| Hotline: 0983.970.780

Nuôi Artemia hạn chế dịch bệnh, thân thiện môi trường

Thứ Tư 06/12/2023 , 12:01 (GMT+7)

Sóc Trăng Gần biển, nguồn nước mặn quanh năm, nghề nuôi Artemia đang phát triển mạnh ở thị xã Vĩnh Châu, sản phẩm trứng Artemia của địa phương đã xây dựng được thương hiệu trên thế giới.

Artemia là loài nhuyễn thể có kích thước nhỏ, phát triển tốt trong môi trường nước có độ mặn cao ở TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Artemia là loài nhuyễn thể có kích thước nhỏ, phát triển tốt trong môi trường nước có độ mặn cao ở TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Đây là một trong những mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế dịch bệnh, phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay ở các tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo một số kết quả phân tích của Trường Đại học Cần Thơ cũng như phòng thí nghiệm nước ngoài cho thấy, trứng Artemia của TX Vĩnh Châu có hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ nở hơn 90%, tương đương với các sản phẩm nhập khẩu trên thị trường hiện nay.

Artemia mỗi năm sản xuất được 1 vụ, bà con nông dân có thể nuôi và sinh sản hiệu quả ở độ mặn từ 70 – 90 phần nghìn. Ấu trùng mới nở có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp làm thức ăn cho tôm, cá giống giai đoạn vừa mới nở. Do vậy, nhu cầu trứng Artemia cung cấp cho sản xuất giống thủy sản trong và ngoài nước luôn cao và ổn định.

Trung bình, mỗi ha nuôi Artemia bà con nông dân có lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/vụ, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 5 lần so với làm muối truyền thống. Tuy nhiên, do nghề nuôi Artemia phụ thuộc phần lớn vào yếu tố môi trường như: nhiệt độ thấp, độ pH không thích hợp, không đủ thức ăn hoặc thức ăn kém chất lượng, tảo phát triển ít không đủ năng lượng cho quá trình đẻ trứng. Cộng với phương pháp nuôi truyền thống, ít cải tiến kỹ thuật, thả nuôi với mật độ dày, khiến Artemia chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi.

Bà Lâm Ánh Tiên, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết, mùa vụ nuôi Artemia kết thúc vào tháng 2 hàng năm. Đây cũng là thời điểm nhiệt độ nắng nóng, mực nước nuôi Artemia thấp làm cho loài nhuyễn thể này chết nhiều.

Do đó trong quá trình nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân cần lấy mẫu thường xuyên để quan sát và theo dõi hoạt động của Artemia. Nếu Artemia bơi chậm là biển hiện cho thấy sức khỏe không tốt, mắc bệnh chậm lớn.

Bà con cần lưu ý không sử dụng thuốc, hóa chất diệt muỗi hoặc côn trùng xung quanh ao nuôi để tránh ảnh hưởng đến Artemia.

Nghề nuôi Artemia phụ thuộc phần lớn vào yếu tố môi trường, khiến Artemia chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Nghề nuôi Artemia phụ thuộc phần lớn vào yếu tố môi trường, khiến Artemia chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi Artemia đang giảm dần qua từng năm. Riêng trong năm 2023, diện tích nuôi Artemia tại TX Vĩnh Châu đạt khoảng 460 ha, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân, Lai Hòa và phường Vĩnh Phước.

Giai đoạn 2019 – 2022, với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Trường Đại học Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng đã nghiên cứu thành công và áp dụng kết quả đề tài “Quy trình nuôi Artemia ở độ mặn thấp theo chế độ dinh dưỡng cải tiến tại TX Vĩnh Châu”.

Qua đó, bà con nông dân được tiếp cận với quy trình kỹ thuật nuôi cải tiến về chế độ bón phân và dinh dưỡng. Đồng thời áp dụng nhiều giải pháp như: thả giống sớm hơn, tích trữ nước mặn để sử dụng cho mùa sau, thả con giống ở độ mặn thấp và chuyển đổi canh tác giữa trứng và sinh khối để giảm thiểu ảnh hưởng khi thời tiết bất lợi. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng và thích ứng cao với điều kiện biến đổi khí hậu và biến động độ mặn tại địa phương.

Vài năm trở lại đây, sản phẩm trứng Artemia của Vĩnh Châu đã khẳng định được chất lượng, nhu cầu cung cấp cho thị trường tôm giống rất cao. Tại Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu, sản lượng sản xuất hiện không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Trần Văn Khởi, Phó Giám đốc HTX đánh giá, so với trứng Artemia của các quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc hay Nga, giá Artemia ở Việt Nam đứng ở mức cao nhất trên thị trường. Cụ thể, trứng Artemia trọng lượng 225g ở thị trường Mỹ nhập khẩu có giá 1,1 triệu đồng/lon, của Nga hoặc Trung Quốc từ 600 – 900 nghìn đồng/lon và Việt Nam lên tới từ 2 – 2,2 triệu đồng/1 lon.

Từ hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ thuận lợi, HTX Artemia Vĩnh Châu đã thiết kế khu vực riêng biệt, đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, đóng hộp trứng bào xác Artemia thành phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX này cung ứng khoảng 500kg sản phẩm ra thị trường, trong đó, 50% sản lượng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

HTX Artemia Vĩnh Châu đã thiết kế khu vực riêng biệt, đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, đóng hộp trứng bào xác Artemia thành phẩm. Ảnh: Kim Anh.

HTX Artemia Vĩnh Châu đã thiết kế khu vực riêng biệt, đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, đóng hộp trứng bào xác Artemia thành phẩm. Ảnh: Kim Anh.

Bà Phan Bạch Vân, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng nhận định, nghề nuôi Artemia vẫn còn tồn tại khó khăn. Bên cạnh đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng lực cho các HTX, thời gian tới ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cải tiến đến hộ nuôi.

Đồng thời, khuyến khích các hộ nuôi nhỏ lẻ tham gia liên kết sản xuất, xây dựng quy trình nuôi bài bản, khoa học để từng bước hình thành vùng nuôi tập trung đảm bảo yêu cầu về chất lượng, kiểm soát tốt dịch bệnh, hướng đến phát triển nghề nuôi bền vững.

Ngày 3/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 4655/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Artemia Vĩnh Châu” với sản phẩm artemia của tỉnh Sóc Trăng. Sản phẩm bao gồm: Trứng bào xác và sinh khối Artemia. Khu vực địa lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là xã Vĩnh Tân, Lai Hòa, phường Vĩnh Phước thuộc TX Vĩnh Châu.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.