Các cơ quan y tế thông báo rằng đã có thêm 1.303 trường hợp được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Trước đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết hôm thứ Hai (17/2) rằng vào ngày 11/2, có hơn 3.000 trường hợp nhiễm virus Corona trong số các nhân viên y tế, 1.716 người có kết quả xét nghiệm dương tính và cho thấy các triệu chứng.
Vài giờ sau khi những con số mới được công bố, nhà chức trách thông báo rằng Lưu Trí Minh, người đứng đầu Bệnh viện Vũ Xương ở Vũ Hán, tâm dịch ở miền trung Trung Quốc, đã chết ở tuổi 50.
Bác sĩ Lưu được chẩn đoán mắc Covid-19 vào cuối tháng 1 và đã ở trong tình trạng nguy kịch trong nhiều ngày, vợ ông nói với Red Star News, một trang tin tức do Tập đoàn truyền thông Thành Đô điều hành.
Ông là nhân viên y tế thứ hai chết vì Covid-19 trong một tuần; trước đó là y tá Liu Fan 59 tuổi qua đời hôm thứ Sáu (14/2).
Việc nhân viên y tế nhiễm virus đã gây ra sự tức giận lan rộng, đặc biệt là sau khi xuất hiện cảnh báo nguy hiểm của một số bác sĩ bị bỏ qua hoặc im lặng.
Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã chết vào ngày 7/2 sau khi nhiễm Covid-19 từ một bệnh nhân đục thủy tinh thể vào đầu tháng 1.
Vào tuần trước, hơn 230 nhân viên tại bệnh viện của Lý đã nhiễm virus, tờ China News Weekly thông báo vào hôm thứ Ba (11/2).
Báo cáo nói rằng một trong những đồng nghiệp của Lý đã bị chính quyền buộc im lặng sau khi cô hai lần cố gắng thông báo cho bệnh viện về khả năng lây truyền từ người sang người.
Ai Fen, Trưởng Khoa cấp cứu của bệnh viện, được trích dẫn nói rằng cô bị Ủy ban kỷ luật của bệnh viện khiển trách vào ngày 2/1 sau khi cố gắng thông báo với bệnh viện chuyện virus lây từ người sang người trong các ngày từ 30/12/2019 đến 1/1/2020.
“Cô không có nguyên tắc chuyên nghiệp, cô đang tạo ra những tin đồn và gây rắc rối. Hành vi vô trách nhiệm của cô tạo ra sự hoảng loạn xã hội, và ảnh hưởng đến sự phát triển và ổn định của Vũ Hán”, đó là những gì lãnh đạo ủy ban nói với Ai.
Sau khi Ai bị kỷ luật, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã ra lệnh cho tất cả nhân viên giữ im lặng về vụ dịch, theo báo cáo.
Lúc đầu, chỉ có một vài khoa trong bệnh viện, chẳng hạn như khoa cấp cứu và hô hấp, biết nhiều hơn về căn bệnh này, Ai kể lại.
Cô nói thêm, mặc dù các ca nhiễm bệnh tăng mạnh vào đầu tháng 1, nhưng hầu hết các nhân viên bệnh viện đều mất cảnh giác vì trong khoảng thời gian trước ngày 15/1, người ta tin không có sự lây truyền từ người sang người.
Ủy ban Y tế của Vũ Hán lần đầu tiên công bố 27 trường hợp mắc bệnh viêm phổi siêu vi không rõ nguyên nhân vào ngày 31/12, nhưng nói rằng không có bằng chứng lây truyền từ người sang người.
Trung Quốc chỉ xác nhận Covid-19 lây truyền từ người sang người vào ngày 20/1.
Theo báo cáo của CDC, 1.080 trong số các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh đầu tiên đã ở Vũ Hán, và trong số đó có 191 người đang ở trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch. Đầu tháng 1, tỷ lệ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh của Vũ Hán trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch cao tới 38,9%.
Tại một thời điểm vào đầu tháng 1, có tới 45% nhân viên y tế Trung Quốc bị nhiễm bệnh trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch, báo cáo cho biết..
Quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quóc Jiao Yahui thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CCTV vào hôm thứ Hai rằng việc thiếu điều trị kịp thời và nguồn lực bị quá tải của bệnh viện khiến nhân viên y tế Vũ Hán có tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn so với phần còn lại của đất nước.
"Đặc biệt trong giai đoạn đầu, vì các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được thực hiện kịp thời, vẫn còn nhiều trường hợp cộng đồng không được điều trị đúng lúc", Jiao nói.