Trồng ớt chỉ thiên không còn xa lạ với nông dân trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên mới đây, gia đình chị Nguyễn Thị Cao Thi ở buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn đã thực hiện việc trồng ớt chỉ thiên bằng việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực, đồng thời mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng ớt chỉ thiên của gia đình chị Nguyễn Thị Cao Thi (sinh năm 1995) đúng vào thời điểm mọi người đang hối hả thu hoạch. Vừa hái những quả ớt to, dài và đỏ mọng trên cây, chị Thi phấn khởi chia sẻ: Vợ chồng chị đang có công việc kinh doanh khá ổn định tại TP Buôn Ma Thuột, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công việc của cả 2 vợ chồng bị đình trệ. Tháng 9 năm 2021, vợ chồng quyết định nghỉ việc kinh doanh tại TP Buôn Ma Thuột để về trồng rau.
Trên diện đất sẵn có của gia đình tại buôn Tul B, xã Ea Wer, vợ chồng chị Thi đã trồng 4 sào ớt chỉ thiên và một số ít diện tích đất khác trồng các loại rau màu như mướp, dưa leo, đậu ve… Trước đây, trên diện tích này gia đình chị chỉ trồng ngô nhưng hiệu quả không cao.
Chia sẻ về lý do chọn cây ớt làm cây trồng chủ lực, chị Thi cho biết: “Qua tìm hiểu nhận thấy thị trường tiêu thụ ớt khá mạnh, bởi ớt chỉ thiên không chỉ được tiêu thụ dạng tươi ở thị trường trong nước và xuất khẩu mà còn được sử dụng để chế biến khô và có thể bảo quản được lâu. Giá ớt những năm gần đây cũng khá ổn định nên gia đình đã tập trung đầu tư vào cây ớt”.
Khi triển khai trồng ớt, khác với cách làm truyền thống của nhiều hộ gia đình, vợ chồng chị Thi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây ớt với chi phí chỉ 3 triệu đồng/sào. Phân bón cho ớt cũng được chị Thi hòa tan, sau đó tưới cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt. Đến nay, diện tích ớt của gia đình chị Thi đang sinh trưởng và phát triển tốt. Theo chị Thi, trồng ớt bằng hệ thống tưới nhỏ giọt mang lại nhiều lợi ích như: Tiết kiệm được nước, nhân công cũng như phân bón; cây đủ nước, đủ độ ẩm thường xuyên nên sinh trưởng và phát triển tốt.
Chị Thi chi sẻ, sau hơn 2 tháng trồng, cây ớt chỉ thiên cho trái và thu hoạch khoảng 3 đợt; mỗi đợt kéo dài khoảng 15 ngày. Mỗi đợt thu hoạch như vậy, gia đình chị phải thuê từ 6 đến 7 nhân công hái và cho sản lượng bình quân 4 tấn/đợt. Ớt thu hoạch xong thường được thương lái thu mua tận nơi. Giá bán ớt thường dao động từ 18 đến 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, có thời điểm khan hiếm hàng, giá lên cao, gia đình chị bán được mức giá 72.000 đồng/kg.
Với 4 sào ớt và giá ớt trên thị trường như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình chị Thi có nguồn thu nhập khoảng 120 triệu đồng. So với các loại cây khác trước đây gia đình chị trồng thì trồng ớt cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Cũng theo chị Thi, ớt chỉ thiên là loại cây có nhiều ưu điểm như dễ trồng, không kén đất, cây sinh trưởng và phát triển nhanh. Trồng ớt cũng không tốn công chăm sóc như các loại cây khác. Trong quá trình trồng, chỉ cần thường xuyên theo dõi, bón phân, tưới nước đều đặn, đặc biệt là phòng bệnh cho cây ớt, nhất là đối với bệnh thán thư. Các công đoạn chăm sóc từ tưới, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cần phải đảm bảo an toàn cho người và môi trường.
Với ưu điểm dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao, trồng ớt theo cách làm của gia đình chị Nguyễn Thị Cao Thi đã và đang mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói riêng và phát triển kinh tế nói chung của nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Thấy hiệu quả từ việc trồng ớt mang lại, mới đây, chị Thi cũng đã mạnh dạn thuê thêm 5ha đất để trồng ớt. Hiện nay, gia đình chị đang chuẩn bị xuống giống cây ớt. Gia đình chị Thi cũng đã ký cam kết với đơn vị thu mua bao tiêu sản phẩm ớt với mức giá 20.000 đồng/kg.