Bọ xít Arma chinensis (trái) và sâu keo mùa thu. Ảnh: SCMP. |
Loài bọ xít Arma chinensis là thiên địch của sâu keo mùa thu, theo Viện Bảo vệ thực vật thuộc Học viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu tại viện tin rằng kiểu "dĩ độc trị độc" này chính là giải pháp sinh học hữu hiệu giúp kiểm soát loài sâu keo mùa thu.
Sâu keo mùa thu, tên khoa học Spodoptera frugiperda, dài khoảng 2,5cm, xuất hiện ở Trung Quốc từ đầu năm nay, sau khi lây lan từ châu Mỹ tới châu Phi và nhiều khu vực ở Nam Á. Hiện chưa có biện pháp diệt loài này trên diện rộng.
Một con bọ xít trưởng thành có thể tiêu diệt tới 41 ấu trùng sâu keo mùa thu trong một ngày. Chúng gây tê rồi hút chất lỏng khỏi cơ thể con mồi, gây tổn thương nghiêm trọng nội tạng con mồi, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện trong một đợt thử nghiệm ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc.
Sâu keo mùa thu đã tàn phá cây trồng tại 18 tỉnh và được dự báo lây lan tới “vành đai ngô” ở vùng đông bắc Trung Quốc trong tháng 6 này. Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 29/5 đã cảnh báo “nguy cơ cao” sâu keo mùa thu xuất hiện và hoành hành ở khắp các vùng trồng trọt của Trung Quốc trong năm 2020.
Hiện tại, Viện Bảo vệ thực vật đã thiết lập một “nhà máy” có thể nuôi 10 triệu con bọ xít mỗi năm để kiểm soát sâu keo mùa thu mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào thuốc trừ sâu.
Bọ xít phân bố rộng rãi ở Trung Quốc, thường tìm thấy trên các cánh đồng bông, đậu tương, các nhà nghiên cứu của viện cho biết trong báo cáo năm 2012. Bọ xít ăn nhiều loại côn trùng khác, trong đó có sâu ăn bông, và có thể trấn áp các loài bọ cánh vẩy, bọ cánh cứng, bọ cánh màng và bọ cánh nửa.