| Hotline: 0983.970.780

Trồng nấm vụ đông

Thứ Năm 28/11/2013 , 10:21 (GMT+7)

Tôi nhẩm tính, cứ 1 tấn rơm rạ thu về từ 6 - 9 triệu đồng nhờ bán nấm, trừ hết chi phí lợi nhuận đạt 5 - 7 triệu đ/tháng, số tiền khá ổn với người dân nông thôn.

Tham quan mô hình trồng nấm rơm trái vụ do Trung tâm KN-KN Bắc Ninh phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) tổ chức tại xã Bình Dương, huyện Gia Bình, chúng tôi thấy sự phấn khởi của nông dân.

NẤM VỤ ĐÔNG

Những ngày chớm đông, tại khoảng đất trống ở nhà văn hóa thôn Bùng, xã Bình Dương là những luống rơm rạ trồng nấm được vun lên. Chị em hớn hở thu hoạch nấm rơm, loại nấm thường trồng trong mùa hè.

Đây là cánh đồng nấm rộng 3 sào của HTX Bùng được Trung tâm KN-KN Bắc Ninh hỗ trợ triển khai từ cuối tháng 10/2013. Bà con nơi đây tâm sự, do thời tiết, giá cả thất thường, chi phí nhân công, vật tư tăng cao khiến SX cây màu vụ đông không như mong đợi. Nếu mô hình trồng nấm trái vụ thành công, năm sau sẽ có rất nhiều chị em lựa chọn vì thu nhập cao hơn đi làm thuê, lại được gần chồng con.

Ông Vũ Minh Hiếu, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Ninh chia sẻ: Hàng năm toàn tỉnh gieo cấy trên 70.000 ha lúa các loại, sản lượng rơm rạ trên 500.000 tấn. Rơm rạ thường được sử dụng làm chất đốt hoặc thức ăn cho gia súc, song nhiều địa phương đã cơ giới hóa làm đất nên trâu bò cũng ít đi. Chính vì vậy, rơm rạ thường bị bỏ ngoài đồng rơi xuống kênh mương gây ách tắc dòng chảy hoặc bị đốt lấy tro trồng rau màu khiến môi trường ô nhiễm.


Xã viên HTX Bùng bán nấm rơm cho khách hàng

Nhận thấy tiềm năng, triển vọng của cây nấm, đặc biệt là mô hình nấm rơm trái vụ do Trung tâm CNSH thực vật triển khai trong 4 năm gần đây, Sở NN-PTNT Bắc Ninh đã giao Trung tâm KN-KN thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng TBKT SX chế biến, tiêu thụ nấm rơm trái vụ”.

Sau hơn 1 tháng từ lo âu thấp thỏm đến thở phào khi cơn bão số 14 không gây mưa to, đến nay mô hình đã cơ bản gặt hái được thành công.

Trực tiếp chứng kiến bà con xã viên thu hái, cân đong, đo đếm và bán nấm trực tiếp cho khách, chúng tôi nhẩm tính cứ 1 tấn rơm rạ SX đạt 120 - 150 kg nấm tươi, giá bán 50.000 - 60.000 đ/kg. Sau khi làm một phép tính, 1 tấn rơm rạ thu về từ 6 - 9 triệu đồng, trừ hết chi phí lợi nhuận đạt 5 - 7 triệu đ/tháng, số tiền khá ổn với người dân nông thôn.

TRIỂN VỌNG LỚN

Ông Đinh Xuân Linh, GĐ Trung tâm CNSH thực vật lưu ý, nấm là loại cây rất dễ nhưng rất khó trồng. Dễ là vì nguồn nguyên liệu làm nấm vô cùng đơn giản dễ kiếm như rơm rạ, thân, lõi ngô, mùn cưa… gần gũi, thân thuộc với nông dân.

Mặc khác, trồng nấm chỉ bỏ công chứ không phải đầu tư phân bón, thuốc BVTV như các loại cây trồng khác. Nấm là sinh vật rất nhạy cảm, tưới nước bẩn là nấm đã chết chứ chưa nói gì đến dùng các chất hóa học độc hại, từ đó có thể khẳng định nấm là loại thực phẩm sạch nhất hiện nay.

Tuy nguyên liệu làm nấm dễ kiếm, song để trồng thành công, đặc biệt là đạt năng suất như mong đợi không lại không hề đơn giản. Nếu thời tiết, nhiệt độ phù hợp nấm sẽ mọc như mưa, nhưng ngược lại, có thể nấm không ra một trái nào.

Vì vậy, để kiếm được tiền từ nghề trồng nấm bắt buộc bà con phải được học bài bản, trong quá trình triển khai thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật. Thực tế, để có được thành quả như ngày hôm nay, Trung tâm CNSH thực vật phải cử cán bộ về HTX Bùng mở lớp dạy nghề và hướng dẫn SX đến khi thu hoạch.

Bản thân ông Linh và các cán bộ trung tâm cũng phải mất hàng năm trời mới hoàn thiện cơ bản được quy trình SX nấm rơm trái vụ. Việc ủ luống nấm ra sao, che ni lông như thế nào trong thời điểm nhiệt độ ngoài trời khác nhau... vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Hiện nay, trung tâm đang nghiên cứu cách chế biến, bảo quản nấm sau thu hoạch sao cho hiệu quả, tiết kiệm mà vẫn giữ được hương vị, dinh dưỡng của nấm tươi. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu cách thức tổ chức SX sao cho khâu tiêu thụ hiệu quả cao nhất, bởi đầu ra mới là yếu tố quyết định mọi khâu khác.

“Qua thí điểm nhiều mô hình, chúng tôi nhận thấy trồng nấm theo nhóm hộ, nhóm HTX là hiệu quả hơn cả vì vừa tiết kiệm được ngày công mà đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn, bởi có được quy mô tương đối lớn để trở thành hàng hóa.

Với tiềm năng và lợi thế của nước ta, trong những năm tới khi thị trường tiêu thụ nấm đi vào ổn định, tôi nghĩ giấc mơ 1 tỉ USD từ nấm không phải là cái gì đó quá xa vời.

Chúng tôi đã hoàn thiện quy trình tạo giống, trồng, chăm sóc, chế biến hàng chục loại nấm ăn và dược liệu khác nhau, đảm bảo cả 4 mùa đều có loại nấm phù hợp để trồng”, ông Đinh Xuân Linh tâm sự.

+ Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt:

Bắt đầu từ năm 2013, Cục đã tham mưu Bộ NN-PTNT đưa cây nấm vào cơ cấu các loại cây trồng SX vụ đông. Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển nấm thay thế dần cây trồng vụ đông không hiệu quả là hướng đi tích cực. 

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận có lãnh đạo chưa thật sự tự tin vào cây nấm. Song thực tế sẽ chứng minh, việc cây nấm được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia là có cái lý của nó.

 

 

+ Bà Trương Thị Hồng Vân, Vụ KH-CN Các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH-CN):

 

Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT đang tiến hành phê duyệt danh mục “Sản phẩm quốc gia”, trong đó đề án khung về nấm ăn và nấm dược liệu đã chính thức được phê duyệt. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 sẽ cơ giới hóa ngành nấm và mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành nông nghiệp công nghệ cao này.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm