải vụ, sau khi trừ đi chi phí vật tư, người dân sẽ thu về lợi nhuận hơn 260 triệu đồng/ha, cao hơn 60 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.
Cùng với đó, do kéo dài thời gian rải vụ nên người dân có thể chủ động bố chí nguồn nhân lực tự chăm sóc, bón phân và thụ phấn cho na…
Đặc biệt, mô hình không chỉ giúp bà con nông dân sản xuất đạt hiệu quả kinh tế hơn mà còn giúp sản xuất được na đạt chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, mô hình còn tạo thêm việc làm cho người dân từ việc thu hoạch na trái vụ, đặc biệt là lao động nữ, tạo ra khối lượng hàng hóa mang bản sắc địa phương nhưng lại có các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng...