Nga, Trung đổi ý, bỏ phiếu phạt Triều Tiên
Theo AFP, dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do Mỹ soạn thảo sau 2 vụ thử tên lửa hồi tháng 7 vừa qua. Vụ gần nhất diễn ra hôm 29/7, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có tầm bắn vươn tới Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Nghị quyết 2371 cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng chì, chì và hải sản. Theo ước tính, lệnh trừng phạt mới sẽ khiến xuất khẩu của Bình Nhưỡng giảm 1/3, tương đương 1 tỉ USD so với mức doanh thu 3 tỉ USD mỗi năm hiện tại. Nghị quyết đồng thời cấm các nước tăng số lao động Triều Tiên ở nước ngoài, cấm các hình thức liên doanh mới với Triều Tiên, cấm tất cả các hoạt động đầu tư mới trong các công ty liên doanh hiện nay. Nghị quyết cũng liệt kê vào danh sách trừng phạt 9 cá nhân và 4 đơn vị Triều Tiên, bao gồm 1 ngân hàng. Các đối tượng này chịu lệnh phong toả tài sản trên toàn thế giới và cấm đi lại.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Nikki Haley hân hoan tuyên bố, lệnh trừng phạt là một “cảnh báo” đối với chính quyền Bình Nhưỡng. Bà Haley mặc dù vậy khẳng định, mối đe doạ từ Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt và (cộng đồng quốc tế) cần các biện pháp tiếp theo. Theo bà Haley, Mỹ “đã có một tuần lễ đàm phán khó khăn” trước khi dẫn tới kết quả trên.
Theo AFP, đây là lần đầu tiên một lệnh trừng phạt (rất cứng rắn) nhằm vào Triều Tiên được thông qua, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Trên trang cá nhân Twitter, ông Trump đã lên tiếng hoan nghênh Nga và Trung Quốc, 2 thành viên Thường trực trong Hội đồng Bảo an. “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên với tỉ lệ 15-0. Trung Quốc và Nga đã bỏ phiếu cùng chúng ta. Tác động tài chính là rất lớn”-Tổng thống Donald Trump viết.
Reuters cho biết trong dự thảo nghị quyết ban đầu, các biện pháp nhằm vào nguồn cung dầu cho Triều Tiên đã bị bỏ do Nga cùng Trung Quốc lo ngại tác động xấu tới cuộc khủng hoảng ở nước này.
Bắc Kinh động viên Bình Nhưỡng
Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN tổ chức tại Manil, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên “không phải mục tiêu cuối cùng”. Ông Vương kêu gọi các nước liên quan tiếp tục đàm phán, để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa ở bán đảo Triều Tiên, hướng tới ổn định khu vực lâu dài.
Trước đó, truyền thông Triều Tiên tuyên bố, sẽ “dìm Mỹ trong biển lửa” nếu không từ bỏ chính sách thù địch đối với nước này. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm qua cho hay, tại Manila, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho. Ông Vương đã đề nghị Bình Nhưỡng “giữ bình tĩnh” sau khi có lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, đồng thời cảnh báo tình hình ở bán đảo Triều Tiên đang ở gần “điểm khủng hoảng”.
Reuters mô tả, hai nhà ngoại giao Trung-Triều xuất hiện với gương mặt vui vẻ. Ông Ri đã cười tươi khi bắt tay ông Vương. Ngoại trưởng Trung Quốc đặt tay lên vai người đồng cấp Triều Tiên rồi cả hai cùng đi vào phòng họp.
Các nhà Ngoại giao Liên Hợp Quốc ước tính, Triều Tiên dự kiến trong năm 2017 có thể thu 251 triệu USD từ xuất khẩu sắt và quặng sắt, 113 triệu USD từ chì, quặng chì và 295 triệu USD từ hải sản. Khó ước tính nước này thu được bao nhiêu từ việc gửi công nhân lao động ra nước ngoài. Tuy nhiên theo báo cáo của các nhà điều tra nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong năm 2015 Bình Nhưỡng đã buộc 50.000 lao động làm việc ngoài nước, chủ yếu ở Nga và Trung Quốc. Hoạt động của lao động ở nước ngoài giúp Bình Nhưỡng thu khoảng 1,2-2,3 tỉ USD mỗi năm. Theo chuyên gia Thomas Byrne, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Triều Tiên (New York), Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ tìm cách né lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.