Chốt kiểm dịch của huyện Yên Mỹ thành lập đặt trên tỉnh lộ 379 đoạn qua xã Yên Hòa, các lực lượng QLTT, thú y, công an, quân đội… đã phối hợp rất tốt, cắt cử nhân sự túc trực 24/24 giờ |
Gần 22 giờ 30 ngày..., có mặt tại chốt kiểm dịch của huyện Yên Mỹ đặt trên tỉnh lộ 379, đoạn qua xã Yên Hòa, lực lượng chức năng đảm bảo quân số và phương tiện đầy đủ. Tất cả đều rất tỉnh táo để thực hiện nhiệm vụ.
Trao đổi với PV, đại diện lực lượng công an huyện túc trực tại chốt này cho biết: Chốt được lập từ ngày 21/2. Từ đó, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện hết sức khắt khe theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Sau gần 1 tháng hoạt động, đến nay chưa phát hiện phương tiện vận chuyển lợn nào vi phạm đến mức phải xử phạt hoặc yêu cầu quay trở lại nơi xuất phát...
Ngược lại hoàn toàn với tinh thần chống dịch, cảnh giác cao độ của hầu hết các chốt PV đã đi qua, tại chốt kiểm dịch ở thôn Khóa Nhu 2, xã Yên Hòa – một trong những nơi xuất hiện DTLCP đầu tiên ở nước ta lại không một bóng người…
Dừng xe cạnh chốt, chúng tôi nhìn đồng hồ thì đang điểm 23 giờ đêm. Thi thoảng lại có chiếc xe máy rú ga từ trong thôn đi ra và từ ngoài đi vào. Nhìn vào trong chốt (lán), PV bất ngờ thấy một cán bộ đang ngủ một cách ngon lành. PV đến gần và bắt đầu gọi. Nhưng gọi 1 câu, 2 câu, 3 câu… đến năm, bảy câu với tiếng gọi lớn dần đến hàng xóm bên cạnh cũng nghe thấy, nhưng đồng chí cán bộ thực hiện nhiệm vụ trực chốt kiểm dịch này vẫn… ngủ ngon lành.
Tại chốt kiểm dịch ở thôn Khóa Nhu 2 xuất hiện tình trạng cán bộ ngủ ngon lành trong thời gian túc trực được phân công |
Một lúc sau, PV lại gọi, thậm chí đạp vào chốt gây tiếng động. Người cán bộ vẫn ngủ. Những chiếc xe máy vẫn cứ đi ra đi vào. Sau một hồi dài gọi, chúng tôi đành chuyển hướng sang chốt kiểm dịch khác.
2 tiếng sau, chúng tôi quay lại chốt để xem tình hình trực chốt bấy giờ như thế nào. Dừng xe, nhìn vào chốt thì thấy chiếc màn đã được buông xuống. Vào sát tận nơi thấy chốt kiểm dịch Khóa Nhu 2 có thêm 1 cán bộ nữa. Thật bất ngờ, nhân lực mới được "tăng cường" là để… ngủ cùng cho ấm.
Như lần trước, PV đến ngay sát giường và gọi với tần suất và âm lượng lớn hơn nhiều để họ tỉnh dậy lấy thông tin. Nhưng vẫn như lần trước, 2 cán bộ ôm nhau say trong giấc mộng.
Đây là chốt kiểm dịch của xã Yên Hòa, nơi đầu tiên bùng phát dịch tả lợn Châu Phi ở nước ta. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, chốt kiểm dịch này được thành lập bao gồm cả lực lượng thú y, công an..., đến nay đã đi vào hoạt động được hơn một tháng.
Cũng vẫn tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm dịch thôn Khóa Nhu 1 khi những trận mưa phùn của đợt rét tăng cường dường như nặng hạt hơn. Nhiệt độ xuống thấp, cái rét thêm tê tái. Hai cán bộ trực tại chốt Khóa Nhu 1 ngồi co ro, nhấc lên, đặt xuống chén trà dưới ánh đèn leo lét…
2 cán bộ tại chốt kiểm dịch thôn Khóa Nhu 1, xã Yên Hòa túc trực đêm khuya không quản ngại mưa gió |
Ông Lê Văn Tư, một trong 2 cán bộ trực chốt cho biết: “Chúng tôi là an ninh của thôn được cử trực chốt này từ ngày 17/2, tới nay đã hơn tháng trời. Người ngoài nhìn vào có khi lại nghĩ chúng tôi làm chắc có gì đấy mới trực ở đây mãi không biết chán như thế. Tôi chỉ nghĩ vì trách nhiệm, vì mọi người”.
Vậy bác có nhận được tiền hỗ trợ gì không, tôi hỏi. Ông Tư khẳng định: “Từ đầu tới giờ chúng tôi chưa hề được thông báo có khoản gì, nói gì được nhận nhiều hay ít. Hỗ trợ ăn uống thì đúng là có một lần, 3 gói mì, 3 quả trứng cho 4 anh em. Bữa ăn này được bên huyện hỗ trợ vào ngày đầu trực ở chốt chống dịch và là bữa hỗ trợ duy nhất cho đến lúc này”.
Ông Tư chia sẻ thêm: “Một ngày, chúng tôi chia làm 3 ca trực. Hai anh em tôi thì chọn ca đêm để nhường cho chị em phụ nữ trực ca ngày. Trực đêm mãi thế này, vất vả lắm, không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Hơn nữa, vợ chồng chúng tôi dựa hết vào 8 sào ruộng thôi. Trực đêm ở đây xong, ngày lại về làm ruộng”.
Ông Đào Ngọc Cường (60 tuổi), người trực cùng ông Tư tại chốt, hoàn cảnh hơn: “Vợ tôi phát hiện bị bệnh tim cách đây 3 năm đã phải đi viện phẫu thuật 2 lần, mất khoảng 200 triệu. Và giờ cứ đều đều hàng tháng phải đi viện. Tôi làm mọi việc để dành dụm 2 triệu chi trả tiền thuốc thang hàng tháng cho bà ấy. Tiền thì tất cả cũng từ mấy con gà, mảnh ruộng mà ra. Toàn bộ công việc mình tôi gánh vác.
Trực đêm tại chốt, sáng ra ông Cường, ông Tư lại về lo việc đồng áng.
Ông Lê Văn Tư và Đào Ngọc Cường tâm sự về công việc trực chốt |