| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc có thể 'giành lại' Đài Loan vào năm 2025

Thứ Tư 06/10/2021 , 14:45 (GMT+7)

Người đứng đầu lực lượng vũ trang Đài Loan, tướng Khâu Quốc Chính cho biết, Trung Quốc có khả năng tiến hành một cuộc tấn công tổng lực Đài Loan vào năm 2025.

Người đứng đầu lực lượng vũ trang Đài Loan, tướng Khâu Quốc Chính. Ảnh: CNA

Người đứng đầu lực lượng vũ trang Đài Loan, tướng Khâu Quốc Chính. Ảnh: CNA

Tướng Khâu Quốc Chính đồng thời mô tả căng thẳng trong quan hệ giữa lục địa và eo biển hiện nay là tồi tệ nhất trong vòng 40 năm.

Bình luận của người đứng đầu quân đội Đài Loan được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tuân theo Thỏa thuận Đài Loan hôm 5/10 thông qua điện đàm.

Phát biểu với tờ China Times hôm nay (6/10), tướng Khâu Quốc Chính cho biết Trung Quốc hiện có đủ khả năng, nhưng sẽ chuẩn bị sẵn sàng để tiến hành một cuộc tấn công giành hòn đảo trong vòng ba năm.

“Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ giảm chi phí và để tiêu hao xuống mức thấp nhất. Họ có đủ năng lực ngay bây giờ, nhưng sẽ không dễ dàng bắt đầu một cuộc chiến vì phải cân nhắc nhiều thứ khác”, ông Khâu nói.

Liên tục mấy ngày vừa qua, Bắc Kinh đã điều khoảng 150 máy bay chiến đấu tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan nhân sự kiện quốc khánh Trung Quốc. Giới quan sát quốc tế nhìn nhận, đây là một sự leo thang kỷ lục về hoạt động quân sự trong vùng xám của Bắc Kinh hướng tới hòn đảo này.

Lâu nay Bắc Kinh vẫn tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và cam kết sẽ chiếm lại bằng vũ lực nếu thấy cần, đồng thời cáo buộc chính quyền dân sự của eo biển là những người ly khai. Trong khi đó, Đài Bắc nói rằng họ đã là một quốc gia có chủ quyền và không cần phải tuyên bố độc lập.

Vào hôm qua, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã viết rằng Đài Loan không phải là “những người theo chủ nghĩa phiêu lưu” mà sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để tự vệ.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trong những ngày qua ngày một leo thang càng giữa lúc có nhiều đồn đoán về thời điểm và bản chất việc Trung Quốc thực hiện động thái đối với Đài Loan.

Bình luận của tướng Khâu Quốc Chính được đưa ra sau khi cơ quan lập pháp Đài Loan xem xét dự luật ngân sách quốc phòng đặc biệt trị giá 240 tỷ Đài tệ, tương đương 8,6 tỷ USD. Trong đó khoảng 2/3 con số này sẽ được chi cho mua sắm các loại vũ khí hiện đại như hệ thống tên lửa đất đối đất và tàu chiến “hiệu suất cao”...

Ông Khâu trước đó nêu tình thế hiện nay với một ủy ban lập pháp là "nghiêm trọng nhất" trong hơn 40 năm kể từ khi ông gia nhập quân đội eo biển và có nguy cơ xảy ra "chiến sự". “Đối với tôi, với tư cách là một quân nhân, sự cấp bách đang ở ngay trước mắt”, ông Khâu nói.

Tiếp đó người đứng đầu lực lượng vũ trang Đài Loan lưu ý việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, đặc biệt là cho các máy bay chiến đấu và tàu đổ bộ hiện đại, đồng thời tăng cường hoạt động của không quân và hải quân Trung Quốc tiến sát gần Đài Loan.

“Các mối đe dọa và khiêu khích quân sự thậm chí còn nhiều hơn trước đây”, tướng Khâu nói, đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có khả năng leo thang nhanh chóng.

Hòn đảo Đài Loan vốn thường xuyên bị quân đội lục địa lấn át nên nhiều năm qua đã tập trung phát triển một hệ thống phòng thủ bất đối xứng, hay còn gọi là mô hình "con nhím" để ngăn chặn hoặc đẩy lùi một cuộc xâm lược trên bộ. Ngoài ra, eo biển cũng đã vận động hành lang để được hỗ trợ tình báo và hậu cần từ các quốc gia khác bao gồm Úc, Nhật Bản và Mỹ.

Trước đó, hôm thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và họ đã đồng ý tuân theo Thỏa thuận Đài Loan.

“Tôi đã nói chuyện với ông Tập về Đài Loan. Chúng tôi đồng ý… sẽ tuân theo Thỏa thuận Đài Loan và tôi không nghĩ ông ấy nên làm bất cứ điều gì khác ngoài việc tuân thủ thỏa thuận”, ông Biden nói.

Tuy nhiên bà Jessica Drun, nhà quan sát thuộc Tổ chức Project 2049, cho biết không rõ liệu Biden đang “bình luận về chính sách lâu đời của Mỹ đối với Đài Loan hay một cuộc trò chuyện riêng rẽ với ông Tập”. Vị này cho biết nếu đó là "chính sách một Trung Quốc" thì bà không coi đó là một thỏa thuận.

“Theo hiểu biết của tôi, đó là quy trình tiêu chuẩn trong tương tác với các đối tác Trung Quốc để mỗi bên truyền đạt quan điểm của mình. Đối với Washington, điều đó đang khẳng định chính sách “Một Trung Quốc” - là chính sách của riêng họ, được xây dựng độc lập và chắc chắn không giống với Nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ của Bắc Kinh”, bà Drun nói.

(The Guardian; CNA)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.