| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc vẫn duy trì nghiêm ngặt chính sách 'Zero Covid', kiểm tra, kiểm hóa 100% nông sản nhập khẩu

Thứ Năm 18/08/2022 , 13:32 (GMT+7)

Trung Quốc đang duy trì nghiêm ngặt chính sách Zero Covid, thực hiện phun khử khuẩn và kiểm hoá 100% đối với hàng nông sản, hoa quả nhập khẩu.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phát biểu trực tuyến tại hội nghị 'Xuất khẩu nông sản, thực phẩm thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248; 249 và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2'. Ảnh: Văn Việt.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phát biểu trực tuyến tại hội nghị “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248; 249 và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2”. Ảnh: Văn Việt.

Phát biểu tại hội nghị “Xuất khẩu nông sản, thực phẩm thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248; 249 và kiểm soát nghiêm ngặt về phòng chống Sar-CoV2” do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật tổ chức ngày 17/8, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, cho biết Trung Quốc đang duy trì nghiêm ngặt chính sách 'Zero Covid', kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt hàng hoá nhập khẩu vào Trung Quốc, thực hiện phun khử khuẩn và kiểm hoá 100% đối với hàng nông sản, hoa quả nhập khẩu; thường xuyên thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu.

“Khi phát hiện cửa khẩu phía ta phát sinh ca dương tính với COVID-19 thì đơn phương đóng cửa khẩu, tạm dừng thông quan. Chính vì vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn luôn nhận định rằng việc làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 chính là tiền đề để duy trì và thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”, ông Duy nói.

Đại diện của Lạng Sơn cho biết trong năm 2022, do tình hình dịch bệnh hai nước Việt - Trung diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ trên toàn tuyến biên giới, trong đó có các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán, năng lực thông quan qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giảm mạnh, có thời điểm tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ đạt khoảng 100 xe/ngày.

Xe chở chuối xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Văn Việt.

Xe chở chuối xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Văn Việt.

Lượng phương tiện ừn ứ chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất lớn, cao điểm tồn trên 2.000 xe/ngày; gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu đồng thời tạo áp lực rất lớn cho công tác quản lý cũng như phòng, chống dịch của tỉnh Lạng Sơn.

Trước tình hình đó, Ban Quản lý đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc và thống nhất được các phương án giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma theo mô hình cắt, nối container, đảm bảo nhân viên hai nước không tiếp xúc trong suốt quá trình thực hiện.

Cụ thể: Xe đầu kéo kéo theo container chứa hàng xuất khẩu đến bến bãi chỉ định (tại Tân Thanh bến bãi bên phía Pò Chài, Trung Quốc; tại Hữu Nghị là tại bãi Xuân Cương, Việt Nam); sau đó thực hiện cắt container và nhận 1 container chứa hàng nhập khẩu, hoặc là container không hàng (container đã trả hàng xong) trở về nước.

Tỉnh Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện phương thức này và hiện đã đạt được hiệu quả rõ rệt, hiệu suất thông quan tăng mạnh, lượng xe xuất nhập khẩu trung bình từ đầu tháng 7/2022 đã tăng 15,8% so với tháng 6, đạt khoảng 730 xe/ngày, trong đó xuất 310 xe/ngày (tăng 14,8%), nhập 420 xe/ngày (tăng 19,3%), và tăng gần 700% so với thời điểm trước khi thống nhất được phương thức giao nhận hàng hóa mới.

Hiện tại cơ bản phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều được giải phóng hết trong ngày, không có phương tiện tồn lâu ngày.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuyên nghiệp hơn

Trong phần tham luận về giải pháp tăng cường xuất khẩu nông sản, đại diện tỉnh Lạng Sơn cho biết các doanh nghiệp, thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, hoa quả cần chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp hơn. Công tác sản xuất cần chú trọng chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng chống dịch,…

Đồng thời, đa dạng các loại hình vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối với các đối tác mới tại thị trường Trung Quốc cũng như tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới; nâng cao năng lực đánh giá tình hình thực tế và bám sát các tín hiệu, đáp ứng yêu cầu của từng thị trường để xuất khẩu nông sản, hoa quả đem lại hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Duy khẳng định Trung Quốc không phải thị trường dễ tính. “Họ sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm hóa rất chặt chẽ. Hàng hóa không đạt chuẩn, kể cả bao bì chưa đúng, cũng sẽ bị trả về. Do đó, các thủ tục đã thống nhất giữa hai nước về thu hoạch, đóng gói, đều phải chuyên nghiệp”.

Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu đề nghị Bộ NN-PTNT tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với 8 loại hoa quả còn lại (thanh long, xoài, nhãn, dưa hấu, chôm chôm, vải, chuối và mít) để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Container xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc rời Bến xe Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Văn Việt.

Container xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc rời Bến xe Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Văn Việt.

Đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND các tỉnh, thành phố có hàng nông sản, hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ cần tăng cường giám sát, quản lý, đảm bảo các vùng trồng, vùng sản xuất xuất khẩu an toàn với dịch bệnh COVID-19, đảm bảo chất lượng sản phẩm, công tác thu hái, đóng gói, bảo quản, vận chuyển hàng hóa được thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa là hoa quả phải bảo quản trong container lạnh trong quá trình vận chuyển nhằm hạn chế nguy cơ virus SARS-CoV-2 tồn tại bên ngoài bao bì các sản phẩm đông lạnh.

Tuyên truyền cho các doanh nghiệp, chủ hàng của địa phương chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn (Qua trang thông tin điện tử của Ban Quản lý) để có kế hoạch  đưa hàng lên khu vực cửa khẩu với số lượng phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mình, tránh vừa gây ùn tắc khu vực cửa khẩu, vừa hạn chế các thiệt hại phát sinh.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.