* “Khai tử” cơ sở giết mổ và chế biến thịt lợn không đảm bảo
Doanh nghiệp giết mổ phải tự kiểm tra dịch ASF
Ngày 15/3/2019, Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc phát đi thông báo về việc tăng cường kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi trong khâu giết mổ. Theo đó, cơ quan này yêu cầu các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương triển khai nhiều nội dung quan trọng.
Đối với các cơ sở bán các sản phẩm giết mổ liên tỉnh và giết mổ trên 100.000 con lợn mỗi năm (bao gồm cả các cơ sở giết mổ và chế biến lợn tích hợp), phải triển khai việc tự kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi muộn nhất vào ngày 1/4/2019.
Nhân viên thú y ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, lấy mẫu máu ở lợn để xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi. |
Các cơ sở giết mổ trên 50.000 – 100.000 con mỗi năm phải triển khai việc tự kiểm tra dịch tả lợn Châu Phi trước ngày 1/5. Trường hợp không thể thực hiện yêu cầu kiểm soát trong thời hạn quy định, cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành chăn nuôi và thú y sẽ tiến hành xử lý theo “Điều lệ quản lý giết mổ lợn” và các quy định liên quan. Trước ngày 31/7/2019, Bộ Nông nghiệp và nông thôn sẽ công bố danh sách tất cả các doanh nghiệp giết mổ lợn hợp pháp trong nước.
Bác sĩ thú y tại các trạm ở địa phương phải thực hiện kiểm tra, lấy tất cả các mẫu máu lợn trước khi nhập lợn vào chuồng (tính bằng xe) và tiến hành thử nghiệm sau khi trộn đều mẫu. Nếu phát hiện diễn biến bệnh dịch điển hình của dịch tả lợn Châu Phi trong quá trình giết mổ, cần phải dừng ngay việc giết mổ, đưa những con lợn nghi ngờ chuyển đến phòng cách ly, thu thập mô bệnh và mẫu máu để xét nghiệm.
Máu lợn được sử dụng để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi luôn được kiểm tra bằng cách lấy 3 mẫu trên mỗi xe trước khi xuất chuồng. Việc thu thập, vận chuyển và lưu trữ mẫu phải đáp ứng yêu cầu của “Phương án xử lý khẩn cấp tình trạng dịch tả lợn Châu Phi năm 2019”.
Tước giấy phép hoạt động của cơ sở giết mổ không đạt điều kiện
Nếu cơ sở giết mổ phát hiện axit nucleic dương tính của virus dịch tả lợn châu Phi, phải lập tức dừng sản xuất, báo cáo kết quả xét nghiệm cho bác sĩ thú y thường trú chính thức và gửi mẫu dương tính đến Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh động vật của tỉnh để chẩn đoán chính xác.
Nếu chẩn đoán là âm tính, phải kịp thời thông báo cho sơ sở đó khôi phục việc sản xuất. Nếu axit nucleic của lợn được chẩn đoán là dương tính, phải áp dụng biện pháp xử lý khẩn cấp. Sau 48 giờ, có thể đề nghị cơ quan kiểm soát dịch bệnh động vật ở địa phương tiến hành đánh giá, trường hợp đánh giá đạt tiêu chuẩn có thể khôi phục sản xuất.
Còn đối với những con lợn đã giết mổ (bao gồm cùng một lô lợn đã được giết mổ) được trợ cấp theo thông báo ban hành của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và nông thôn, nếu trong khâu kiểm soát chế biến và lưu thông sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh động vật ở địa phương phát hiện ra rằng, cơ sở giết mổ đã để sản phẩm lợn dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi được “tuồn” ra khỏi cơ sở (lò) giết mổ do không kiểm soát sát sao và gian lận gây nên, thì phải tiêu hủy các sản phẩm lợn tại chỗ, đồng thời lệnh cho các sơ sở giết mổ thu hồi cùng một lô sản phẩm và tiêu hủy theo quy định, tạm dừng các hoạt động giết mổ, làm sạch và khử trùng triệt để, việc sản xuất có thể được khôi phục sau 15 ngày sau khi được đánh giá đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc cũng đề nghị các địa phương phải kết hợp thực hiện các yêu cầu kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi, tổ chức làm vệ sinh toàn diện các cơ sở giết mổ lợn trước ngày 1 tháng 5.
Đối với những cơ sở không có giấy phép xả thải và không đáp ứng yêu cầu phòng ngừa dịch bệnh động vật đều lập tức bị đình chỉ sản xuất trước ngày 1/7. Đồng thời khuyến khích các cơ sở giết mổ xây dựng thí điểm thông qua sáp nhập, tổ chức lại cơ cấu và tiêu chuẩn hóa, nhằm nâng cao việc quy mô hóa, quy chuẩn hóa và tiêu chuẩn hóa trình độ.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, Trung Quốc đã chủ động sống chung với dịch, không “ngăn sông – cấm chợ” trong lưu thông, mua bán lợn, sản phẩm thịt lợn. Trong đó, việc triển khai chế độ tự kiểm tra dịch tả lợn Châu Phi tại các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ và củng cố, tăng cường năng lực của hệ thống trạm thú y chính thức trong quy trình giết mổ sẽ là điểm then chốt trong việc cắt đứt chuỗi truyền virus và phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.
* Nguồn Website của Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc (www.moa.gov.cn)