"Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ nhập khẩu đối với 5 cơ sở chế biến thịt bò của Australia. Đây là tin đáng mừng cho các nhà sản xuất của chúng ta, đồng thời khẳng định cách tiếp cận bình tĩnh và nhất quán của chính phủ Thủ tướng Anthony Albanese", Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết trong một tuyên bố ngày 30/5.
Hồi năm 2020, Trung Quốc đã áp lệnh cấm đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Australia, bao gồm than, rượu, lúa mạch và tôm hùm đá, sau khi Thủ tướng Australia khi đó là Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Trong khi Bắc Kinh khẳng định áp lệnh cấm nhập khẩu là do các vấn đề thương mại như chống bán phá giá, các biện pháp này được Australia xem là một động thái chính trị nhằm trừng phạt Canberra.
Nhiều hạn chế đã được dỡ bỏ kể từ khi ông Anthony Albanese, lãnh đạo Công đảng Australia, lên nắm quyền điều hành chính phủ từ năm 2022, sau gần một thập kỷ phe bảo thủ lãnh đạo.
Bắc Kinh là thị trường xuất khẩu thịt bò lớn thứ 2 của Canberra trong năm 2023, nhập khẩu 240.000 tấn thịt bò với giá trị khoảng 1,6 tỷ USD, theo dữ liệu thương mại của Australia.
Bà Wong cho biết, 2 nước đến nay đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với tổng cộng 8 cơ sở chế biến thịt bò, sau khi nối lại nhập khẩu từ năm 2023. Australia hiện chỉ còn 2 cơ sở vẫn bị Trung Quốc đình chỉ.
"Chúng tôi khẳng định rằng việc gỡ bỏ các trở ngại thương mại còn lại là vì lợi ích của cả Australia và Trung Quốc", bà nói. Bà Wong cũng cho biết những lệnh hạn chế thương mại của Trung Quốc ở giai đoạn căng thẳng nhất đã khiến Australia thiệt hại 20,6 tỷ AUD (13,6 tỷ USD).
Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Trung Quốc hồi tháng 3/2024 tuyên bố sẽ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối đối với rượu vang Austraslia, sau khi dỡ bỏ các hạn chế đối với than, gỗ và lúa mạch nhập khẩu. Trong khi đó, tôm hùm đá của nước này vẫn phải chịu lệnh hạn chế thương mại từ Trung Quốc.