Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Bắc Kinh ngày 14/9. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Maduro xác nhận trên truyền hình quốc gia rằng "có một số khoản cam kết tài chính để thúc đẩy việc sản xuất dầu và vàng cũng như việc đầu tư vào 500 dự án phát triển ở Venezuela", theo AFP.
Tổng thống Venezuela bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hôm 14/9 với hy vọng có thể thuyết phục Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng của quốc gia này.
Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đổ hơn 50 tỷ USD vào Venezuela thông qua các thỏa thuận cho vay để đổi lấy dầu nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế phát triển nhanh, đồng thời củng cố một đồng minh tại Nam Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn tiền trên bị ngừng lại vào hơn ba năm trước, khi Venezuela đề nghị thay đổi các điều khoản trả nợ vì giá dầu lao dốc và tình trạng suy giảm sản lượng khai thác dầu thô.
Hiện Venezuela nợ Trung Quốc 20 tỷ USD và đang hoàn trả bằng các chuyến dầu thô. Theo công ty tư vấn Ecoanalitica của Venezuela, ông Maduro, sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể quay trở về với khoản vay 5 tỷ và được gia hạn thêm 6 tháng để đáo hạn nợ. Tổng thống Maduro chưa xác minh khoản vay mới này.
Giới truyền thông Trung Quốc cho biết trong cuộc họp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Maduro cảm ơn Trung Quốc về sự cảm thông và hỗ trợ lâu dài. Ông Tập nói hai nước nên thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi và đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, đồng thời củng cố niềm tin lẫn nhau về chính trị. Hai bên cũng ký bản ghi nhớ về năng lượng và khai thác mỏ, theo ông Maduro, trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ.
Sản lượng khai thác dầu, chiếm tới 96% nguồn thu ngân sách của Venezuela, giảm xuống chỉ còn 1,4 triệu thùng một ngày hồi tháng 8, mức thấp nhất trong 30 năm qua, theo số liệu của OPEC.
Từng là quốc gia giàu có bậc nhất ở khu vực Nam Mỹ, Venezuela đang ở bờ vực sụp đổ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Venezuela đã giảm hơn 40% kể từ năm 2013. Chính phủ Venezuela đã công bố một loạt các biện pháp bao gồm phá giá tiền tệ, xóa bỏ năm số 0 khỏi giá trị của đồng Bolivar và nâng mức lương tối thiểu lên 3.500%.
Hơn 1,6 triệu người dân Venezuela đã tháo chạy khỏi đất nước từ năm 2015 để thoát khỏi tình cảnh thiếu lương thực và thuốc men.