| Hotline: 0983.970.780

Trưởng bản Quỳnh Nhất

Thứ Năm 23/09/2010 , 10:27 (GMT+7)

Lặn lội hơn 70km đường đèo, chúng tôi đến được nhà trưởng bản Quỳnh Nhất cũng là lúc mặt trời khuất núi.

Mặt trời đã khuất núi trên vùng cao A Lưới, nhưng trưởng bản Quỳnh Nhất vẫn chăm chỉ trên rẫy cà phê

Lặn lội hơn 70km đường đèo, đến được nhà trưởng bản Quỳnh Nhất (bản A Bung, xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng là lúc mặt trời khuất núi. Gần 15 năm trước, trưởng bản Quỳnh Nhất đã mang cây cà phê lên miền “ngược gió” A Lưới. Và từ đó, cái đói, cái nghèo của đồng bào Tà Ôi nơi đây như bóng mây đen được xua đi.

Khai hoang vùng "rốn da cam"

Chỉ tay về hướng núi trong mịt mùng mưa đêm, từng dòng ký ức ùa về, trưởng bản Quỳnh Nhất kể: "Trước giải phóng, khi chưa tách biên giới Việt - Lào, đồng bào Tà Ôi, Pa Cô sống sát biên giới vẫn du canh du cư, đốt nương làm rẫy theo tập quán ngàn đời. Nương rẫy này đốt sạch, trỉa bắp, trồng lúa bạc màu thì tìm đến nương rẫy khác. Những hạt lúa, bắp gieo trên những triền đồi cứ héo quắt ra, thu hoạch cũng không được mấy A Chói nên cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng mãi”.

Là người con của bản, cũng là một người lính Cụ Hồ không thể nhìn đồng bào mình cứ quay quắt trong cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo, mê muội, ông Nhất quyết đi tìm vùng đất mới để dẫn bản làng về đây định cư. Hàng ngày, sau những buổi theo bà con lên rẫy lên nương, kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày, ông lại mang cây rựa đi đến những vùng đất bằng phẳng để chọn “sinh phần” cho bản làng. Đến nơi đâu ông cũng nhìn thấy dấu vết của chiến tranh qua những cánh rừng cháy xém, những đồi cây không đủ quả nuôi người. Ròng rã mấy tháng trời ông cũng chọn được vùng đất A Ló, nơi có con suối Hê Lơ chảy vắt qua chân đồi. Dừng chân, quan sát địa thế của đất, ông vui mừng khôn xiết. Thế rồi, chiến dịch khai hoang cho vùng đất mới được bắt đầu bằng những thành viên là trai tráng trong bản.

Nhát cuốc bổ đầu tiên xuống vùng đất A Ló khiến ông và trai bản giật mình. Mặt đất còn lắm bom đạn, cây cối xơ xác vì chất độc đioxin. Những ngày đầu giữa chiến địa xưa thiếu thốn trăm bề. Hết đạn bom là sự rình rập của “thần chết” dioxin còn ngấm trong đất. Vật lộn với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm trong một thời gian dài, thành quả đầu tiên chỉ là một ruộng khoai lang mọc lên giữa "tử địa". Nhưng với ý chí và quyết tâm phủ xanh “rốn da cam”, trưởng bản Quỳnh Nhất đã làm cho dân bản phải ngạc nhiên. Bởi chỉ mỗi mình ông biết rằng, đất sẽ không phụ lòng người. Rồi những ruộng ngô, khoai, lúa mọc lên đã giải quyết phần nào cái đói triền miên của bà con thôn bản. Buổi đầu sơ khai về vùng đất mới, cái lán nhỏ bên con suối Hê Lơ là ngôi nhà chung của đại gia đình Tà Ôi giữa bạt ngàn hoang vu A Ló.

Rồi chỉ vài năm sau, nhiều hộ dân khác cũng lần lượt đưa nhau về định cư ở A Ló. Đến năm 1995, khi trong bản đồ địa chính huyện và tỉnh đã xuất hiện tên bản A Bung, bụng dạ bà con vui lắm. Đó chính là nhờ công lớn của trưởng bản Quỳnh Nhất sau bao tháng năm đánh cược mạng sống của mình giữa vùng "tử địa" và đấu tranh với biết bao tư tưởng lạc hậu, cổ hủ.

Mang cây cà phê lên với đại ngàn

Không dừng lại ở việc khai hoang, chọn đất để định cư cho dân bản A Bung, già làng Quỳnh Nhất còn là người đầu tiên mang cây cà phê lên với đại ngàn, xoá đi cái đói nghèo cho người Tà Ôi nơi đây. Năm 1997, Phòng NN & PTNT huyện A Lưới có chính sách đầu tư cho xã Nhâm trồng cây cà phê xoá đói giảm nghèo. Nghe có cây trồng mới xoá nghèo, dân bản hồi đó vẫn chưa tin lắm. Ông Quỳnh Thiết, người dân sống lâu năm ở A Bung nhớ lại: “Khi cán bộ mang cây cà phê về, dân bản có biết cây nớ là cây chi, trồng để mần chi mô. Bà con dân bản lo lắm, không dám chuyển đổi vườn cây để trồng vì sợ không có cái ăn”. Đến khi thấy trưởng bản Nhất nhận 300 gốc về trồng thí điểm xen canh cây sắn, dân bản mới tạm tin. Sau bao năm chăm bón, cà phê bắt đầu cho thu hoạch, lãi gần 10 triệu đồng.

Đối với bà con A Bung và kể cả già Nhất, chưa bao giờ già cầm trong tay số tiền lớn như vậy. Có điều kiện, nhờ biết được con chữ từ hồi đi lính, già Nhất đã không ngừng tìm tòi, học tập thêm kiến thức, kinh nghiệm từ sách báo, tài liệu của Phòng Nông nghiệp để nhân rộng thêm mô hình trồng cây cà phê cho bà con dân bản. Nhờ cây cà phê hợp thổ nhưỡng, thêm già Nhất đi tuyên truyền, chẳng bao lâu, những vườn cây cà phê xanh tốt mọc lên san sát triền đồi với hàng trăm hộ dân tham gia. Già Nhất nhiệt tình bắt tay chỉ việc, bày vẻ kỹ thuật, phương pháp chữa bệnh trên cây cà phê cho từng hộ.

Già cho biết: “Trồng cà phê, chỉ cần cái công chăm sóc, phân bón đúng kỹ thuật, cứ 1ha sẽ thu về 10 - 15 tấn, lãi hàng năm khoảng trên 40 triệu là bình thường”. Với đồng bào Tà Ôi nơi đại ngàn A Bung đó là một số tiền lớn mà cuộc đời của họ chưa từng dám mơ tới. Nhờ cây cà phê, đời sống đồng bào nơi đây đã thay đổi hẳn. Khi đã có kinh tế ổn định, già Nhất vẫn không ngừng vận động bà con mở đường nông thôn vào bản để thuận lợi cho xe vào ra bản mua nông, lâm sản, khuyến khích con em trong bản đến trường để học lấy cái chữ xua đi đói nghèo.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm