Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vừa công bố một dự thảo đề xuất một loạt sửa đổi đối với các quy định khác nhau liên quan đến cây trồng biến đổi gen.
Trong dự thảo nói trên, việc thay đổi các quy định về hạt giống sẽ tạo điều kiện hơn cho quy trình phê duyệt cây trồng biến đổi gen. Đây là động thái quan trọng để tiến hành thương mại hoá cây trồng biến đổi gen, đặc biệt là ngô biến đổi gen tại Trung Quốc.
Các thay đổi sẽ được thực hiện dựa trên quyết định của Ủy ban Trung ương thuộc Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc, về quản lý an toàn sinh vật biến đổi gen và phát triển ngành công nghiệp hạt giống hiện đại.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển cây trồng biến đổi gen trong nhiều năm nhưng vẫn thận trọng trong việc thương mại hóa cây trồng trong chuỗi thực phẩm và chưa bao giờ cho phép trồng đậu nành hoặc ngô biến đổi gen mặc dù chúng được nhập khẩu để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Trong số các thay đổi được đề xuất, có một điểm mới nổi bật của dự thảo đó là khi một sự kiện biến đổi gen đã được cấp phép an toàn, được đưa vào giống ngô lai đã được cấp phép (giống nền) thì chỉ cần tiến hành thêm một lần thử nghiệm canh tác trên đồng ruộng kéo dài trong 1 năm để được cấp phép lưu hành giống - thay đổi khác so với quy định trước đây là phải trải qua quy trình phê duyệt cấp phép giống từ đầu. Điều này có nghĩa là các tính trạng biến đổi gen đã được phê duyệt gần đây do các công ty Trung Quốc phát triển có thể sẵn sàng ra mắt thị trường trong vòng một năm tới.
Ông Han Gengchen, Chủ tịch của Origin Agritech Ltd, công ty Trung Quốc đầu tiên phát triển cây ngô biến đổi gen, cho biết: “Tôi tin rằng đây là một bước tiến quan trọng cho việc thương mại hóa cây trồng biến đổi gen. Các quy định mới làm rõ các thủ tục phê duyệt giống biến đổi gen và đơn giản hóa quy trình. Nó sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất thương mại ngô biến đổi gen”.
Theo ước tính của Hua’an Securities, nếu các dự thảo này được chấp thuận, Trung Quốc có thể trồng 33 triệu ha ngô biến đổi gen, tạo ra nguồn thu nhập lên đến 5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 17 nghìn tỷ VND), đồng thời tạo ra các đơn vị dẫn đầu trong thị trường và thúc đẩy sự hợp nhất nhanh chóng trong ngành.