| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới

Thứ Tư 08/11/2023 , 19:00 (GMT+7)

Theo báo cáo mới đây, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới sau khi số tiền các nước khác đang nợ họ tăng lên mức 1,1 - 1,5 nghìn tỷ USD.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Kể từ năm 2017, Trung Quốc giữ vị trí chủ nợ song phương lớn nhất thế giới. Các ngân hàng phát triển của nước này đã cấp gần 500 tỷ USD trong giai đoạn năm 2008 - 2021. Một khoản trong số này có trước sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của trung tâm nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary (Mỹ) cho thấy Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hiện đang đảm nhận vai trò nhà thu hồi nợ quốc tế kiêm nhà tài trợ song phương cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Khoản vay từ các ngân hàng Trung Quốc đã giúp xây dựng đường sắt ở Kenya và các nhà máy điện ở Campuchia, cùng hàng nghìn dự án khác. Các nhà nghiên cứu của AidData phân tích 20.985 dự án ở 165 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã nhận tài trợ và khoản vay trị giá 1,34 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021.

Dựa trên số liệu về hoạt động cấp vốn của Trung Quốc, AidData cho biết đến nay Bắc Kinh đã cam kết viện trợ và cho vay “khoảng 80 tỷ USD mỗi năm, cho các nước thu nhập thấp và trung bình". Trong khi đó, Mỹ cung cấp khoảng 60 tỷ USD mỗi năm cho nhóm quốc gia này.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi các khoản nợ Trung Quốc tăng lên, số lượng các dự án bị đình chỉ hoặc hủy bỏ cũng tăng lên. Với tỷ trọng cho vay cao đối với các quốc gia đang hoặc có nguy cơ gặp khó khăn về tài chính, Bắc Kinh hiện đang ngày càng lo lắng về nguy cơ vỡ nợ.

Hồi tháng 6/2023, Zambia đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm tái cơ cấu khoản nợ 6,3 tỷ USD, 2/3 trong đó là nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, một trong 2 ngân hàng chính sách chính nước này.

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con Đường do ông Tập Cận Bình khởi xướng. Ảnh: GlobalTimes.

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con Đường do ông Tập Cận Bình khởi xướng. Ảnh: GlobalTimes.

Để giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp, bao gồm giảm các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng đồng thời tăng cường cho vay khẩn cấp. Năm 2015, dự án cơ sở hạ tầng chiếm hơn 60% danh mục cho vay của Trung Quốc. Đến năm 2021, tỷ lệ này chỉ còn hơn 30%, trong khi vay khẩn cấp chiếm gần 60%.

Bên cạnh đó, các chủ nợ Trung Quốc đã nỗ lực giảm rủi ro bằng cách tăng hình phạt đối với các khoản trả nợ trễ. Báo cáo của AidData cho thấy tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với Trung Quốc ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã giảm từ 56% vào năm 2019 xuống còn 40% vào năm 2021.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định các điều khoản và điều kiện cho vay của Trung Quốc thường không minh bạch, song các khoản vay của chính phủ Trung Quốc dành cho các nước thu nhập thấp thường có lãi suất 2%, trong khi các khoản vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) thường ở mức 1,54%.

Trong khi đó các nhà nghiên cứu của AidData phát hiện ra rằng giữa những năm đầu của BRI (2014 - 2017) và giai đoạn sau (2018 - 2021), các chủ nợ Trung Quốc đã tăng lãi suất phạt tối đa cho các khoản trả nợ trễ từ 3% lên 8,7%.

"Trung Quốc sẽ không đứng yên nhìn sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu chủ chốt của mình sụp đổ. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực nhằm giảm thiểu gánh nặng nợ nần và chính phủ cũng có kế hoạch dài hạn. Họ đang đưa ra một loạt các biện pháp đảm bảo việc trả nợ, được thiết kế để bảo vệ sáng kiến Vành đai và Con đường trong tương lai", Bradley Parks, giám đốc điều hành AidData và cũng là một trong những tác giả của báo cáo trên, kết luận.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.