| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc cấm tôm Ecuador, cơ hội nào cho tôm Việt

Thứ Tư 16/10/2019 , 10:04 (GMT+7)

Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm từ 5 công ty của Ecuador. Đây có phải là cơ hội tốt cho tôm Việt Nam?

Tôm Ecuador. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo VASEP, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm Ecuador. 5 năm trước, Trung Quốc chiếm 30% tổng xuất khẩu tôm của Ecuador (68.603 tấn, trị giá 584 triệu USD). Năm 2018, tỷ trọng này tăng lên 61% tương đương 281.718 tấn.

Ecuador cũng là nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 40% tổng giá trị nhập khẩu tôm của nước này. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc đạt 210.000 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD.

Tháng 9 vừa rồi, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm với 5 công ty xuất khẩu tôm của Ecuador do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh trên tôm.

Cụ thể, ngày 9/9, Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm từ 2 công ty xuất khẩu tôm lớn nhất của Ecuador là Industrial Pesquera Santa Priscila và Omarsa, do phát hiện virus đốm trắng (WSSV) và virus đầu vàng (YHV) có trong sản phẩm tôm xuất khẩu của 2 công ty này.

Đến ngày 11/9, Trung Quốc tiếp tục cấm nhập khẩu tôm từ 3 công ty nữa của Ecuador là  Expalsa, WinRep và Congelados y Frescos với lý do là phát hiện thấy virus đốm trắng và virus hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV).

Điều đáng chú ý là 5 công ty nói trên chiếm tới khoảng 40% tổng lượng tôm xuất khẩu của Ecuador.

Sau các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Ecuador, Trung Quốc đã tháo dỡ lệnh cấm với Omarsa và vẫn áp dụng lệnh cấm với 4 công ty còn lại. Những công ty này chỉ được phép xuất khẩu tôm đã hấp chín vào Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của lệnh cấm, giá tôm Ecuador trên thị trường Trung Quốc đã tăng 1 USD/kg.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, Trung Quốc là nước nhập khẩu tôm, nhưng cũng là nước nuôi tôm và xuất khẩu tôm. Vì vậy, họ kiểm tra rất chặt chẽ tôm nhập khẩu về dịch bệnh nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Với đặc điểm của một quốc gia vừa nhập khẩu, vừa nuôi và xuất khẩu, chắc chắn sẽ hình thành một khuynh hướng trong tương lai. Đó là khi có một vùng nào đó của Trung Quốc bị dịch bệnh trên tôm, người ta sẽ đổ lỗi cho tôm nhập khẩu. Qua đó gây áp lực khiến cho chính phủ nước này phải ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế với tôm nhập khẩu.

Việt Nam hiện đang đứng hàng thứ 5 trong số những nước xuất khẩu tôm vào Trung Quốc, với thị phần 4,8%. Trung Quốc cũng đang là bạn hàng lớn thứ 5 của tôm Việt Nam. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 336,5 triệu USD, tăg 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Việc Trung Quốc đã ban hành và đang duy trì lệnh cấm nhập khẩu tôm với 4 công ty lớn của Ecuador, có thể là cơ hội để tôm Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào Trung Quốc trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cơ hội nói trên sẽ không kéo dài mãi, vì không ai có thể biết trước được Trung Quốc sẽ duy trì lệnh cấm với 4 công ty Ecuador đến bao giờ. Bởi ngoài yếu tố dịch bệnh, điều này còn tùy thuộc vào quan hệ ngoại giao, thương mại của Trung Quốc với Ecuador, cũng như các diễn biến chính trị, thương mại quốc tế khác mà Trung Quốc có liên quan.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không nên đổ xô xuất khẩu tôm vào Trung Quốc với khối lượng quá lớn. Vì khi có tình huống mới diễn ra theo hướng có lợi cho tôm của Ecuador, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tình cảnh bất lợi, thụ động, bị ép giá.

Mặt khác, khi Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra chặt chẽ với nguồn cung tôm từ Ecuador, họ cũng sẽ làm như vậy với các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam. Không chỉ kiểm tra với bệnh đầu vàng, đốm trắng trên tôm nhập khẩu, Trung Quốc cũng có thể tăng cường kiểm tra mà cả các bệnh khác như MBV (bệnh tôm còi do tôm nhiễm virus MBV), bệnh đuôi đỏ hay hội chứng Taura, bệnh hoại tử dưới vỏ trên tôm (IHHNV)…

Vì thế, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam phải lường trước được khả năng Trung Quốc tăng cường kiểm tra ngay từ bây giờ.

Theo VASEP, để tránh bị Trung Quốc cũng như các thị trường khác cảnh báo về dịch bệnh trên các lô tôm nhập từ Việt Nam, ngành tôm cần chủ động trong việc kiểm soát, quan trắc dịch bệnh (chú trọng môi trường ao nuôi, con giống, dinh dưỡng…), đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong sản phẩm.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.