Hà Nội – mảnh đất trăm nghề
Nghệ nhân Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Gốm Bát Tràng Hà Nội, chia sẻ: “Hà Nội là đất trăm nghề, có tới 1.350 làng có nghề, trong đó có 308 làng nghề truyền thống và là cái nôi làng nghề đông nhất cả nước, có nhiều làng nghề được lưu giữ qua hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi”.
Hàng năm, sản phẩm của làng nghề Hà Nội xuất khẩu ra thế giới vài tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trong các vùng nông thôn. Đặc biệt, có tới 75% là lao động nữ, đây còn là nơi bảo tồn và phát triển đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân Hà Thị Vinh nhấn mạnh, trong các làng nghề đang phát triển, phải kể đến vùng sản xuất gốm sứ sầm uất nhất cả nước, gồm các làng nghề Bát Tràng, Giang Cao và Kim Lan.
Ba làng nghề ở đây chủ yếu sản xuất các dòng hàng gồm sứ mỹ nghệ trang trí nội, ngoại thất, gốm sứ đồ tiêu dùng như bát, đĩa, ấm chén, gốm sứ mỹ nghệ trang trí trong kiến trúc, sản phẩm phong phú và đa dạng.
Nơi đây đã chiếm tới 85% trên tổng số doanh nghiệp và hộ làm nghề gốm sứ, xuất khẩu sang khoảng 30 nước trên thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ngay tại địa phương. Các chuỗi cung ứng khá chuyên nghiệp, bao gồm các nhà cung cấp nguyên liệu đa dạng cho các chủng loại như: đất, men, màu; các nhà cung cấp lò nung, khí gas hóa lỏng, thiết bị và dụng cụ sản xuất...
Tuy nhiên, diện tích mặt bằng sản xuất tại các làng nghề ở Hà Nội khá chật hẹp, nhất là ở các làng nghề gốm sứ. Các hộ sản xuất gốm sứ chỉ có diện tích mặt bằng khoảng 150 – 200m2/hộ, bao gồm xưởng sản xuất, lò nung, khu chứa gas và nhà ở. Hiện xã Bát Tràng đã có cụm công nghiệp làng nghề, song diện tích đầu tư chỉ có trên 10ha là quá nhỏ so với nhu cầu.
Cũng theo bà Hà Thị Vinh, vùng nguyên liệu không được quy hoạch, thậm chí các mỏ cao lanh trong lòng đất thì trên là khu công nghiệp, đô thị; quy mô khai thác nhỏ, không có thiết bị chuyên dụng và nhân sự khai thác thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến lãng phí tài nguyên, chất lượng nguyên liệu không ổn định.
Đặc thù sản xuất gốm sứ mỹ nghệ là phải chạm được vào cảm xúc của người mua, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đồng thời phải có thiết kế sản phẩm mới để tạo hấp dẫn cho thị trường, mới đảm bảo sản xuất liên tục và bền vững.
Hà Nội tạo cú hích xúc tiến thương mại sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Hàng năm Thành phố Hà Nội đều tổ chức thi thiết kế cho ngành thủ công mỹ nghệ, trong đó có gốm sứ, thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ đào tạo thiết kế trong các làng nghề.
Đặc biệt, Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà nội đã đầu tư nguồn kinh phí đáng kể cho các chương trình xúc tiến thương mại thông qua tổ chức các hội chợ như: hội chợ cho sản phẩm chủ lực, hàng hóa người tiêu dùng ưa thích, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...
Các điểm bán hàng OCOP được trải rộng trong khắp các quận, huyện, thành phố. Đặc biệt vào tháng 10 hàng năm, Thành phố tổ chức hội chợ Gift show nhằm bán buôn cho các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Đây là hội chợ quan trọng và hiệu quả cho các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ có cơ hội tìm kiếm các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Đặc biệt, hàng năm thế giới có một số hội chợ lớn chuyên ngành thủ công mỹ nghệ diễn ra thường niên và rất chuyên nghiệp như: Hội chợ Ambiente Frankfurt tháng 2 tại Đức; hội chợ HongKong Mega Show tháng 10; hội chợ Pháp Maison tháng 9; Hội chợ Nhật Bản Tokyo Gift show tháng 10... Thành phố Hà Nội cũng đã có nguồn kinh phí hỗ trợ phí thuê gian hàng để khuyến khích các nhà sản xuất tham gia.
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt
Bà Hà Thị Vinh cho biết, Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh với 16 đời làm nghề tại làng gốm Bát Tràng đã cùng phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo, cùng chung sức, đồng lòng để xây dựng nên một Trung tâm “Tinh hoa làng nghề Việt” nằm ngay tại cửa ngõ của làng Bát Tràng cổ trên diện tích 3.300m2 sàn, xây dựng 5 tầng với tổng vốn đầu tư cho xây dựng trên 130 tỷ đồng.
Trong đó bao gồm một khu trại sáng tác để thu hút các nghệ nhân, nghệ sĩ, họa sỹ, những người yêu gốm và sân chơi này là nơi để họ thăng hoa, tạo nên những tác phẩm gốm để đời.
Bên cạnh trại sáng tác còn có một khu dành cho ươm tạo các ý tưởng thiết kế gốm, giúp cho các em sinh viên các trường Đại học Bách Khoa, Mỹ thuật Công nghiệp, Mỹ thuật Yết Kiêu có thể vào đây thực tập miễn phí, để họ có điều kiện hoàn thiện kiến thức học tại trường, ra được những kết quả tốt nhất, có cơ hội tốt nhất được giao lưu với các thế hệ tiền bối bên trại sáng tác, đồng thời có cơ hội hành nghề ngay tại vùng sản xuất gốm sứ nổi tiếng tại đây.
Ngoài ra, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt có trên 50 ki ốt giúp cho các nghệ nhân, các làng nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của Hà Nội và gốm sứ Bát Tràng được trưng bày, bán hàng lâu dài tại đây và được miễn phí gian hàng 12 tháng.
Đặc biệt, ở đây còn có bảo tàng gốm sứ, khu trưng bày các sản phẩm gốm sứ độc bản; khu ẩm thực đặc sản mang hương vị cổ của Hà Nội, với các món ăn được chế biến từ các sản phẩm nông sản OCOP. Ngoài ra còn các khu trải nghiệm nghề cho các đoàn du lịch trong và ngoài nước.
Bà Hà Thị Vinh chia sẻ, toàn bộ nội dung hoạt động tại đây đều nhằm khai thác tài hoa của các nghệ nhân, nghệ sỹ nổi tiếng đến gần với sản xuất hàng hóa để các nhà sản xuất trong làng nghề, các em sinh viên về thực tập có cơ hội học tập, nắm bắt thêm được các ý tưởng thiết kế của họ ứng dụng cho sản xuất của mình.
Đồng thời, đây cũng là nơi xúc tiến thương mại tốt nhất, giúp cho người sản xuất trong các làng nghề được tiếp cận thị trường nhanh nhất, với các thông tin khách cần gì, muốn gì để định hướng sản xuất của mình.
Đồng thời từ Trung tâm này, du khách sẽ được di chuyển bằng xe điện vào thăm làng gốm cổ Bát Tràng, thăm các nhà nghệ nhân, nghe hàng trăm câu chuyện dân gian của một làng gốm cổ có thương hiệu ngàn năm.
Hiện nay, Trung tâm “Tinh hoa làng nghề Việt” đã xây dựng xong với một kiến trúc hết sức độc đáo được lấy ý ưởng từ một chiếc lò bầu nung gốm cổ cách điệu, tạo lên không gian đẹp và nhiều cảm xúc.