Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Hạ viện hôm 23/7. Ảnh: Reuters. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra tuyên bố phản ứng lại kêu gọi kiềm chế của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, khẳng định quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, là lãnh thổ cố hữu của nước này, theo Reuters.
Trung Quốc một mặt nói tôn trọng quyền tự do hàng hải và không phận mà tất cả các nước được hưởng ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, mặt khác cho rằng "có quyền" phản ứng với máy bay và tàu nước ngoài mà nước này cho là "cố ý đến gần hoặc xâm nhập vào không phận, vùng biển" gần các đảo Trung Quốc bồi đắp trái phép. Bắc Kinh cũng cho rằng "an ninh của quân nhân Trung Quốc đồn trú tại đó bị đe dọa". Nước này tiếp tục kêu gọi "các bên liên quan thỏa hiệp" ở Biển Đông.
Duterte hôm 14/8 kêu gọi Trung Quốc xem xét lại những hành động "có thể châm ngòi xung đột" ở Biển Đông. Tổng thống Philippines khẳng định Trung Quốc không có quyền xua đuổi các máy bay và tàu đi qua các đảo nhân tạo và ông hy vọng Trung Quốc sẽ "kiềm chế" hành vi, ngừng giới hạn việc đi lại của tàu thuyền.
Đây được coi là lần chỉ trích Trung Quốc hiếm hoi của Duterte bởi từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippines thực hiện chính sách thân Bắc Kinh để đổi lấy các khoản viện trợ, cho vay và đầu tư trị giá hàng tỷ USD.
Duterte cũng nhiều lần bị phe đối lập lên án vì thể hiện lập trường mềm yếu trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng ông bác bỏ cáo buộc, tuyên bố sẽ không chấp nhận nhượng bộ Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền.
Tình hình Biển Đông căng thẳng trong những năm gần đây khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng, cải tạo phi pháp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo và xây đường băng, đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay quân sự hạng nặng. Ngoại trưởng Trung Quốc tuần trước xác nhận việc quân sự hóa Biển Đông nhưng biện bạch rằng họ làm vậy để đối phó với "một số quốc gia", ám chỉ Mỹ.
Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: CSIS/AMTI. |
Hành động của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Washington nhiều lần điều tàu và máy bay tới gần các đảo nhân tạo của Bắc Kinh để thực hiện quyền tự do hàng hải và đối phó với tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Quốc hội Mỹ hôm 3/8 thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019, trong đó yêu cầu Lầu Năm Góc phải thường xuyên báo cáo "về các hoạt động quân sự và đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông".
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là phi pháp.