Sự kiện vừa diễn ra trong một lĩnh vực được ví là đang phát triển “bùng nổ”, bất chấp nhiều thách thức như lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và đại dịch COVID-19 hoành hành tại quốc gia trên 1,3 tỷ người.
Cuộc họp do Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Thực phẩm, Sản phẩm Bản địa & Phụ phẩm Động vật Trung Quốc (CFNA) chủ trì, nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nông nghiệp Trung Quốc và Nga. Hơn 5.000 người đã tham gia hội nghị trực tuyến này.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn tin từ CFNA cho biết, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm nhập khẩu nông sản của Trung Quốc từ Nga là 10,7%, cao hơn tốc độ tăng trưởng thương mại song phương. Điều này phản ánh, đây sẽ là một trụ cột hay động lực mạnh mẽ để phát triển, mở rộng.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, thịt và lúa mì nằm trong số những mặt hàng có tiềm năng phát triển lớn về thương mại song phương Nga- Trung.
“Đặc biệt là với việc quan hệ thương mại song phương Trung –Nga ngày càng sâu sắc, CFNA đã áp dụng một số biện pháp hiệu quả để tăng cường sự an toàn và ổn định của chuỗi cung ứng nhằm tăng trưởng bền vững, thúc đẩy sự phát triển của liên minh công nghiệp đậu tương hai bên”, ông Cao Derong, Chủ tịch CFNA , cho biết phát biểu tại cuộc họp.
"Theo bản ghi nhớ trước đây mà hai nước đã ký kết, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 3,7 triệu tấn đậu nành từ Nga vào năm 2024. Đây là một nhiệm vụ lớn, vì nhập khẩu đậu nành trung bình từ Nga hiện chưa đầy 1 triệu tấn mỗi năm", ông Cao nói thêm.
Tuy nhiên, ông Cao cho rằng tiềm năng vẫn còn, do Trung Quốc nhập khẩu khoảng 100 triệu tấn đậu nành mỗi năm, chủ yếu là đậu nành biến đổi gen (GM) từ châu Mỹ, vốn chỉ có thể được sử dụng làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi. Theo vị này: “Đậu nành nhập khẩu từ Nga là loại không biến đổi gen và chúng có thể được sử dụng trực tiếp cho con người”, đồng thời lưu ý đến nhu cầu tiềm năng rất lớn đối với đậu tương không biến đổi gen tại thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Klishin Dmitry, đại diện của Bộ Nông nghiệp Nga cho rằng, tiềm năng tăng trưởng thương mại giữa hai nền kinh tế Trung- Nga là rất lớn, với các mặt hàng thế mạnh của Nga như cá đông lạnh, lúa mì, ngô và thịt lợn, đều có nhu cầu xuất khẩu lớn, bất chấp tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga, đại dịch và các yếu tố khác.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, bất chấp những tác động bất ổn kinh tế toàn cầu và các yếu tố kéo dài khác, thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga vẫn tăng trưởng bền vững, đạt 97,7 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2022, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Wang Kaixuan, Vụ trưởng Vụ Á-Âu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tại cuộc họp, các giao dịch thương mại đã giành lại được động lực nhờ mức độ thuận lợi hóa cao của thương mại nông sản giữa hai bên.
“Chúng tôi sẽ cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác nông nghiệp, mở rộng ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng, đồng thời đa dạng hóa hơn nữa thực phẩm trên bàn ăn của người dân hai nước”, ông Wang tuyên bố tại hội nghị trực tuyến.
Vị quan chức này cũng cho biết thêm, Trung Quốc và Nga sẽ mở rộng hơn nữa thương mại song phương, đồng thời tìm ra động lực mới trong các lĩnh vực như khoa học và đổi mới, các lĩnh vực carbon thấp và y sinh học, nhằm đạt được những tiến bộ ổn định để đạt được mốc 200 tỷ USD cho thương mại song phương vào năm 2024.