Với dòng tít: "Trung Quốc nắn gân Việt Nam," báo Đức Deutsche Welle ngày 8/5 tiếp tục đưa tin về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông.
Bài báo dẫn lời chuyên gia Ernest Bauer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ bày tỏ nghi ngờ trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại một cuộc họp báo nói rằng Bắc Kinh đặt giàn khoan trong vùng lãnh hải nước họ và do vậy đó là điều "bình thường và hợp pháp."
Theo ông Bauer, khu vực đặt giàn khoan rõ ràng gây tranh cãi và hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) cũng như trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) mà Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đã thông qua năm 2002.
Theo chuyên gia trên, Việt Nam chắc chắn sẽ quyết ngăn chặn Trung Quốc thiết lập giàn khoan tại vùng biển của họ. Ông cũng nhận định với tiềm năng quân sự của Việt Nam, đặc biệt khi nước này mới mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga, sẽ khiến tính hình đặc biệt nguy hiểm và căng thẳng giữa hai nước hiện đã bị đẩy lên tới mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Bài báo cũng cho rằng sự phản ứng giận dữ của Việt Nam trước vụ việc trên đã cho thấy căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khi người Việt Nam đang mất niềm tin sâu sắc đối với quốc gia láng giềng khổng lồ ở miền Bắc.
Cùng ngày, báo Tagesschau của Đức cũng dẫn lời Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học South Wales, Australia cho rằng Trung Quốc không thể đơn giản đưa giàn khoan dầu xâm phạm và khai thác dầu mà không có sự cho phép của Việt Nam.
Theo ông Thayer, đó là hành động gây hấn cao độ khi có tới 70 tàu các loại, từ tàu ngư chính nhỏ tới tàu hải quân, tham gia bảo vệ giàn khoan. Ông Thayer khẳng định đó là hành động bất hợp pháp.